Kỳ 1: Từ một lá thư kêu cứu
Việc những kẻ xấu lợi dụng lòng tin, sự thật thà và tính hướng thiện của những Phật tử để lừa đảo trục lợi cho bản thân bằng nhiều chiêu thức khác nhau đang làm đau đầu các cơ quan chức năng cũng như Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Vấn nạn giả sư đi khắp nơi khất thực, bán nhang, quyên góp xây chùa, thậm chí lừa đảo… rất bức xúc. Không hiếm kẻ giả sư sáng đi ăn xin, tối tới nhà hàng, quán bar sang trọng.
Tuy nhiên, chuyện người ngang nhiên chiếm cứ nhà chùa để trục lợi, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Phật tử địa phương, mang tiền công đức đi chi tiêu cá nhân, đổ bã chè vào đầu ban hộ tự chùa; đổ dầu đốt chiếu ngồi và khóa cửa không cho Phật tử vào làm lễ, đập phá cổ vật trong chùa, đánh đập phật tử… thì đúng là hãn hữu. Ngạc nhiên hơn, sự việc này đã tồn tại gần hai chục năm giữa thanh thiên bạch nhật.
|
Sư Đỗ Văn Cường. |
Nhân vật chính trong câu chuyện này có tên là Đỗ Văn Cường, sinh 8/12/1972 tại xã Phương Liên, Thường Tín, Hà Nội. Và ngôi chùa bị chiếm đóng là chùa Hồi Long, thuộc khu Bích Nhôi 1, thị trấn Minh Tân (Kinh Môn, Hải Dương). Ở đó, ông Cường tự lấy pháp danh Thích Trung Nguyên, trụ trì chùa Hồi Long, mặc dù từ trước đến giờ ông ta chẳng bao giờ xuất trình nổi một giấy tờ hợp lệ nào cả, cũng như không được bất cứ cơ quan nào thừa nhận.
Mặt khác, dù học vấn chỉ đến lớp 8, nhưng trong thời gian 'chiếm cứ' chùa, không biết bằng cách nào, Cường đã “tranh thủ” kiếm được tấm bằng tốt nghiệp cấp 3.
Rồi có thời gian sư Cường biệt tích, để chùa cho các cụ già trong vùng chăm sóc. Mọi người tưởng sư này đi học về Phật giáo, vì những giấy tờ bằng cấp và chứng nhận bên Phật giáo Cường đều không có. Nhưng rồi, ông ta xách về tấm bằng tốt nghiệp chính quy loại khá của… Khoa Biên kịch, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, mọi người mới lăn đùng ngã ngửa.
Thậm chí, có người còn mỉa mai gọi ông sư này với cái tên Thích Là Đốt, bởi ông ta thường xuyên để sẵn 2 can xăng trong phòng ngủ của mình. Bên cạnh việc chửi bới, đánh đập Phật tử, ông Cường còn đốt cả đồ đạc, rồi dọa thiêu luôn cả một chú tiểu vốn được dân chúng quanh vùng tín nhiệm và yêu quý, khiến chú tiểu hoảng hồn xách hành lý chạy bán sống bán chết, đến giờ vẫn chưa dám quay trở lại chùa .
Tất cả những sự việc đó được phản ánh rõ trong lá đơn kêu cứu khẩn thiết của tập thể Ban hội tự chùa Hồi Long, và các cụ già lớn tuổi ở thị trấn Minh Tân. Họ gần như bất lực và sợ hãi, không biết làm gì trước những hành vi tác oai tác quái tại địa phương của ông Đỗ Văn Cường, chỉ còn cách kêu cứu báo chí và các cơ quan chức năng vào cuộc.
|
Chùa Hồi Long, Minh Tân, Hải Dương. |
Chúng tôi xin trích một đoạn trong lá đơn: “Ông Thích Trung Nguyên - Đỗ Văn Cường, ở lại đây là nhờ công rất lớn của chúng tôi, đã bảo vệ cho ông ta ở đây suốt 19 năm qua. Thế nhưng, những hành động và lời nói của ông ta ngày càng trở nên quá đáng và khiến nội bộ trong chùa chúng tôi mâu thuẫn và mất đoàn kết. Ông ta không xứng đáng là một nhà sư. Suốt 5 năm nay ông ta đi học trên Hà Nội, bỏ bê mọi việc ở chùa. Ông ta chỉ về mang tiền công đức đi mà không hề nâng cấp sửa chữa gì chùa. Hiện nay chùa bị dột nát, bị đổ ngói, các gian nhà Mẫu nhà Tổ không hề có cửa bao nhiêu năm nay. Kinh kệ cũng bỏ suốt, hương tàn khói lạnh nếu không có chúng tôi trông nom...
Ông ta thường xuyên kêu gọi các cụ mỗi người một li, một lai để cho ông ta sửa chùa... nhưng đều không làm, mang tiền đi đâu mất. Nếu là một người biết nghĩ và có lương tri thì không bao giờ phải để các cụ 80-90 tuổi cung phụng tiền nong và mọi thứ. Chúng tôi giờ đều đã tuổi cao sức yếu, sống nhờ con cháu, nhưng ra chùa nhìn thấy ông ý về ai cũng phải sợ, từ dân làng cho đến người nhà chùa... đều sợ mất vía…” .
Thú thật, bản thân tôi cũng không tin hoàng toàn vào những câu chuyện được nhắc đến trong đơn thư kêu cứu. Nhưng sau quá trình điều tra, tôi biết những gì phản ánh trong đơn thư của người dân huyện Kinh Môn là hoàn toàn có thật.
Hơn nữa, khi nhìn vào hồ sơ của Đỗ Văn Cường, tôi giật mình khi biết Cường là đệ tử ruột của Lê Quốc Hổ (Đức Giang, Long Biên, Hà Nội), một sư giả từng “quăng bom” gây ầm ỹ dư luận khi tuyên bố bị mất cắp 2,5 tỷ đô la, với mục đích trốn nợ, hơn chục năm trước.
Hồi năm 1990, Lê Quốc Hổ mua một khoảnh đất ở Đức Giang, xây điện thờ và đặt tên là chùa Giác Nguyên, rồi hành nghề lừa đảo, quyên góp tiền công đức, chữa bệnh thu tiền kiểu mê tín dị đoan. Hổ đã lừa nhiều người về khả năng chữa khỏi các chứng bệnh nan y để chiếm đoạt tiền tỷ mà không có kết quả, bị người nhà bệnh nhân thúc ép đòi tiền nên nghĩ ra màn kịch mất trộm 2,5 tỷ USD hòng trốn nợ.
Ngay khi các thông tin về "đại bịp" Lê Quốc Hổ được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều nạn nhân đã trình báo cơ quan chức năng về hành vi lợi dụng tôn giáo hoạt động tà đạo, lòe bịp nhằm mục đích lừa đảo dưới dạng khám chữa bệnh để trục lợi; có vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Năm 2005, Lê Quốc Hổ bị Cơ quan điều tra khởi tố và bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
“Danh sư xuất cao đồ”, cho tới năm 1997, không biết từ “kênh” nào, một số cụ già ở thị trấn Minh Tân quyên góp xây dựng được ngôi chùa từ một cái đền cũ, gọi là Nghè Cầu Ba, rồi gọi là chùa Hồi Long. Đồng thời, không biết vì lý do gì, các cụ làm hẳn một bản thuyết trình gửi các cấp xin bằng được "sư" Cường về chùa này trụ trì.
Ông Đỗ Văn Cường đã tìm được chốn nương thân, tự xưng pháp danh Thích Trung Nguyên. Với những thủ thuật học hỏi được từ “sư phụ” Lê Quốc Hổ, sư Cường áp dụng y nguyên và bắt đầu hành trình “một tay gây dựng bờ cõi”.