Sau khi Kiến Thức thông tin vụ việc 1.191 giáo viên hợp đồng tại Hải Dương ba tháng qua chưa được nhận lương, nhiều giáo viên chán nản nghỉ việc, UBND tỉnh Hải Dương vừa có công văn số 3707/UBND-VP chỉ đạo các Sở ban ngành thanh toán tiền lương cho tất cả các giáo viên trên trong năm 2017.
|
Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương. |
Dư luận đặt ra câu hỏi, việc ký hợp đồng vượt chỉ tiêu số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao năm 2017 lên con số 2046 giáo viên, trách nhiệm thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Và nếu có tình trạng lạm dụng ký hợp đồng với các giáo viên ngoài biên chế, Sở GD&ĐT và các cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao?
Trả lời câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Tiến – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương cho rằng, nếu nói quy trách nhiệm cho ngành hay một cơ quan nào đó nhất định thì không thể. Bởi lẽ, xét cho cùng thì việc ký hợp đồng lao động để có người dạy là điều tất yếu và phù hợp với thực tế đặt ra.
Nói về việc lạm dụng ký hợp đồng với các giáo viên ngoài biên chế, bà Nguyễn Thị Tiến cho biết:
“Số đấy rất ít chứ tôi không dám chủ quan nói là không có. Hầu hết, người ta chỉ hợp đồng đáp ứng đúng yêu cầu, nhiệm vụ. Riêng đối với mầm non, giao 1,8 nhưng ít nhất phải bố trí 2 giáo viên/lớp. Toàn tỉnh có 822 lớp nhưng chỉ khoảng chục lớp bố trí 1 giáo viên, còn lại phải bố trí 2 người nên phải ký hợp đồng chứ không sẽ không đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như an toàn cho các cháu”.
Dù lý do gì đi chăng nữa, việc ký hợp đồng vượt chỉ tiêu số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao năm 2017 lên con số 2046 giáo viên, để rồi 1191 giáo viên hợp đồng trong số đó bị chậm chi trả lương trong 3 tháng và đối mặt với tương lai phía trước mịt mờ, ngành giáo dục tỉnh Hải Dương và các cơ quan chức năng nên rà soát lại quy trình ký hợp đồng với các giáo viên tại các cơ sở giáo dục, nếu phát hiện sai phạm cần có những biện pháp xử lý nghiêm minh. Nhất là trường hợp lạm dụng ký hợp đồng với các giáo viên ngoài biên chế.