Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tâm sự: “Khi cháu Nữ Thảo cùng bạn bè đang còn là sinh viên dịch cuốn “Loài Tinh Tinh thứ ba” dày 672 trang của NXB Tri thức, tôi thực sự vui mừng. Chúng tôi khuyên các con học tập để làm giàu kiến thức chứ không phải chỉ để kiếm tiền, dù đồng tiền cũng rất quan trọng. Mỗi lần lễ Tết, theo truyền thống tôn sư trọng đạo các cháu đến thăm thầy cô cũng chỉ mang theo một bó hoa mà thôi”.
|
Kinh nghiệm dạy con ngày Tết của giáo sư Nguyễn Lân Dũng |
"Gia đình tôi có truyền thống là vào ngày mồng hai Tết hàng năm, tất cả con cháu tập trung trước bàn thờ tổ tiên ông bà. Sau khi thắp hương, bái lạy, tất cả phải báo với các bậc tiền nhân về thành quả và tình đoàn kết trong cả đại gia đình trên 60 người" – PGS.TS, Thầy thuốc nhân dân, Đại tá - Nguyên PGĐ Viện Quân Y 108 Nguyễn Kim Nữ Hiếu (con gái cố GS Nguyễn Văn Huyên), vợ của GS Nguyễn Lân Dũng thổ lộ.
Có lẽ, nhờ một trong những cách như thế này mà các cháu nội ngoại của gia đình cụ Nguyễn Lân học hành giỏi giang, sớm thành đạt như Đại tá Bùi Ngọc Quang - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - giảng viên Đại học Y Hà Nội, TS Bùi Ngọc Minh - PGĐ Bệnh viện Bộ Xây dựng, PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn - Phó chủ nhiệm Khoa Sinh – Đại học Sư phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Ngọc Lưu Ly - Phó Chủ nhiệm khoa Văn hóa Pháp Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội.
Rồi các cháu nội ngoại Nguyễn Lân Hùng Quân, Bùi Phương Lan, Bùi Quỳnh Hoa, Nguyễn Hằng Giang, Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Lân Việt Anh, Nguyễn Lân Trung Anh... đều là những trí thức trẻ đang cống hiến trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Một cách dạy con cháu có vẻ nệ cổ nhưng thật ra là một truyền thống hay, có ý nghĩa, của những gia đình gia giáo, vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa có hiệu quả, nhất là giai đoạn hiện nay khi mà nền tảng nhiều gia đình ở Việt Nam đang có nguy cơ bị phá vỡ.
Vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng có hai người con đều học hành giỏi giang, có thể nói là sớm thành đạt. Nguyễn Lân Hiếu sinh năm 1972, hiện là PGS.TS- Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Nguyễn Lân Hiếu đã từng đoạt giải thưởng của Hội Tim mạch Nhật Bản (trong hơn 100 đề tài từ khắp thế giới gửi đến).
GS Nguyễn Lân Dũng kể rằng: “Lần ông bị nhồi máu cơ tim, nếu không có con trai ông chẩn đoán chính xác chắc ông khó mà qua khỏi, gần đây lại kịp thời điều trị cho mẹ khi bà bị nhồi máu não”.
Cô con gái của vợ chồng GS Nguyễn Lân Dũng là TS Nguyễn Kim Nữ Thảo sinh năm 1983, từ nhỏ đã rất say mê và học giỏi các môn. Nữ Thảo đã từng đoạt giải nhất học sinh giỏi toàn quốc lớp 11, giải nhì toàn quốc lớp 12 về Sinh học, giải Đồng Olympic Sinh học Quốc tế tại Bỉ.
Nguyễn Kim Nữ Thảo đã hoàn thành luận án tiến sỹ tại Mỹ và hiện là trưởng phòng Công nghệ cao tại Viện Vi Sinh vật và Công nghệ Sinh học. Chồng Thảo là TS Phạm Thế Hải cũng từ Mỹ về và hiện giảng dạy tại Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
GS Nguyễn Lân Dũng nói, kinh nghiệm dạy con của vợ chồng ông là bố mẹ phải nêu gương về nhiều mặt để từ đó các con noi theo, không ép buộc, quát mắng mà chỉ đưa ra lời khuyên và tạo mọi điều kiện như sách vở, phương tiện, thời gian cho các con mà thôi.
Ông tâm sự: “Tôi thường cho con gái vào phòng thí nghiệm, để con quan sát thế giới vi sinh vật qua kính hiển vi, từ đó cháu tự yêu thích môn khoa học này. Nói thật, chúng tôi không phải nhắc nhở các con học bài mà thường nhắc phải đi ngủ khi thấy thức quá khuya.
Khi cháu Nữ Thảo cùng bạn bè đang còn là sinh viên dịch cuốn “Loài Tinh Tinh thứ ba” dày 672 trang của NXB Tri thức, tôi thực sự vui mừng. Tôi bảo cháu: "Con hơn cha là nhà có phúc rồi đó”. Chúng tôi khuyên các con học tập để làm giàu kiến thức chứ không phải chỉ để kiếm tiền, dù đồng tiền cũng rất quan trọng. Mỗi lần lễ Tết, theo truyền thống tôn sư trọng đạo các cháu đến thăm thầy cô cũng chỉ mang theo một bó hoa mà thôi”.
PGS.TS Nguyễn Kim Nữ Hiếu là vợ của GS Nguyễn Lân Dũng kể: "Khi mẹ tôi ốm, nằm trong bệnh viện, tôi thường đưa cháu Hiếu vào thăm bà và cũng qua đó để cháu thấy được nỗi khổ đau của người bệnh, từ đó gợi lòng trắc ẩn trong cháu. Sau này cháu quyết định theo nghề y có lẽ cũng bắt đầu từ đó.
Hay như cháu Nữ Thảo, buổi đầu cháu cũng định theo học nghề khác, nhưng tôi chỉ vào những giá sách của bố cháu, sưu tầm qua bao nhiêu năm, rồi bảo: “Con không theo nghề của bố thì bao nhiêu sách vở này dành cho ai?”. Sau này cháu bảo nhờ đó mà con quyết tâm học cho giỏi để nối nghiệp bố”.
|
GS Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh cùng gia đình. |
GS Nguyễn Lân Dũng sinh năm 1938 tại Mỹ Hào, Hưng Yên. Là một trong những nhà sinh học hàng đầu của nước ta, ông nổi tiếng với chuyên mục “Hỏi gì đáp nấy”. Chuyên mục này đã được ông tập hợp lại in thành hàng chục cuốn sách được nhiều người tìm đọc.
Gần đây lại là bộ sách "Những kỷ lục Nhất thế giới" được phổ biến rộng rãi. Đấy là chưa kể hàng chục cuốn sách giáo khoa và sách tham khảo về chuyên ngành Vi sinh vật học.
Ông thực sự là người bạn của nhà nông. Hiểu nhiều, biết rộng, những điều ông mang đến cho người nông dân bình thường chính là những kiến thức cần thiết cho nghề nông trong tư cách là Chủ nhiệm Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ Khoa học Kỹ thuật vào hộ nông dân.
Ông đã từng học qua 4 trường Sư phạm và gắn bó với nghề dạy học gần như suốt cuộc đời. Cho đến bây giờ ông vẫn đang hăng hái đảm đương nhiều trọng trách như Chủ tịch Hội các nghành Sinh học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài.
Ông tâm sự: "Điều mừng nhất là các cán bộ trẻ ở Viện nghiên cứu mà tôi đang làm cố vấn thực sự về chuyên môn đã giỏi hơn tôi rồi".
Trò chuyện với vợ chồng ông, tôi hiểu được nhiều điều, biết được nhiều kinh nghiệm dạy con, dạy cháu mà trước hết là dạy làm người, sống có ích cho bản thân mình, cho gia đình mình, cho cộng đồng, cho xã hội.