Trốn án để... gây án tiếp
Với những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm thuộc Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội, đối tượng Nguyễn Thị Mai Anh (sinh năm 1979, trú tại khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một trong số ít những nữ quái để lại rất nhiều “ấn tượng”.
Dù rằng đã bước quá tuổi bốn mươi, song Mai Anh vẫn giữ được nhan sắc khá mặn mà với khuôn mặt chuẩn V-line, làn da trắng bóc, đôi môi hình trái tim... Với những bộ cánh hàng hiệu, cô ta tạo cho mình vỏ bọc hoàn hảo của một “quý bà thành đạt”.
|
Đối tượng Nguyễn Thị Mai Anh. |
Song, ít ai biết rằng, nhiều năm trước Mai Anh chính là đối tượng cầm đầu một đường dây làm giả các loại giấy tờ giao dịch bất động sản để lừa đảo. Các đối tượng trong đường dây này đã chiếm đoạt số tiền lên đến 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đồng phạm lần lượt phải ra trước vành móng ngựa để lĩnh án thì Mai Anh lại ung dung “an dưỡng” tại bệnh viện tâm thần và một số cơ sở lưu trú. Và nữ quái này lại tiếp tục lừa đảo...
Cho đến tháng 2/2020, các trinh sát, cán bộ điều tra thuộc Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã thu thập đủ tài liệu chứng cứ để xác định hành vi lừa đảo của Mai Anh.
Theo đó, từ năm 2018 đến tháng 6/2019, cô ta đã thuê một số đối tượng làm giả các kết luận giám định tâm thần, biên bản pháp y tâm thần, các công văn, giấy tờ của Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa... Từ đó, lập hồ sơ giả bệnh án tâm thần của một số phạm nhân, đối tượng có tiền án, tiền sự nhằm giúp các đối tượng này trốn sự trừng phạt của pháp luật.
Cơ quan CSĐT Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mai Anh về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, đối tượng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Ngày 17/2, Cơ quan công an ra quyết định truy nã đối với Mai Anh về tội danh nêu trên.
Còn nhớ thời điểm hơn mười năm trước, Mai Anh từng khiến nhiều người khốn đốn bởi các giao dịch bất động sản với cô ta. Tài liệu Cơ quan công an cho thấy từ năm 2008 đến năm 2010 (thời điểm bất động sản tại Hà Nội đang “sốt”) Mai Anh đã thuê người làm giả 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, 8 hợp đồng góp vốn đầu tư bất động sản dự án Star City 2, 1 hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Văn phòng công chứng Thái Hà.
Ngoài ra đối tượng này và đồng bọn còn làm giả 40 đăng ký xe ôtô, đồng thời tạo dựng các hợp đồng mua bán ôtô khống với mục đích để thế chấp nhằm đảm bảo các khoản vay của các cá nhân và ngân hàng, thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dưới trướng Mai Anh là các đối tượng Đỗ Thành Trung (trú tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), Trần Ngọc Lệ (trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội - là Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại A&T), Phùng Quốc Tú (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Lê Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần T76). 4 đối tượng này đã bị cơ quan chức năng truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Ngoài ra, liên quan đến đường dây này còn có 2 cán bộ ngân hàng là Đỗ Đình Hòa (trú tại quận Đống Đa - nguyên cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Tiên Phong) và Vũ Lê Trung - nguyên Trưởng phòng Giao dịch Định Công thuộc Ngân hàng SHB, Chi nhánh Hà Nội). Họ đã bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong các hoạt động tổ chức tín dụng”.
Một trong các hành vi lừa đảo của Mai Anh cùng đồng bọn là vào tháng 10-2009, đối tượng thuê người làm giả cùng lúc 3 bộ hợp đồng góp vốn gắn với phiếu thu tiền 3 căn hộ tương ứng tại dự án Star City 2 (quận Thanh Xuân). Theo các bộ giấy tờ giả này, Mai Anh chính là chủ nhân của 3 căn hộ tại tòa Star City 2.
Thuê người làm giả các bộ hồ sơ góp vốn xong, Mai Anh cùng Đỗ Thành Trung mang đến thế chấp cho một phụ nữ để vay 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng này cùng đồng bọn còn làm giả 12 giấy đăng ký ôtô mang tên Đỗ Thành Trung, rồi lập hợp đồng mua bán tài sản giả tạo để vay và chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng của nhiều ngân hàng.
Cơ quan tố tụng xác định, Đỗ Thành Trung đã giúp sức cho Mai Anh chiếm đoạt số tiền 11,1 tỷ đồng; Trần Ngọc Lệ phải chịu trách nhiệm về số tiền 9,4 tỷ đồng; Phùng Quốc Tú giúp sức lừa đảo 5,3 tỷ đồng và Lê Anh Tuấn tiếp tay cho “siêu lừa” tương ứng số tiền 2,8 tỷ đồng.
Triệt phá ổ nhóm lừa đảo do Nguyễn Thị Mai Anh cầm đầu, CQĐT đã thu giữ 40 đăng ký xe ôtô giả tại các ngân hàng, 2 đăng ký xe ôtô giả do nạn nhân giao nộp và 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà giả, 3 giấy chứng minh nhân dân của Lê Anh Tuấn, Phùng Quốc Tú và Đỗ Thành Trung.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, Mai Anh “đột nhiên” phát bệnh tâm thần nên Cơ quan điều tra đã tách rút hồ sơ, xử lý sau. Và không ai ngờ được, sau một thời gian phải đi chữa bệnh bắt buộc, Mai Anh tiếp tục tác oai tác quái, cầm đầu một đường dây chuyên làm giả hồ sơ, bệnh án tâm thần cung cấp cho các đối tượng có tiền án tiền sự.
Lừa vé máy bay giá rẻ, nẫng 7 tỷ đồng
Nhan sắc và thủ đoạn không kém Mai Anh là nữ quái Bùi Thị Vân Anh (sinh năm 1989, trú tại phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Bằng chiêu bán vé máy bay giá rẻ, Vân Anh đã chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng của nhiều bị hại.
Cuối năm 2019, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử Vân Anh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cáo trạng cho thấy thông qua mối quan hệ xã hội, Vân Anh có quan hệ làm ăn bằng hình thức mua bán vé máy bay lẻ với anh Nguyễn Trọng Hoàng (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Vân Anh tự giới thiệu mình tên là Bùi Phương Anh, nhân viên bán vé máy bay tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và có nguồn mua vé máy bay bán lẻ của các chuyến bay trong nước và quốc tế với giá rẻ hơn so với thị trường.
|
Đối tượng Bùi Thị Vân Anh. |
Tin tưởng, anh Hoàng đồng ý mua vé máy bay của Vân Anh để kinh doanh. Thời gian đầu, việc mua bán vé máy bay giữa anh Hoàng và Vân Anh diễn ra đúng như thỏa thuận. Anh Hoàng nhận được vé máy bay và trả tiền đầy đủ cho Vân Anh qua tài khoản ngân hàng.
Thủ đoạn của nữ quái này là truy cập vào trang web Abay.vn để lấy thông tin các chuyến bay từ Hà Nội đi quốc tế rồi gửi qua mạng xã hội Facebook cho anh Hoàng lịch trình các chuyến bay gồm: ngày, giờ chuyến bay của Vietnam Airlines, tổng giá vé và lãi của từng chuyến bay này để anh Hoàng chuyển tiền. Nhận được thông tin các chuyến bay từ Vân Anh, anh Hoàng đã rủ người quen là chị Hằng (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) góp tiền cùng kinh doanh vé máy bay toàn chuyến quốc tế.
Sau khi nhận được tiền của anh Hoàng chuyển, thời gian đầu Vân Anh không sử dụng đặt mua vé toàn chuyến theo như thỏa thuận nhưng vẫn trả lại tiền gốc và đưa thêm một phần tiền của mình cho anh Hoàng và nói là tiền lãi, mục đích để anh Hoàng tin là lãi thật sẽ đưa nhiều tiền hơn. Anh Hoàng nhận được tiền do Vân Anh trả và đã thanh toán cho chị Hằng đủ số tiền như thỏa thuận.
Khi đã tạo được sự tin tưởng tuyệt đối của anh Hoàng, Vân Anh tiếp tục đưa ra thông tin gian dối có thể mua được vé toàn chuyến của nhiều chuyến bay quốc tế để rủ anh Hoàng tham gia chung vốn kinh doanh. Lúc này anh Hoàng đã sập bẫy của đối tượng. Anh nhiều lần chuyển tiền qua tài khoản, chuyển tiền mặt cho Vân Anh với tổng số tiền gần 7,4 tỷ đồng.
Nhận được số tiền trên, Vân Anh không mua vé toàn chuyến bay quốc tế mà chiếm đoạt toàn bộ để sử dụng vào mục đích cá nhân. Đến khi anh Nguyễn Trọng Hoàng tố cáo đến Cơ quan điều tra, Vân Anh chỉ trả cho anh 156 triệu đồng, còn chiếm đoạt số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.
Qua xác minh tại Tổng Công ty Hàng không Việt Nam và một số hãng bay khác, kết quả xác định không có cán bộ, nhân viên nào là Bùi Thị Vân Anh hoặc Bùi Phương Anh đang công tác tại các công ty trên và không ký kết hợp đồng ủy quyền bán vé máy bay nào với Vân Anh. Bùi Thị Vân Anh đã bị tuyên phạt 17 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, vào tháng 8/2017, Bùi Thị Vân Anh đã bị Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội) xử phạt 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Xét thấy sau khi được hưởng án treo, Vân Anh không lấy đó làm bài học mà tiếp tục phạm tội. Do đó, hội đồng xét xử tổng hợp hình phạt thành 20 năm tù đối với bị cáo.