COVID-19: Lựa chọn nào cho Việt Nam sau ngày 15/4?

Google News

Giới hạn chịu đựng tối đa của xã hội là điều cần được tính đến trước khi đi đến quyết định có hay không kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội.
 

COVID-19: Lua chon nao cho Viet Nam sau ngay 15/4?
 
“Lạc quan nhưng không chủ quan” là lời cảnh báo liên tục trong những ngày qua của Chính phủ cũng như chuyên gia y tế trước những tín hiệu tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam. Bản tin của Bộ Y tế nhiều lần báo tin vui không có thêm bệnh nhân mới, nhiều ca điều trị khỏi, hàng nghìn người hết hạn cách ly được về nhà.
Trao đổi với Zing, ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam, học giả nghiên cứu Đại học Indiana (Mỹ), cho rằng mục tiêu kéo giảm số ca nhiễm Covid-19 để đảm bảo hệ thống y tế không bị quá tải là hợp lý. Thế nhưng, cũng theo ông, mỗi quyết định luôn đi cùng sự đánh đổi.
Thực tế cho thấy chính sách cách ly toàn xã hội hiệu quả trong kéo giảm số ca nhiễm. Theo thống kê của Chính phủ, trong tuần đầu tiên cách ly xã hội 1-7/4, số ca nhiễm chỉ bằng 42% tuần trước đó; 45/63 tỉnh, thành không có người nhiễm.
Cùng lúc đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng công bố kết quả khảo sát nhanh cho thấy 3 tháng đầu năm có gần 85% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ, 43% phải giảm quy mô lao động do thiếu việc làm... Đây có thể là chỉ báo cho cái giá mà nền kinh tế phải trả trong đại dịch này.
Người dân và nền kinh tế sẽ chịu được cách ly trong bao lâu?
- Giãn cách xã hội đang là xu hướng chung của cả thế giới trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngoài những kết quả tích cực từ chính sách này, từ góc độ kinh tế và chính sách công, ông đánh giá thế nào về tác động của giải pháp này?
- Mọi chuyện luôn có sự đánh đổi. Ở đây có 2 vấn đề. Thứ nhất, chưa biết dịch bệnh này khi nào dừng và sẽ dừng theo kịch bản nào. Việt Nam đang gắn chặt với thế giới bằng một xã hội và nền kinh tế rất mở nên không thể kéo dài việc dừng và tách rời với thế giới. Việt Nam cần xác định rõ mục tiêu trong giai đoạn tới. Nếu chỉ giảm tối đa ca nhiễm Covid-19 thì đóng cửa, dừng tất cả mọi thứ là hợp lý. Nhưng nếu nhìn rộng ra với đa mục tiêu hơn, cân nhắc được - mất của mỗi lựa chọn thì vấn đề phức tạp hơn rất nhiều.
COVID-19: Lua chon nao cho Viet Nam sau ngay 15/4?-Hinh-2
 
Ví dụ, phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai sẽ giảm được nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ra cộng đồng nhưng những người có nhu cầu chăm sóc y tế khác sẽ như thế nào? Nhìn một cách công bằng, bệnh nào cũng là bệnh nên người bị ảnh hưởng sức khỏe bởi dịch Covid-19 cũng giống như người bị ảnh hưởng sức khỏe bởi các bệnh khác.
Thực tế cho thấy, sau 3 ngày “đóng băng”, Thủ tướng phải điều chỉnh yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và cho phép Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch dù đây vẫn bị xem là “ổ dịch” của cả nước.
Nhìn rộng ra từ trường hợp này, khi cách ly xã hội, dừng tất cả mọi thứ sẽ hạn chế được dịch Covid-19 nhưng đời sống của nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là nhóm yếu thế. Họ phải kiếm sống mỗi ngày ở những lĩnh vực không phục vụ các nhu cầu thiết yếu (như bán xổ số, đánh giày, nhặt rác…).
Thứ hai, khi một số nước qua đỉnh dịch, nhưng khả năng lây nhiễm vẫn còn và cao hơn đáng kể so với Việt Nam hiện nay, rục rịch mở cửa giao thương trở lại thì phương án của Việt Nam là gì? Cần đánh giá mọi mặt của việc tiếp tục hoặc dừng cách ly xã hội để thấy bức tranh tổng thể.
Theo tôi hiểu, mục tiêu của Việt Nam đang là duy trì số ca ít nhất có thể, kéo giãn đỉnh dịch để số ca nhiễm cùng một thời điểm luôn nằm trong sức chịu đựng của hệ thống y tế. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt ra câu hỏi ngoài sức chịu đựng của ngành y tế, khả năng chống chịu tối đa của xã hội trước việc cách ly này là bao lâu.
- Khả năng chịu đựng của xã hội được hiểu như thế nào, thưa ông?
- Nhìn từ góc độ y tế, trước dịch có thể thấy hệ thống y tế thường quá tải, bệnh viện thường trong tình trạng rất đông. Thế nhưng bây giờ, các bệnh viện hầu hết đều tập trung vào phòng, chống dịch Covid-19, có bệnh viện gần như trống. Điều này chứng tỏ nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tạm thời bị gác lại do dịch đang tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Vậy sức chịu đựng của hệ thống y tế sẽ ra sao khi mà những ca bệnh nặng khác gia tăng?
Ngoài ra, các vấn đề xã hội có thể nảy sinh với những nhóm yếu thế nêu trên. Không chính sách nào có thể bao phủ hết những đối tượng này. "Bần cùng dễ sinh đạo tặc" và rất có thể xảy ra những trường hợp rơi vào các hoàn cảnh thương tâm khi phải chịu đựng kéo dài trong một đại dịch chưa có hồi kết.
Nhà nước cần phải tính toán xem khả năng chịu đựng tối đa của xã hội cho việc cách ly toàn xã hội là bao lâu để các vấn đề khác không nảy sinh, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Ví dụ, với ngành y tế, nếu việc cách ly xã hội khiến đa phần người dân không được kiểm tra sức khỏe định kỳ (hoặc được kiểm tra ngay khi dấu hiệu bệnh) thì tác động về sau cho cả xã hội sẽ như thế nào? Hoặc các hoạt động kinh tế dừng lại bao lâu thì sẽ tạo ra sự đứt gãy hay sụp đổ hàng loạt?
Không có mô hình cụ thể để tính toán sức chịu đựng cho toàn xã hội. Từng ngành, từng địa phương phải ước tính được những giới hạn chịu đựng để có các kịch bản ứng phó phù hợp với tầm nhìn xa.
Covid-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng của con người
- Tuy nhiên, nền kinh tế trong giai đoạn dịch giống như lò xo bị nén và có thể bật trở lại ngay sau khi dịch kết thúc... Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
COVID-19: Lua chon nao cho Viet Nam sau ngay 15/4?-Hinh-3
 
- Đợt dịch này đã làm teo cả cung lẫn cầu trên phạm vi toàn thế giới chứ không chỉ là tạm thời gián đoạn cung hay cầu như những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Về phía cầu, dịch bệnh và giãn cách xã hội tác động đến thu nhập, thói quen, cách thức tiêu dùng của nhiều người. Về phía cung, nó làm đứt gãy các chuỗi giá trị, khả năng cung ứng.
Hãy nhìn vào giỏ hàng của mọi người trước và sau dịch. Trước dịch, nhu cầu của đa phần người dân là ăn ngon mặc đẹp, không phải ăn no mặc ấm. Tuy nhiên, dịch bệnh làm xã hội dừng lại và nhiều người nhận ra rằng tiêu dùng quá mức tạo ra những tác động không tốt cho xã hội và không có những tiêu dùng dạng đó cũng không sao.
Do vậy, hình thái tiêu dùng, hình thái sinh hoạt sẽ khác nhiều so với trước dịch. Theo tôi, khả năng nền kinh tế phục hồi và trở lại trạng thái như trước khủng hoảng là khá thấp.
- Nhưng Việt Nam cũng đang có cơ hội trong thị trường xuất khẩu gạo và thiết bị y tế?
- Nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội phát triển nông nghiệp của Việt Nam nhưng tôi không nghĩ vậy. Ngành nông nghiệp Việt Nam có tiềm năng từ lâu chứ không phải đến giờ này mới lộ diện. Cách đây chục năm, giáo sư Michael Porter (giảng viên Đại học Harvard, người được mệnh danh là "cha đẻ" của chiến lược cạnh tranh) đã cho rằng Việt Nam nên trở thành “bếp ăn của thế giới”.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rất rõ rằng để trở thành bếp ăn của thế giới là tập trung vào "chất" chứ không phải "lượng".
Năng lực sản xuất của Việt Nam đã dư thừa từ lâu, trong khi nhu cầu tiêu thụ của thế giới thay đổi rất ít. Nhu cầu có thể tăng cao nhất thời lúc dịch, nhưng theo xu hướng thì vai trò của ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ giảm đáng kể.
Còn xuất khẩu khẩu trang, thiết bị y tế có thể là cơ hội của Việt Nam nhưng cần coi chừng rơi vào tình trạng “trâu chậm uống nước đục”. Khi mình chuẩn bị xong thì dịch đã qua.
Kịch bản nào cho giai đoạn "bình thường mới"?
- Trong bối cảnh nhiều thách thức và ít cơ hội như vậy, Việt Nam cần làm gì để chuẩn bị cho giai đoạn tới?
- Sở dĩ Việt Nam đạt được kết quả như hiện nay là toàn bộ máy hướng tới một mục tiêu duy nhất là chống dịch với hệ thống điều hành thống nhất thông qua các mệnh lệnh hành chính. Đây là điểm mạnh của Việt Nam. Thêm vào đó, nguồn lực được đưa vào chống dịch là các nguồn lực có sẵn như các khu cách ly, lực lượng tham gia hỗ trợ.
Vấn đề đặt ra bây giờ là phải hướng tới đa mục tiêu ngoài việc chống dịch trong giai đoạn “bình thường mới” sắp đến. Làm sao để có những hoạt động trong xã hội vẫn được duy trì, đảm bảo nguồn lực hiệu quả nhất nhưng giảm thiểu tối đa rủi ro.
Thực tế, trong mùa dịch, mọi người vẫn tìm cách giao lưu, tương tác và cố gắng xử lý các rủi ro bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại hoặc các biện pháp khác chứ không phải dừng tương tác.
COVID-19: Lua chon nao cho Viet Nam sau ngay 15/4?-Hinh-4
 

- Theo ông, liệu Việt Nam có nên kéo dài thời gian cách ly xã hội sau khi kết thúc 2 tuần vàng chống dịch này không?
- Tôi không có đủ thông tin và khả năng đưa ra câu trả lời. Tuy nhiên, điều nên làm lúc này là đánh giá khả năng chịu đựng của xã hội; đồng thời, phân tích và tính toán để cả xã hội thấy cả mặt được, mặt mất của từng lựa chọn nhằm tạo ra sự đồng thuận và chấp nhận những tình huống không như kỳ vọng nếu nó xảy ra. Đây là cách để xây dựng một xã hội lành mạnh, tư duy một cách duy lý để có những lựa chọn hợp lý.
Hiện tại, tâm lý người dân ở Việt Nam đang rất tốt. Những phản ứng của chính quyền nhìn chung là hợp lý, đem lại niềm tin cho công chúng. Nếu giữ được điều này khi dịch đi qua sẽ rất tốt.
Tuy nhiên, đây là một thách thức lớn vì kỳ vọng chung ở thời điểm hiện tại rất cao, trong khi chặng đường phía trước rất khó lường. Do vậy, việc đánh giá các kịch bản có thể xảy ra và đưa các thông tin đa dạng để kỳ vọng người dân gần với thực tế là hết sức quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Thu Hằng/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)