Từ lâu, đã có nhiều ý kiến là bỏ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp (gọi tắt là hội thi), bởi có nhiều bất cập và mang đến nhiều thị phi, phiền muộn cho người trong cuộc. Nhưng...
Ai cũng như ai thì phấn đấu làm gì?
Hãy thử hình dung nếu ngành giáo dục bỏ đi phong trào thi giáo viên giỏi các cấp, thi học sinh giỏi… thì việc dạy và học của nhà trường sẽ thế nào, lấy gì làm thước đo cho mỗi đơn vị?
Mỗi một phong trào, mỗi một cuộc thi đều có mục đích cụ thể, đều có những tiêu chí rõ ràng. Chính những phong trào này đã làm tiền đề để nâng cao chất lượng giảng dạy ở nhà trường, tìm ra các nhân tố tích cực cho từng đơn vị và tất nhiên cũng sẽ là tiêu chí xét thi đua cuối năm cho cá nhân, là kết quả đánh giá hoạt động của tập thể.
|
Để đánh giá một cá nhân phải bắt đầu từ chất lượng giảng dạy, từ sự cống hiến và hiệu quả tham gia các phong trào của ngành, của đơn vị (Ảnh: Thanh Hùng) |
Không thi đua thì không có tiến bộ, mọi thứ sẽ trở nên cào bằng. Đối với ngành giáo dục, việc thi đua sẽ kích thích sự phấn đấu của mỗi người thầy, của từng tổ chuyên môn này với tổ chuyên môn khác, của trường này với trường khác.
Để đánh giá một cá nhân phải bắt đầu từ chất lượng giảng dạy, từ sự cống hiến và hiệu quả tham gia các phong trào của ngành, của đơn vị. Đánh giá tổ chuyên môn cũng bắt đầu từ chất lượng giảng dạy và những thành quả của các phong trào thi đua. Đối với nhà trường cũng vậy.
Một đơn vị, một tổ chuyên môn tiên tiến tất nhiên phải hơn những đơn vị khác không chỉ là chất lượng giảng dạy mà trong tập thể ấy có bao nhiêu giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, cấp trường cùng các thành tích khác nữa để làm căn cứ xét thi đua. Nếu bỏ, nhiều người sẽ không còn động lực phấn đấu bởi vì ai cũng như ai thì phấn đấu làm gì?
Những nghịch lý trong thực tế
Nhiều giáo viên thi chỉ vì thành tích, chỉ vì mong muốn có danh hiệu này, danh hiệu khác mà thôi. Bởi hướng dẫn thi đua hiện hành đã chỉ rõ: Muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở phải là giáo viên giỏi cấp trường trở lên. Vì thế, phần lớn giáo viên tham gia thi cấp trường.
Nếu như cấp trường tổ chức thì giáo viên rất hào hứng nhưng đến cấp huyện, cấp tỉnh thì không mấy ai tự nguyện mà phần lớn là phải bắt buộc. Bởi vì các cấp này tổ chức thi chặt chẽ hơn. Giám khảo đều là lãnh đạo hoặc hội đồng bộ môn chấm và đối tượng học sinh dạy lại là một trường khác. Chưa kể, nhiều nơi khi thi cấp huyện, cấp tỉnh để xảy ra tình trạng tiêu cực nên chỉ thi về chuyên môn thì rất khó đậu, thành ra giáo viên ngán.
Vậy nên, các ban giám hiệu phải “xoay vòng” và bắt giáo viên phải thi. Từ đó mà tạo ra ức chế cho giáo viên.
Các cấp lãnh đạo khi tổ chức thi giáo viên giỏi cũng bộc lộ nhiều bất cập.
Khi tổ chức ở cấp trường, chủ yếu là các tổ chấm, nhưng các Ban giám hiệu đều “đứng ké” vào mỗi bộ hồ sơ để lấy tiền chấm, thành ra tạo nên dị nghị.
Ở cấp phòng, sở thì chủ yếu là phân công lãnh đạo chấm. Đây phần lớn lại là những người đã bỏ chuyên môn lâu năm nên đôi lúc chấm chủ yếu theo cảm tính. Nhiều địa phương còn nhìn mặt người thi để chấm tạo nên sự bất công bằng.
Bên cạnh đó, một số địa phương khi bắt đầu phát động hội thi thì rầm rộ, hướng dẫn thì rất hay nhưng khi tổ chức lại không quản lí tốt. Thi lí thuyết thì để giáo viên trao đổi, đem tài liệu vào chép. Thi thực hành thì nhờ vả, gửi gắm nhau. Khi thi xong thì không tổng kết, không phát thưởng, thậm chí cái giấy chứng nhận cũng không có. Ai đoạt giải thì gửi danh sách công nhận qua email, thành ra nhiều giáo viên bị tổn thương bởi họ thi mà không được ghi nhận.
Cuối năm, dù Thông tư 35 hướng dẫn là giáo viên giỏi được ưu tiên xét thi đua nhưng nhiều Ban giám hiệu chưa đủ bản lĩnh để đi vào thực chất.
Bởi hiện nay, chỉ có 15% trên tổng số cá nhân được xét danh hiệu lao động tiên tiến nên nhiều người tranh giành, phe phái trong bỏ phiếu. Nhiều người có thành tích cao như giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh thì không được xét, người chỉ là giáo viên giỏi cấp trường, cộng với sáng kiến cấp trường thì lại xét. Thậm chí, lãnh đạo nhà trường chẳng có thành tích gì cũng muốn “chen chân” vào những danh hiệu cao.
Chính vì lẽ đó mà tạo nên nhiều dị nghị và làm nản lòng giáo viên.
Phải thay đổi cách làm
Tiếp tục duy trì hội thi giáo viên giỏi là cần thiết nhưng ngành giáo dục phải thay đổi cách làm hiện nay.
Khi thành lập các hội đồng giám khảo, nên cơ cấu những người có chuyên môn vững vàng, đã từng thi giáo viên dạy giỏi các cấp (không nhất thiết cứ phải lãnh đạo quản lý ngồi ghế giám khảo). Và dĩ nhiên, phải cùng chuyên môn với người thi để chấm chọn, đánh giá một cách công tâm, minh bạch - nhìn vào chuyên môn để chấm, không nể nang, không bị chi phối bởi một tác động, can thiệp của người khác.
Những người từng thi giáo viên giỏi cấp trường phải tham gia thi cấp cao hơn. Phải tránh trường hợp năm nào cũng thi cấp trường để xét thi đua nhưng tới cấp trên lại không bao giờ dám tham dự.
Các giám khảo cấp trường cũng cần tránh tình trạng xuề xòa, ai thi là cho đậu. Làm như vậy không tạo được sự cạnh tranh, không phân định được chất lượng giảng dạy.
Đối với giáo viên, họ cần xác định rõ mục tiêu thi đua là để tiến bộ, phải nỗ lực phấn đấu bằng chính năng lực của mình, tránh làm mọi cách hoặc nhờ vả người khác để có thành tích mà chà đạp lên lương tâm và phẩm chất của người thầy.
Cuối năm, khi xét thi đua, ban giám hiệu và hội đồng thi đua khen thưởng của các đơn vị phải công tâm, khách quan, không chỉ căn cứ cứng nhắc vào hướng dẫn của ngành mà phải căn cứ vào thực tiễn giảng dạy và cống hiến của cá nhân, tập thể đó cho đơn vị.
Tất cả cá nhân, đơn vị phải được bình đẳng khi đưa ra bình bầu, tránh thiên vị - người có chức, có quyền thì nghiễm nhiên được xét, được đề nghị công nhận danh hiệu thi đua, giáo viên dạy lớp bình thường thì chờ may rủi.
Ngành giáo dục đã hướng dẫn và quy định số tiết/ tuần cho mỗi đối tượng giáo viên. Cán bộ quản lý, các giáo viên kiêm nhiệm công việc khác đều được quy sang số tiết dạy lớp, có tiền phụ cấp. Vì thế, mọi người trong đơn vị đều bình đẳng như nhau, không có ai làm nhiều - làm ít, không có ai được cho mình cái quyền là lãnh đạo thì phải ưu tiên trước.
Nếu lãnh đạo công tâm, sáng suốt, không vụ lợi, giáo viên trung thực, sáng tạo thì lẽ nào hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp lại không hữu ích cho ngành? Điều quan trọng nhất là lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên cống hiến như thế nào đối với nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi mà thôi.
Không thi đua sẽ không có động lực phấn đấu, không phát triển được chất lượng. Nhưng thi đua mà gian dối thì cũng chẳng để làm gì.