Không sử dụng thuế của dân vào tiệc tùng!

Google News

(Kiến Thức) - "Việc cấm tặng quà, biểu trưng, biểu tượng, không tổ chức tiệc chiêu đãi... trong các lễ kỷ niệm là quy định đúng đắn, tiết giảm được rất nhiều ngân sách"...

Đây là ý kiến của bà Tô Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội.
Quanh đi quẩn lại 
cũng là tiền của dân!

- Bộ VH-TT&DL vừa công bố Nghị định quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. Theo đó, từ ngày 16/12 tới đây, lễ kỷ niệm của tất các các đơn vị, không loại trừ tổ chức xã hội nào, sẽ không được tặng quà, biểu trưng, biểu tượng, không tổ chức tiệc chiêu đãi... Nhiều người thấy khá ngạc nhiên về quy định này, bà nhìn nhận thế nào?
- Tôi ủng hộ việc cấm. Tiền thuế của dân không thể sử dụng vào các việc như quà tặng, chiêu đãi tiệc tùng... được. Từ trước đến nay chúng ta làm điều đó là không hợp lý. Giờ lễ kỷ niệm, lễ khởi công, lễ động thổ, nói chung là nhiều lễ lắm. Mà lễ nào cũng hoa, cũng quà, cũng phong bì, tiệc tùng chiêu đãi... thì tốn kém không kể xiết đâu. 
- Nhưng doanh nghiệp thì họ có quyền tự quyết tiền họ làm ra chứ?
- Kể cả là doanh nghiệp đi chăng nữa thì suy cho cùng tiền đó cũng là tiền thuế của dân. Tất nhiên, ở góc độ luật thì chỉ có thể khuyến khích chứ không thể cấm doanh nghiệp sử dụng tiền của họ được. Nhiều người phản đối rằng quy định này phạm luật, tôi nghĩ trong các văn bản hướng dẫn thi hành cũng sẽ nói rõ điều này.
- Thế nhưng, quy định chi tiết kiểu "không được dùng phù hiệu, nơ, hoa cài ngực..." thì xem ra nó tiểu tiết quá?
- Không phải. Những cái tưởng như rất nhỏ ấy nhưng chi phí lại lớn vô cùng. Lãng phí lắm! Lãng phí vô cùng. Đất nước ta đang trong tình trạng bội chi, thu thì không đủ dự toán. Quy định này rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Còn ở góc độ doanh nghiệp, cứ nói là tiền của họ thì họ có quyền tiêu, nhưng quanh đi quẩn lại cũng là tiền của dân mà thôi! Kể cả có cấm doanh nghiệp thì tôi cũng đồng tình.
- Thậm chí Nghị định còn quy định chỉ kính thưa họ tên và chức danh lãnh đạo có chức vụ cao nhất ở trung ương và ban, bộ ngành địa phương và đơn vị. Bà cũng đồng tình?
- Ở nhiều hội thảo hội nghị, tôi thấy cái màn kính thưa kính gửi này nó rườm rà lắm. Chỉ hơi có chức một tí là phải kính thưa. Có khi phần lớn thời gian của hội nghị là dành để kính thưa kính gửi. Quy định như thế cũng là để có những lễ kỷ niệm văn minh, tiết kiệm mà vẫn trang trọng, ý nghĩa.
Bà Tô Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Hà Nội. 
"Đề nghị đại biểu không tặng lẵng hoa"
- Chắc hẳn bà cũng đã từng tổ chức nhiều lễ kỷ niệm kiểu như vậy, bà thấy gì?
- Chi phí cho những thứ thuộc về hình thức quá lớn. Một đại hội hay lễ kỷ niệm, chỉ riêng lẵng hoa thôi cũng không biết bao nhiêu là tiền. Giá thị trường khoảng 400.000 - 500.000đ/lẵng. Mà có những lễ kỷ niệm, hàng trăm lẵng hoa xếp hàng sau đó là vứt luôn ra thùng rác. Lãng phí lắm. Thế nên vừa rồi chúng tôi tổ chức đại hội lần thứ 6, chúng tôi ghi luôn trong giấy mời là "đề nghị đại biểu không tặng lẵng hoa".
- Nhưng có người sẽ suy nghĩ rằng không có hoa thì không hoành tráng?
- Thực ra đại diện các cơ quan nhà nước đi dự những cái này cũng phải lấy tiền ngân sách. Doanh nghiệp thì cũng lấy tiền của doanh nghiệp. Một hội nghị như vậy tiết kiệm được hàng bốn, năm chục triệu đồng. Thế thì nên quá đi chứ. 
Nên, nhưng người thích hoành tráng thì...?
- Thành công của hội nghị là chất lượng của nó chứ không phải độ hoành tráng về hình thức.
Không tiếc người đến chỉ để nhận quà
- Theo bà liệu quy định này có khả thi, hay người ta sẽ lại lách luật?
- Nếu cùng nhau làm thì sẽ khả thi.
- Nhưng thay vì quà tặng thì có khi người ta lại biến tướng thành phong bì phong bao chẳng hạn?
- Phong bì thì cũng phải theo đúng quy định của Nhà nước chứ không làm khác được. Làm khác thì không quyết toán được đâu. Ví dụ, một buổi họp chỉ được 70.000đ, tiền nước uống là mấy nghìn, thì chỉ quyết toán được như thế trên đầu người thôi.
- Thế những chi phí khác từ trước đến nay như quà tặng hay là hoa, nơ cài áo, vật phẩm kỷ niệm... thì họ quyết toán thế nào?
- Tôi khẳng định là theo các quy định hiện hành thì không có danh mục cho các khoản đó. Ngân sách nhà nước không bao giờ cấp cho các khoản đó trong các lễ kỷ niệm hay hội thảo hội nghị. Để hợp thức hóa nó thì có thể có sự biến tướng bằng các chứng từ khác. Đơn giản nhất là mua một lẵng hoa đi dự một lễ kỷ niệm nào đó. Nếu không biến tướng bằng thứ khác thì không thể thanh quyết toán được đâu. Đi đám ma cũng không thể thanh quyết toán được vòng hoa. Việc cấm lần này cũng là dịp để các đơn vị không phải tìm cách hợp thức hóa những khoản chi không chính thức này.
- Nhưng họ sẽ phải biến tướng như thế nào?
Tôi chịu, không biết. Nhưng chỉ chắc chắn một điều là nếu không biến tướng thì không quyết toán được. Tôi tổ chức nhiều hội thảo, lễ kỷ niệm, tôi biết, không thể quyết toán được những khoản này.
- Giả sử bà đi dự một lễ kỷ niệm rất lớn mà không có chút quà nào, không lẵng hoa nào, bà có cảm thấy "thiếu thiếu"?
- Tôi không bao giờ nghĩ điều đó đâu. Dần dần mọi người cũng phải quen với văn hóa mới đi.
- Liệu trong lễ kỷ niệm năm tới, người ta sẽ ít đến dự bởi "không quà, không rượu cũng chẳng hoa"?
- Cái đó thì phải chờ xem thế nào. Nhưng cái trước mắt là tránh sự lãng phí lớn. Ngân sách giờ đang rất khó khăn. Việc tiết kiệm để phát triển hạ tầng là cần thiết, phải làm.
- Nhưng sẽ ngại đi dự các buổi đó?
- Với những người đi chỉ để nhận quà thì không nên tiếc. Họ không đến không ảnh hưởng gì đến tầm vóc của sự kiện cả. 
- Xin cảm ơn bà!
Nghị định gồm 145 gồm 14 chương, 62 điều quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức khen thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài. Trong đó, Nghị định quy định có bảy ngày lễ lớn trong nước: Tết Nguyên đán, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày Cách mạng tháng Tám và ngày Quốc khánh nước CHXHCNVN.
Bích Liên (Thực hiện)

Bình luận(0)