Không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt do hạn hán, xâm nhập mặn

Google News

Thủ tướng đề nghị cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là về khoa học và công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ mới… trong phòng, chống xâm nhập mặn.

Khong de ho dan nao thieu nuoc sinh hoat do han han, xam nhap man
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chiều 23/9, tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc với các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Chỉ trong vòng 5 năm gần đây, ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.
Do ảnh hưởng của thiếu hụt lượng mưa trên lưu vực sông Mekong, nguồn nước về vùng đang bị thiếu hụt, dẫn đến nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao đến nghiêm trọng trong mùa khô năm 2020-2021.
Theo tính toán của các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021, dự kiến có thể ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 chủ yếu ở các tỉnh ven biển.
Tổng diện tích gieo cấy lúa Đông Xuân 2020-2021 có nguy cơ bị ảnh hưởng chiếm khoảng 5,3-6,1% của vùng. Hạn mặn có thể làm ảnh hưởng đến tổng diện tích khoảng từ 14% đến 23% diện tích cây ăn quả toàn vùng. Dự kiến có khoảng 70.600 hộ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xâm nhập mặn năm 2019-2020 đã ảnh hưởng đến 16.500ha lúa vụ Mùa 2019 (trên đất lúa tôm), chủ yếu tại tỉnh Cà Mau.
Vụ Đông Xuân 2019-2020: Diện tích lúa đã bị ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn khoảng 41.900 ha/1.541.000ha tổng diện tích gieo trồng toàn vùng, chiếm tỷ lệ 2,7%; trong đó: thiệt hại mất trắng (trên 70%) là 26.000ha.
Diện tích thiệt hại cây ăn quả bị thiệt hại khoảng 25.120ha; diện tích cây rau màu bị ảnh hưởng khoảng 1.241ha. Diện tích nuôi trồng thủy sản thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ước khoảng 17.203ha.
Mức độ thiếu nước sinh hoạt lúc cao nhất (từ 6-24/3/2020) tổng cộng khoảng 96.000 hộ (khoảng 430.000 người dân).
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020, hạn mặn ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nặng nề hơn so với 2019. Do đó, yêu cầu đặt ra là cần những biện pháp phù hợp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này.
Nhìn lại kết quả công tác chống hạn mặn của năm 2019, Thủ tướng cho rằng mặc dù trong bối cảnh tác động nặng nề nhưng nông nghiệp vẫn được mùa. Vụ Đông Xuân 2019-2020 được đánh giá là rất thành công, vừa được mùa, vừa được giá. Sản lượng lương thực của Việt Nam vẫn bảo đảm cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đời sống của người nông dân được nâng lên.
Ứng dụng khoa học và công nghệ, kỹ thuật số được triển khai rộng rãi, nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp. Kinh nghiệm sống chung với lũ, sống chung với hạn mặn, thiên tai được áp dụng rộng rãi.
Thủ tướng chỉ rõ yêu cầu cần nâng cao nhận thức về hạn hán, xâm nhập mặn bởi đây là vấn đề “không thể tránh,” cần “sống chung.” Đây là nguy cơ những cũng sẽ xuất hiện thời cơ nếu thích nghi và vận dụng tốt cơ hội. Do đó, cần sống, sinh hoạt, thích nghi với môi trường mới, Thủ tướng nói và đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương liên quan cần nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Kiên quyết không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt, Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị triển khai nhiều biện pháp trữ nước một cách chủ động, có tính đến những biện pháp giải cứu không chỉ cho người dân mà còn cả cho đàn gia súc và hoa màu và cây ăn trái.
Bên cạnh đó là đảm bảo sản xuất trong tình hình mới, duy trì xuất khẩu trái cây và nông thủy sản như lúa, tôm, những mặt hàng chủ lực của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Về nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị tập trung làm tốt công tác truyền thông đến từng gia đình; thông tin chính xác, đầy đủ đến người dân về nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn là hiện hữu ở Đồng bằng Sông Cửu Long trong mùa khô để người dân chủ động có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cũng phải phát huy tinh thần “bốn tại chỗ,” bắt đầu “từ người dân, từ cơ sở là chính” như phòng chống thiên tai nói chung. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Khong de ho dan nao thieu nuoc sinh hoat do han han, xam nhap man-Hinh-2
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, giám sát, tổ chức dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn để phục vụ cho công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về thời vụ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con nông dân chỉ thực hiện gieo xạ lúa ở những nơi đảm bảo về nguồn nước tưới để tránh thiệt hại.
Cùng với đó là rà soát, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn từ nay đến hết mùa khô; không để bất kỳ người dân nào thiếu nước sinh hoạt, không để người dân phải dùng nước không bảo đảm vệ sinh; hướng dẫn các địa phương để có phương án trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, trữ nước quy mô hộ gia đình, quy mô thôn, ấp, xã, phường, huyện, tỉnh.
Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo giai đoạn đối với một số công trình thủy lợi lớn, cấp nước sinh hoạt. Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý nguồn nước nhằm bảo đảm cho người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh để phòng, tránh phát sinh dịch bệnh.
Cùng với chống hạn hán, xâm nhập mặn, cần chú ý đến nhiệm vụ phòng, chống lũ, Thủ tướng nói và nhắc lại yêu cầu cần đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân nếu có lũ về.
Về một số nhiệm vụ lâu dài, Thủ tướng đề nghị cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là về khoa học và công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ mới… trong phòng, chống xâm nhập mặn.
Thủ tướng đề nghị Ủy ban sông Mekong Việt Nam đẩy nhanh nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện, cũng như việc tăng cường sử dụng nước tại các nước thượng nguồn Mekong đến Đồng bằng Sông Cửu Long để có các giải pháp ứng phó phù hợp.
Về lâu dài, cần rà soát phương án cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là tại khu vực ven biển và vùng bán đảo Cà Mau để đưa vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư, huy động các nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện.
Khong de ho dan nao thieu nuoc sinh hoat do han han, xam nhap man-Hinh-3
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe ý kiến của bà con nhà vườn trồng sầu riêng ở xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)
Ngoài ra, các địa phương tập trung rà soát lại phương án sản xuất nông nghiệp; trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đầu tư xây dựng các công trình chủ động kiểm soát mặn, trữ nước ngọt. Các bộ và địa phương cần nghiên cứu để có các chính sách phù hợp hỗ trợ các hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn xây bể trữ nước cho sinh hoạt.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khảo sát mô hình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, trồng sầu riêng năng suất cao tại xã Hiệp Đức, xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng đã thăm vườn sầu riêng của ông Mai Văn Âu. Tại đây, mỗi một hecta thu hoạch khoảng 20-25 tấn sầu riêng, với giá khoảng 60.000-70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ lãi khoảng 1,1 tỷ đồng.
Ông kiến nghị Nhà nước làm cửa ngăn mặn cho một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; hỗ trợ kinh phí cho huyện Cai Lậy làm kênh nội đồng để tăng lượng trữ nước ngọt, có cơ chế hỗ trợ người dân phục hồi vườn cây suy kiệt.
Ông Âu mong muốn cả các cơ chức năng cử cán bộ xuống giúp nông dân sản xuất sầu riêng theo quy trình Vietgap, có thương hiệu, xuất xứ để đáp ứng yêu cầu của đối tác.
Trao đổi với bà con nông dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao mô hình sản xuất của Cai Lậy, hiện có tới 10.000ha trồng sầu riêng (cả nước có 22.000ha sầu riêng) với hiệu quả cao.
Thủ tướng gợi ý bà con cần xem xét chuyển đổi mùa vụ phù hợp. Từ kinh nghiệm của hộ nông dân Mai Văn Âu nên chuyển giao cho nhiều hộ khác.
Ghi nhận ý kiến của bà con, Thủ tướng cho rằng cần có nghiên cứu tầm quốc gia về việc ngăn mặn vào sâu. Trong bối cảnh sắp tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ còn nghiêm trọng thì việc tích nước ngọt cũng rất quan trọng.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, xâm nhập mặn.




Quang Vũ - Hữu Chí/Theo Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)