Với 1.415 ca F0 cùng hàng ngàn F1, F2 tính đến 12h ngày 8-7-2021, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh đang là điểm nóng nhất về dịch COVID-19. Mặc dù Công an quận Bình Tân đang phải dốc toàn lực phối hợp với các đơn vị chức năng ngày đêm bám chốt, giữ gìn an ninh trật tự tại các điểm cách ly, phong tỏa, truy vết F1, F2, song các cán bộ chiến sĩ vẫn tranh thủ tìm mọi cách để hỗ trợ những trường hợp khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần. Hành động đó đã phần nào thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, luôn kề vai sát cánh cùng bà con nhân dân vượt qua đại dịch.
Những món quà nghĩa tình
Có mặt tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (một điểm nóng khi liên tục xuất hiện các ca F0) vào cuối giờ chiều một ngày đầu tháng 7-2021, chúng tôi ghi nhận tất cả các phòng đều sáng đèn nhưng không một bóng người, chỉ mình Trung tá Nguyễn Thanh Phong, trưởng công phường, một tay cầm điện thoại chỉ đạo công tác trực đảm bảo an ninh trật tự tại các chốt phong tỏa, một tay thoăn thoắt xúc gạo từ bao tải lớn phân thành nhiều bao nhỏ.
|
CBCS Công an phường An Lạc, quận Bình Tân tại chốt phong tỏa trong khu chung cư Ehome. |
Thay vội chiếc khẩu trang đã ướt sũng mồ hôi, anh Phong quay sang bảo: “Căng lắm anh ạ. Ngày 30-5-2021, khi vừa xuất hiện 2 ca F0 ở số 77-79 đường Trần Thanh Mại, chúng tôi lập tức thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giải thích, vận động nhằm ổn định tâm lý cho người dân, thực hiện phong tỏa khu vực, truy vết F1, F2, y tế lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng. Tuy nhiên, dịch bệnh cứ như vết dầu loang, ngày càng lan rộng và đến nay toàn phường đã có đến 31 điểm phong tỏa với 373 ca F0 được phát hiện.
Anh em tuy phải trực chiến 100% để đảm bảo quân số cho 124 lượt gác trực mỗi ngày trên tất cả các chốt nhưng cũng chẳng thấm vào đâu so với nỗi vất vả của hàng trăm hộ gia đình trong các khu nhà trọ ở khu phố 2 và 6. Gia đình ít nhất cũng 3-4 người, nhiều thì 6-7 người đều thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương khác tụ tập về đây thuê phòng trọ và chạy ăn từng bữa bằng nghề buôn gánh bán bưng, thu mua ve chai, bốc vác, chạy xe ôm...
Để chia sẻ với những khó khăn của bà con, tôi bàn với anh em trong đơn vị vừa tự nguyện quyên góp, vừa liên hệ với các nhà hảo tâm nhờ trợ giúp nhưng do tình hình chung nên chỉ xin được hơn tấn gạo cùng ít nhu yếu phẩm khác mang về đóng gói để chuyển đến tận tay từng hộ gia đình... Chỉ là chút chia sẻ ban đầu thôi, chúng tôi sẽ cố gắng tìm thêm nguồn tài trợ để góp thêm phần giúp cho bà con không quá thiếu thốn trong những ngày dài phải cách ly, phong tỏa. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tìm cách vận động những nhà hảo tâm, nếu có được sự ủng hộ sẽ nhanh chóng chuyển đến bà con”.
Bà Trần Thị Lý, một người dân trong khu phong tỏa chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 người nhưng 2 người mất sức lao động. 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy đồng lời lãi từ chiếc xe đẩy thu mua ve chai hằng ngày của mình tôi. Hôm nhận tin cách ly, phong tỏa cả khu phố, tôi rối lắm, bởi trước đó, ngày nào kiếm được vài trăm thì ngoài đong gạo, còn trích ra chút ít mua thêm mớ rau, con cá cho cả nhà ăn tươi. Ngày mưa gió tuy kém nhưng có thể kiếm cân gạo nấu cơm chan nước mắm cũng xong bữa, nay cách ly không đi làm được thì lấy gì mà ăn, lại còn tiền thuê nhà, điện, nước nữa...
Tôi gọi điện hỏi vay mấy người cùng quê mua bán ve chai nhưng họ cũng trong tình trạng tương tự. Đang lúc bí bách nhất thì thấy mấy chú công an phường đến gõ cửa, hỏi thăm tình hình, nhắc nhở phải thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch bệnh, rồi còn cho gạo, nhu yếu phẩm... Lúc trước, nhiều lần bị mấy chú gay gắt nhắc nhở về công tác đảm bảo an toàn cháy nổ, về nêu cao cảnh giác để phòng chống trộm cắp, đăng ký tạm trú, tạm vắng, trong lòng thấy không vui, nhưng nay, trong hoạn nạn mới hiểu được tấm lòng... Giờ chỉ biết cảm ơn và mong các chú ấy luôn khỏe để giúp bà con mau chóng vượt qua đại dịch...”.
|
Phóng viên Báo CAND tác nghiệp tại hẻm 258 Hồ Ngọc Lãm (nơi có chuỗi lây nhiễm bùng phát mạnh). |
Chuyện cảm động trong khu cách ly đặc biệt
Đến với khu cách ly tập trung được đặt tại Trường tiểu học An Lạc 3, chúng tôi ghi nhận câu chuyện hết sức cảm động khi một đồng chí trung úy cầm loa tay hướng lên dãy phòng ở lầu 1: “Các con ơi tắm xong chưa, chuẩn bị ăn bữa tối nhé. Các con nhớ phải giữ đúng cự ly khoảng cách, không tụm lại với nhau. Trước khi ăn phải rửa tay bằng nước sát khuẩn, sau đó mới gỡ khẩu trang. Ăn xong thì vào đánh răng, rửa mặt, chân tay rồi tiếp tục đeo khẩu trang và giữ khoảng cách nhé. Các con thực hiện tốt lời dặn sẽ được chú thưởng và sớm được cha mẹ đón về...”.
Trung úy Trần Quốc Thái kể, cùng với Trung tâm Y tế quận Bình Tân, mỗi ngày khu cách ly này tiếp nhận hàng trăm F1 phát sinh trên địa bàn. Thời gian đầu, mỗi CBCS chỉ phải trực 12 giờ mỗi ngày nhưng nay số lượng người cách ly tăng đột biến nên tăng thời gian trực lên thành 18 giờ, thậm chí trực 24/24 giờ để vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa tư vấn, hỗ trợ người cách ly trong việc giữ đúng các quy định của ngành y tế, đặc biệt là công tác tư tưởng.
Ngoài những người đã trưởng thành, khu cách ly còn tiếp nhận một số cháu học sinh tiểu học. Việc làm công tác tư tưởng, hướng dẫn các quy định về y tế trong khu cách ly đối với những người trưởng thành không khó bởi họ chủ động được mọi hành vi của bản thân nhưng đối với một số cháu nhỏ thì khá vất vả.
Ở cái tuổi còn quá ngây thơ như các cháu, khi ở trường thì được các thày cô hướng dẫn tỷ mỉ từ chuyện học hành, vệ sinh cá nhân cho đến cách nói năng, giao tiếp với bạn bè, chào hỏi khi gặp người lớn, về nhà được cha mẹ chăm bẵm cái ăn, giấc ngủ manh quần, tấm áo, dõi theo từng hành động, sở thích thì nay phải một mình tự lập khu cách ly tập trung. Có cháu khi mới vào còn chưa biết tự mình lấy kem đánh răng, nhúng khăn rửa mặt. Có cháu suốt nhiều giờ chỉ ôm mặt khóc đòi về nhà vì nhớ cha mẹ mà các anh cũng rơi nước mắt theo.
|
Người dân Blok 6, chung cư Ehome xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm. |
Nhói lòng lắm, muốn trò chuyện, động viên, giúp đỡ các cháu nhưng hầu hết CBCS trong tổ trực chốt đều chưa có vợ nên không có chút kinh nghiệm nào trong việc chăm sóc trẻ nhỏ. Không thể để các cháu bị ảnh hưởng tâm lý, anh em bảo nhau liên hệ với những đồng đội trong đơn vị đang có con ở lứa tuổi học sinh tiểu học để trao đổi kinh nghiệm, rồi cùng cán bộ y tế áp dụng vào việc hỗ trợ, hướng dẫn cho các cháu.
Buổi đầu các anh bắc loa nói chuyện, không thấy cháu nào hưởng ứng. Không nản chí, anh em bảo nhau cố gắng điều chỉnh giọng nói sao cho nhẹ nhàng, truyền cảm cho có phần giống như bậc cha, mẹ, thầy, cô. Và đến buổi thứ hai, thứ ba, anh em đã nhận được tín hiệu phản hồi: “Con nghe... Con thực hiện rồi... Cảm ơn chú!”.
Có được thành công ban đầu, anh em tiếp tục vừa học hỏi kinh nghiệm, vừa truyền tải kiến thức cơ bản trong sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, kiến thức phòng chống dịch bệnh... và cho đến nay các cháu đã coi CBCS trong tổ trực chốt và nhân viên y tế như những người bảo mẫu, sẵn sàng chia sẻ, hỏi han những chuyện tế nhị từ đau bụng, nhức đầu cho đến việc đi vệ sinh...
Về công tác chủ động phòng, chống dịch, Thượng tá Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng Công an quận Bình Tân cho biết: Ngay từ khi thành phố phát hiện ca bệnh ở phường 15, quận Gò Vấp, Ban chỉ huy Công an quận đã xây dựng kịch bản, yêu cầu toàn bộ CBCS vào tư thế sẵn sàng ứng phó mọi lúc mọi nơi nhằm tránh bị động nếu xảy ra tình huống xấu. Công an tất cả các phường phối hợp với Đội Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và các tổ dân phố gõ cửa từng hộ dân, vừa tuyên truyền, vừa nhắc nhở bà con “khởi động” lại quy trình phòng, chống dịch theo hướng dẫn 5K.
Đêm 30-5-2021, khi xuất hiện ca F0 trên địa bàn, tất cả CBCS lập tức vào vị trí tại những điểm nóng để thực hiện nhiệm vụ. Cho đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện trên địa bàn 10/10 phường với 1.415 ca F0 cùng hàng ngàn F1, F2 trong các điểm phong tỏa, 2 khu cách ly tập trung, nhiều địa điểm phải phong tỏa trên diện rộng như một phần tuyến đường Hồ Ngọc Lãm (từ bến Phú Định đến ngã tư Kinh Dương Vương), toàn bộ khu dân cư Nam Long...
Cũng bởi dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều khu vực bị phong tỏa khiến cuộc sống, sinh hoạt của đông đảo người dân gặp nhiều khó khăn nên Ban chỉ huy Công an quận yêu cầu tất cả CBCS, ngoài giữ gìn sức khỏe để đảm bảo công tác trực tại các điểm chốt phong tỏa thì được yêu cầu phải tranh thủ giúp đỡ bà con về tinh thần, tiếp nhận hàng hóa, đồ ăn thức uống từ bên ngoài chuyển tận tay bà con...
Cũng theo Thượng tá Quang, do dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng nên toàn bộ CBCS được lệnh cấm trại, ăn ở tại đơn vị. CBCS được yêu cầu trực từ 12-18 tiếng mỗi ngày. Những trường hợp phải tiếp xúc với F1 thì khi xuống ca sẽ về khu riêng biệt do Công an quận bố trí để nghỉ ngơi, vệ sinh cá nhân rồi tiếp tục vào ca mới. Đặc biệt, ở hai địa bàn phường Tân Tạo A và An Lạc với 955 ca bệnh thì phải trực 24/24 tại các điểm chốt, thậm chí cả trưởng, phó phường cũng phải ăn, ngủ và cả chỉ huy công tác ngay tại chốt trực.
Đường phố đã lên đèn, tôi định nói lời chia tay thì chợt nghe: “Các con ơi... các con cố gắng giữ gìn bản thân, giữ gìn vệ sinh, trật tự như những gì đã được thầy cô dạy ở trong lớp nhé... Bạn nào muốn ăn gì, mua gì thì cứ ghi vào giấy ném xuống, các chú sẽ mua cho... Bạn nào nóng, sốt, đau bụng, tiêu chảy cũng báo ngay nhé... Chú thương...!”. Giọng nói trầm ấm, thân thương của một trung úy cảnh sát đang cầm loa đứng ở giữa khu cách ly tập trung khiến tôi chợt nghĩ, những việc các anh làm hằng ngày tưởng như nhỏ bé nhưng sẽ góp sức cho công cuộc chống đại dịch đợt 4 sớm thành công.