Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V: Tiêm thương mại?

Google News

Mới đây (12/7), Chính phủ đồng ý Tập đoàn T&T đàm phán mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V của Liên bang Nga. Số lượng vắc xin này sẽ được tiêm miễn phí theo quy định.

Theo đó, Chính phủ đồng ý theo đề xuất của Bộ Y tế: Có văn bản giới thiệu Tập đoàn T&T với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán, mua 40 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 Sputnik V của Liên bang Nga bằng nguồn kinh phí hợp pháp do Tập đoàn T&T huy động (không sử dụng kinh phí nguồn ngân sách Nhà nước và Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam).
Tap doan T&T mua 40 trieu lieu vac xin Sputnik V: Tiem thuong mai?
Vắc xin COVID-19 Sputnik V của Liên bang Nga. Ảnh minh họa. 
Trên cơ sở yêu cầu của nhà sản xuất vắc xin, Chính phủ đồng ý với đề xuất ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm sử dụng vắc xin Sputnik V với nội dung tương tự như nội dung thoả thuận mà Bộ Y tế đã ký trong các trường hợp mua vắc xin BNT162 của Pfizer và vắc xin AZD1222 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC).
Theo Nghị quyết, Bộ Y tế sẽ thực hiện việc cấp phép nhập khẩu, kiểm định, kiểm soát chất lượng vắc xin, tổ chức tiêm miễn phí toàn bộ 40 triệu liều vắc xin nêu trên theo quy định.
Chính phủ giao Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện các thủ tục ngoại giao có liên quan. Bộ Giao thông vận tải phối hợp tổ chức vận chuyển vắc xin theo đề nghị của Bộ Y tế.
Chính phủ giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, địa phương liên quan phối hợp với Bộ Y tế để xây dựng kế hoạch, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.
Ngày 23/3, Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vắc xin phòng COVID-19 Sputnik V của Nga cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch. Đây là loại vắc xin COVID-19 thứ hai được Bộ Y tế cấp phép, sau AstraZeneca. Sputnik V là vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới được một cơ quan chức năng phê duyệt sử dụng.
Tại cuộc họp ngày 2/6 với Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam đã đàm phán mua 20 triệu liều vắc xin Sputnik V phòng COVID-19. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết từ tháng 8/2020, Việt Nam đã có thư ngỏ đề xuất mua vắc xin phòng COVID-19 của Nga, tuy nhiên vì điều kiện sản xuất nên chưa đảm bảo cung ứng cho các nước, trong đó có Việt Nam.
Việc Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga được nhiều người dân ủng hộ và mong muốn số lượng vắc xin này sớm về Việt Nam. Nhiều ý kiến cho biết, kể cả trong trường hợp tiêm thương mại họ vẫn sẵn sàng. Nếu số lượng 40 triệu liều vắc xin này được tiêm miễn phí cho người dân thì rất đáng quý trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại TP HCM và nhiều địa phương như hiện nay.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho rằng, việc Tập đoàn T&T mua 40 triệu liều vắc xin Sputnik V là rất tốt trong bối cảnh hiện nay.
“Việc tiêm số lượng vắc xin trên vẫn có chương trình trong các hệ thống tiêm chủng họ tiêm, bảo quản. Tập đoàn T&T tài trợ bằng nguồn kinh phí hợp pháp do tập đoàn này huy động, không sử dụng kinh phí nguồn ngân sách Nhà nước và Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam thì rất đáng quý. Doanh nghiệp sẽ bỏ tiền mua vắc xin, còn kiểm định, kiểm soát chất lượng vắc xin, phân phối, tổ chức tiêm miễn phí vẫn do Nhà nước làm” - bác sĩ Nguyễn Hồng Hà nêu ý kiến.
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 với biến chủng mới đang tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, có thể bùng phát bất kỳ lúc nào và ở đâu trên đất nước ta.
Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ này, giải pháp căn cơ, lâu dài trong phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây nhấn mạnh, thời gian tới vẫn phải là 5K + vắc xin, trong đó vắc xin có ý nghĩa chiến lược, lâu dài và quyết định.
Tuy nhiên, thực trạng khan hiếm vắc xin trên toàn cầu đã gây rất nhiều khó khăn cho các nước nói chung và Việt Nam nói riêng trong tiếp cận, đàm phán và mua vắc xin. Bên cạnh việc chỉ đạo, đôn đốc tiến độ tiếp cận, đám phán, mua vắc xin, Chính phủ đã thống nhất chủ trương và Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương triển khai các giải pháp cấp bách, cần thiết để đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng, chống COVID-19 trong nước, bảo đảm đúng quy trình, quy định.
Trước đó, dự lễ phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn quốc với mục tiêu tiêm 150 triệu mũi cho khoảng 75 triệu người trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vắc xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch COVID-19.
“Mục tiêu của Chiến lược vắc xin là tiêm miễn phí hằng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng trên cả nước. Để đạt mục tiêu đó, chúng ta phải thực hiện được việc có đủ vắc xin cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và tự sản xuất trong nước. Mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc xin” - Thủ tướng nói và yêu cầu, khi đã có vắc xin, phải thực hiện tiêm chủng miễn phí cho nhân dân đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả.
>>> Mời độc giả xem thêm video Việt Nam đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin COVID-19:

Nguồn: VTV 1

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)