Thông tin mới nhất về việc bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, ngày 5/1/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Theo đó, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác chi trả đợt I tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân 4 tỉnh miền Trung do sự cố môi trường biển và công tác giải quyết lượng hải sản tồn kho, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát UBND 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đẩy nhanh tiến độ chi trả đợt I tiền hỗ trợ, bồi thường cho người dân đảm bảo hoàn thành trước Tết âm lịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 25/1/2017.
|
Ngày 5/1/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ liên quan đến hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển. Ảnh: Báo Nhân Dân.
|
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu Bộ Công Thương, UBND 4 tỉnh khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Thông báo số 432/TB-VPCP ngày 25/12/2016 liên quan đến việc xử lý số lượng hàng hải sản tồn kho nhưng không đảm bảo vệ sinh thực phẩm để làm thực phẩm cho người, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 12/01/2017.
Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 432/TB-VPCP ngày 25/12/2016.
Trước đó, ngày 6/4/2016 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của Thị xã Kỳ Anh) hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt xuất hiện, sau đó tiếp tục xảy ra tại Quảng Bình ngày 10/4/2016, Thừa Thiên - Huế ngày 15/4/2016, Quảng Trị ngày 16/4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4/5/2016. Sau gần 3 tháng cơ quan chức năng Việt Nam điều tra xác minh, công ty Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã cúi đầu nhận lỗi xả thải ra biển, khiến cá chết hàng loạt. Formosa cam kết bồi thường thiệt hại 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) cho ngư dân bị ảnh hưởng và khắc phục sự cố môi trường này.
Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ước tính có 263.000 lao động bị ảnh hưởng từ vụ cá chết do công ty Formosa gây ra, trong đó có 100.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Trong Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã cơ bản bao quát được các đối tượng bị thiệt hại trực tiếp do sự cố môi trường biển. Theo đó, có 7 nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, gồm: 1- Khai thác hải sản; 2- Nuôi trồng thủy sản; 3- Sản xuất muối; 4- Hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; 5- Dịch vụ hậu cần nghề cá; 6- Dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; 7- Thu mua, tạm trữ thủy sản.