Khách mất 245 tỷ đồng tại Eximbank: Ngân hàng có phải bồi thường?

Google News

(Kiến Thức) - Khách hàng giao dịch với ngân hàng chứ không giao dịch với cá nhân cán bộ ngân hàng. Họ gửi tiền cho ngân hàng chứ không phải cho gửi cho một cá nhân nào đó. Do vậy, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản tiền gửi…

Vụ việc bà C.T.B - một nữ đại gia trong giới thủy sản gửi tiền tiết kiệm bị ông Lê Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP HCM làm giả giấy tờ, chữ ký để chiếm đoạt 245 tỷ đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhất là thời gian qua, xuất hiện nhiều trường hợp tiền gửi ở ngân hàng “không cánh mà bay” khiến chủ tài khoản hoang mang, lo lắng.
Dư luận quan tâm, việc ông Lê Nguyễn Hưng có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 245 tỷ đồng của khách hàng, trách nhiệm bồi thường số tiền trên thuộc về ai khi bản thân ông Hưng đang bỏ trốn.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty Luật Trương Anh Tú cho rằng, khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng Eximbank phải có trách nhiệm bồi thường và bà B. hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình.
 Ảnh minh họa. Nguồn: SGGP.
Luật sư Trương Anh Tú cho biết, trong mọi giao dịch với ngân hàng, bà B. tin tưởng và liên hệ trực tiếp với ông Lê Nguyễn Hưng - Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TPHCM. Thông báo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT - Bộ Công an xác định ông Hưng đã làm giả chứng từ ủy quyền để rút tiền từ năm 2014 ở nhiều thời điểm khác nhau và ở nhiều sổ tiết kiệm khác nhau của bà B, kéo dài đến năm 2016. Cuối năm 2016, sự việc vỡ lở, ông Hưng hiện đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Đầu tháng 02/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại ngân hàng trên.
Đại diện ngân hàng Eximbank đã phát biểu ưu tiên hàng đầu của ngân hàng là bảo vệ lợi ích chính đáng của khách hàng nhưng chưa thể giải quyết việc bồi hoàn tiền cho khách trước khi có phán quyết chính thức của Tòa án về trách nhiệm của các bên.
“Phát biểu này vế trước mâu thuẫn vế sau và có dấu hiệu ngân hàng muốn “phủi tay” để quy trách nhiệm cho cá nhân ông Hưng. Trong vụ án này, hành vi của ông Hưng không phải là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” khi có hành vi lén lút rút tiền của khách mà có dấu hiệu của tội “Trộm cắp tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” mà người bị hại ở đây là Ngân hàng”, Luật sư Tú nói.
Theo luật sư Tú, khi bà B. mở sổ tiết kiệm tại Ngân hàng là trở thành khách sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định rõ: “Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật”. Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định các ngân hàng và tổ chức tín dụng có “Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng”.
Bởi vậy, Ngân hàng phải có trách nhiệm đối với số tiền gửi của khách. Ông Hưng chỉ là đại diện của ngân hàng, nhân danh ngân hàng để thực hiện nhiệm vụ giao dịch với bà B. Bà B. tin tưởng ông Hưng nhưng bà B. là khách gửi tiền của ngân hàng.
“Mối quan hệ giữa bà B. và ngân hàng là giao dịch dân sự nhận tiền gửi. Khi tiền gửi của khách bị thất thoát, Ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và bà B. hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình.
Trách nhiệm hình sự của ông Hưng phải chịu với Nhà nước độc lập và nằm ngoài quan hệ giữa Ngân hàng và bà B.
Việc ngân hàng đổ lỗi cho cá nhân cán bộ sai phạm và thờ ơ trước quyền lợi của người gửi tiền là những hành động có thể tạo nên nguy cơ rủi ro lớn trong hoạt động của cả hệ thống ngân hàng bởi khi cán bộ làm sai, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của cán bộ đó chứ không thể đổ cho trách nhiệm của cá nhân cán bộ với khách hàng được. Điều đó là không đúng với nguyên lý của pháp luật, với đòi hỏi thực tế và không đúng với lòng tin mà khách hàng gửi gắm vào ngân hàng”, Luật sư Trương Anh Tú nêu ý kiến.
Luật sư Trương Anh Tú cũng cho rằng, dư luận và báo chí gần đây thường giật tít “ông Hưng lừa đảo, chiếm đoạt tiền của bà B. rồi bỏ trốn”, điều này gây bất lợi cho khách hàng vì dường như những tít tương tự như vậy đã làm loại trừ phần nào trách nhiệm của ngân hàng trong vụ việc nói trên.
“Khách hàng giao dịch với ngân hàng chứ không giao dịch với cá nhân cán bộ ngân hàng. Họ gửi tiền cho ngân hàng chứ không phải cho gửi cho một cá nhân nào đó. Do vậy, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản tiền gửi cho khách hàng của mình”, Luật sư Tú cho biết.
Luật sư Tú cũng cho hay, trên thực tế, các ngân hàng thế giới dù trang bị hệ thống bảo mật hiện đại, hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhiều năm qua, nhưng vẫn không tránh khỏi những sơ hở.
Khi sự cố xảy ra, kinh nghiệm các ngân hàng trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng và cá nhân khác, bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của Ngân hàng là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát. Tuy nhiên, cách giải quyết phổ biến của các ngân hàng Việt Nam là trốn tránh trách nhiệm và né đền bù.
“Những vụ việc khách hàng mất tiền ở nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng trong thời gian gần đây đều cho thấy quy trình làm việc của các ngân hàng còn nhiều sơ hở, chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tiền gửi của khách hàng. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro cho khách hàng, thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
Một ngân hàng khôn ngoan sẽ có cách ứng xử khác bằng cách xem xét đền bù cho khách hàng, đồng thời kèm theo lời hứa sẽ kịp thời xử lý lỗ hổng bảo mật, chấn chỉnh hệ thống kiểm soát nội bộ... làm mọi cách để giữ vững uy tín, tạo lòng tin và giữ chân được khách hàng. Nếu cứ khăng khăng là mình đúng, đẩy trách nhiệm cho cá nhân cán bộ sai phạm và đẩy phần thiệt cho khách hàng, thì nguy cơ người dân quay lưng với ngân hàng là rất cao”, Luật sư Tú nói.
Luật sư Trương Anh Tú cũng đưa ra khuyến cáo tới những người dân có tiền gửi tại các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần nâng cao ý thức về an ninh bảo mật và tôn trọng, tuân thủ đầy đủ đúng quy trình giao dịch với ngân hàng để tránh mất tiền.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)