Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa vận động, thuyết phục đối tượng Ngô Văn Quốc (SN 1984, trú tại tỉnh Thừa Thiên-Huế) – kẻ dùng súng cướp tiệm vàng ở chợ Đông Ba, thành phố Huế vào lúc 12h35 chiều 31/7 ra đầu thú.
Thời điểm trên, tại tiệm vàng Hoàng Đức và Thái Lợi (chợ Đông Ba, phường Đông Ba, thành phố Huế), khi bảo vệ chợ nghỉ trưa thì Quốc sử dụng súng AK bắn 1 phát chỉ thiên, sau đó bắn 5 phát vào tủ kính tiệm vàng khiến tủ kính đựng vàng vỡ nát, kính bay vào 1 người đứng gần đó dẫn đến bị thương. Sau đó, Quốc lấy 2 khay đựng vàng ném vung vãi ở trước của tiệm cho người dân nhặt; cầm súng đi bộ chậm rãi về hướng cầu Gia Hội.
|
Nghi phạm cướp tiệm vàng (thứ 2 bên trái qua) khi bị bắt.
|
Sau khi bao vây, phong tỏa hiện trường và nơi đối tượng cố thủ, Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an Thừa Thiên – Huế, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra trực tiếp vận động, thuyết phục, ổn định tâm lý, đối tượng đã hợp tác, giao nộp súng. Cảnh sát thu giữ 1 súng AK cùng 10 viên đạn.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về hành vi sử dụng súng AK, cướp tiệm vàng của Ngô Văn Quốc, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của đối tượng là hung hãn, táo tợn, cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ hành vi của đối tượng gây án, làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin vụ án cho thấy, tên cướp này sử dụng súng AK và mặc bộ đồ cảnh sát, có cầu vai quân hàm đầy đủ, hành vi cũng rất bất thường là sau khi cướp được vàng thì ném vàng ra ngoài đường khiến người dân lao vào nhặt, tạo ra cạnh nhốn nháo...
“Thông thường, những tên cướp, thực hiện hành vi cướp tài sản giữa ban ngày thường che giấu thông tin, bịt mắt để không bị nhận diện. Tuy nhiên, đối tượng này lại công khai thực hiện hành vi cướp tài sản giữa ban ngày, không hề che giấu thân phận của mình. Sau khi cướp được vàng, đối tượng đã vứt vàng ra đường, nếu vứt vàng ra đường trên đường trốn chạy nhằm phân tán lực lượng truy đuổi thì là thủ đoạn tinh vi nhưng nếu cướp được vàng rồi mà không có mục đích chiếm đoạt tài sản, đã vứt toàn bộ tài sản cướp được ra đường cho người dân thì hành vi rất "bất thường", luật sư Cường chỉ ra điểm bất thường trong hành vi của nghi phạm và cho rằng, nếu sử dụng súng AK để cướp tài sản mà không lấy tài sản là chuyện chưa từng xảy ra.
Do đó, nếu đối tượng có dấu hiệu tâm thần, cơ quan điều tra có thể trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc phải làm rõ mức độ nhận thức, điều khiển hành vi của đối tượng này khi thực hiện hành vi cướp tài sản.
Luật sư Cường cũng cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi cướp tài sản. Đối tượng sử dụng súng AK tấn công nhân viên hiệu vàng khiến 1 người bị thương và chiếm đoạt vàng ở hiệu vàng này nên hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 bộ luật hình sự.
|
Tiệm vàng Hoàng Đức nơi kẻ cướp nổ súng trưa 31/7. (Ảnh: CAND) |
Với hành vi xâm hại đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, có thể xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân và xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây hoang mang, lo lắng cho người dân ở khu vực này, đối tượng sẽ bị áp dụng nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên khung hình phạt thấp nhất là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Trường hợp tài sản chiếm đoạt từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Nếu tài sản chiếm đoạt chị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, khung hình phạt sẽ là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Đây là khung hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản theo quy định pháp luật hiện nay.
Trường hợp có căn cứ xác định đối tượng này là cảnh sát nhân dân đang công tác, đối tượng cũng sẽ bị áp dụng biện pháp kỷ luật cao nhất là tước danh hiệu công an nhân dân và khai trừ ra khỏi đảng trước khi khởi tố bị can. Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trong quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ thời gian gần đây, đối tượng này có biểu hiện bất mãn, bất thường gì không để xác định nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Nếu có biểu hiện tâm thần, sẽ trưng cầu giám định tâm thần để làm rõ khả năng nhận thức, điều khiển hành vi tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội. Nếu kết quả giám định tâm thần cho thấy đối tượng này mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, có thể sẽ không bị khởi tố bị can.
Tuy nhiên, kết quả điều tra xác minh cho thấy, đối tượng hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng về tư tưởng chính trị lệch lạc, sự thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, coi thường pháp luật và thực hiện hành vi phạm tội thì vẫn bị xử lý, thậm chí bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ khẩu súng nghi súng AK mà đối tượng sử dụng trong vụ án này có phải là vũ khí quân dụng hay không. Sẽ tiến hành giám định đối với khẩu súng này để xác định loại vũ khí, khả năng sát thương của hung khí gây án. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đây là súng quân dụng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm đối tượng này về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại Điều 230 bộ luật hình sự và hình phạt có thể tới 15 năm tù bởi hành vi được xác định là gây hậu quả nghiêm trọng.
Trường hợp bị kết án về nhiều tội danh, tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Trường hợp bị cáo bị kết án về nhiều tội danh và đều có mức án là tù có thời hạn thì tổng hình phạt không quá 30 năm.
Người dân lao ra đường nhặt vàng có bị xử lý?
Luật sư Cường cho rằng, việc nhiều người dân lao ra đường nhặt vàng do đối tượng vứt ra làm tình tiết cũng cần làm rõ. Trường hợp người dân nào nhặt được vàng, khi cơ quan điều tra và người bị hại yêu cầu trả lại nhưng cố tình không trả lại, có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định của bộ luật hình sự.
Hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, những người đang chứa chấp, tiêu thụ tài sản là vàng do đối tượng này cướp được mà không giao nộp, trả lại cho người bị hại thì có thể bị truy cứu về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Trường hợp người dân nhặt được vàng ngoài đường, khi người bị hại yêu cầu trả lại vẫn không trả lại, nhanh chóng lấy vàng rồi tẩu thoát, hành vi cũng có dấu hiệu của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản hoặc cướp giật tài sản... Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ, hành vi sai phạm của ai đến đâu thì sẽ xử lý đến đó theo quy định của pháp luật.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hậu Giang: Bắt 2 đối tượng cướp tiệm vàng