Ngày 9/4, theo thông tin từ Công an TP Hà Nội, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ và Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, công an thành phố đã triển khai lực lượng rà soát địa bàn, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết như các quán bar, karaoke, vũ trường, massage … yêu cầu tạm dừng hoạt động.
Mới đây, lực lượng chức năng công an thành phố Hà Nội đã phát hiện một cơ sở karaoke lén rút hoạt động và còn bán ma túy cho khách.
Cụ thể, vào khoảng 23h30 phút ngày 7/4, các đội nghiệp vụ Công an huyện Ứng Hòa phối hợp với Công an xã Hòa Nam tiến hành kiểm tra hành chính quán Karaoke Rubi ở thôn Nam Dương, xã Hòa Nam.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng công an phát hiện có 4 phòng hát trong quán đang hoạt động, trong quán có 24 khách (11 nam, 13 nữ) có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy.
Lực lượng chức năng đã thu giữ 2,581 gam Ketamin và một số tang vật khác có liên quan và đưa các đối tượng về trụ sở làm việc.
|
Bất chấp lệnh cấm, quán karaoke vẫn mở cửa và còn bán ma túy cho khách dùng |
Bước đầu Công an huyện đã làm rõ quản lý quán hát là Nguyễn Xuân Kiệm (SN 1990; trú tại Đại Nghĩa, Mỹ Đức) đã có hành vi bán trái phép chất ma túy cho khách đến sử dụng và 6 đối tượng khác có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.
Hiện Công an huyện Ứng Hòa đang tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm của chủ quán karaoke và Cơ quan chức năng địa phương có chịu trách nhiệm khi để xảy tình trạng quán karaoke mở cửa giữa đại dịch COVID-19?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: "Rất là đáng trách, thậm chí đáng lên án khi cả nước đang tích cực thực hiện lệnh cách ly xã hội thì một số đối tượng vẫn tiếp tục tụ tập trái phép, thậm chí còn sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần phải làm rõ để xử lý theo quy định.
Theo quy định của bộ luật hình sự từ năm 2009 thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy đã được phim hình sự hóa, không còn được coi là tội phạm. Hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên với hành vi mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì đây là những hành vi vi phạm pháp luật hình sự."
Luật sư Cường cho biết thêm, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số mà túy mà các đối tượng sử dụng mua ở đâu, đối tượng nào đã thực hiện hành vi mua bán. Làm rõ xem trong người các đối tượng và trong phòng hát đó có ma túy hay không đồng thời làm rõ đối tượng nào đã tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Đối tượng nào có hành vi mua bán, hành vi tàng trữ hoặc hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn đối với các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là người chuẩn bị ma túy, chuẩn bị địa điểm phải chuẩn bị công cụ phương tiện sử dụng ma túy hoặc các điều kiện vật chất khác để việc sử dụng trái phép chất ma túy có thể diễn ra.
Đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, bởi vậy đối tượng nào có một trong các hành vi nêu trên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối tượng nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị đối mặt với mức hình phạt từ 07 năm đến 15 năm tù theo khoản 2, Điều 255 Bộ luật hình sự.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ vai trò của chủ cơ sở kinh doanh này và người quản lý kinh doanh, những người này có biết về việc nhóm đối tượng này tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không. Nếu có biết hoặc có giúp sức cho các đối tượng này thực hiện hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này với vai trò đồng phạm.
Còn trường hợp chủ cơ sở, người quản lý không biết các đối tượng này tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thì vẫn bị xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh trái phép, vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, mức xử phạt được quy định theo khoản 4, điều 11, nghị định 176/2013/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế với mức phạt là phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng.
|
Luật sư Đặng Văn Cường |
Trong trường hợp hành vi tập trung đông người trái phép, tổ chức hoạt động kinh doanh trái phép dẫn đến phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh từ 100.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người theo điều 295 Bộ luật hình sự và văn bản hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Bởi vậy, trong trường hợp nhóm người tập trung đông người này có người tiếp xúc gần với người mắc bệnh dịch hoặc có người mắc bệnh dịch khiến cơ quan chức năng phải tổ chức cách ly, xử lý y tế chi phí đến 100.000.000 đồng thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cơ sở này theo điều 295 Bộ luật hình sự.
Hiện nay, không chỉ Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dịch quốc gia mà cả Bộ Công an, Viện kiểm sát Tối cao và Tòa án nhân dân Tối cao đều có những văn bản chỉ đạo, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về phòng chống dịch bệnh trong đó có hành vi không chấp hành các quy định của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện biện pháp cách ly phòng dịch .
Bởi vậy, thời gian tới đây chắc chắn sẽ khởi tố một vài vụ án điển hình liên quan đến những hành vi vi phạm về việc phòng chống bệnh dịch truyền nhiễm COVID-19. Có áp dụng những chế tài nghiêm minh đồng thời kết hợp tuyên truyền phổ biến để toàn thể nhân dân chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh thì chúng ta mới có thể kiểm soát, khống chế và đầy lùi loại bệnh dịch này, đảm bảo an toàn cho người dân và sớm phục hồi nền kinh tế.
>>> Xem thêm video: Nghệ An phá sới bạc khủng trong quán karaoke