Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, báo chí đề cập đến việc bão số 5 làm khoảng 600 cột điện ở miền Trung bị gãy đổ và đặt câu hỏi với Bộ Công Thương - cơ quan chủ quản có chỉ đạo gì với các đơn vị thành viên làm rõ chất lượng cột điện và có kế hoạch cử đoàn thanh tra về vấn đề này hay không? Đồng thời đặt câu hỏi với Bộ Xây dựng, về góc độ chuyên môn thì chất lượng của cột điện đang như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, bão số 5 đổ bộ vào khu vực miền Trung đã gây ra thiệt hại đáng kể đối với nhân dân và cả các cơ sở hạ tầng trong khu vực. Trong đó, lưới cung cấp điện cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại, gây mất điện trên diện rộng, đặc biệt là tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam. Quảng Trị.
|
Bão số 5 làm khoảng 600 cột điện ở miền Trung bị gãy đổ |
Theo số lượng mà EVN báo cáo cho thấy có tới hơn 300 cột điện trung thế và hạ thế thuộc quản lý vận hành của Tổng công ty Điện lực miền Trung bị đổ gãy do ảnh hưởng của bão.
Ngay trong bão và sau khi bão kết thúc, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo và nhờ sự nỗ lực của EVN, trực tiếp là cán bộ, công nhân của Tổng công ty Điện lực miền Trung, đã huy động lực lượng, phương tiện, kỹ thuật, vật tư để khắc phục sự cố. Chỉ trong vòng 3 ngày, Tổng công ty Điện lực miền Trung đã khắc phục, cấp điện trở lại cho 100% khách hàng, đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng ở trong vùng bị tác động của cơn bão số 5.
Liên quan đến chất lượng của cột điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cột điện là một phần của công trình lưới điện, được các đơn vị điện lực xây dựng thực hiện trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật Xây dựng cũng như Nghị định số 46 ban hành ngày 12/5/2015 của Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, giám sát và nhà thi công, kể cả cung cấp vật liệu sản phẩm, kết cấu, thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng.
Về quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng là đơn vị phụ trách và cũng đã rất kịp thời ban hành công văn số 4777 ngày 2/10/2020 tăng cường công tác quản lý chất lượng cột điện bê công cốt thép li tâm sử dụng trên các công trình đường dây chuyển tải điện trên không, yêu cầu tất cả các công trình có các cột điện bê tông cốt thép li tâm phải lưu ý và có biện pháp kiểm tra để khắc phục tốt nhất những nguy cơ, ví dụ như do cơn bão số 5 gây ra.
Về phía Bộ Công Thương, ở lĩnh vực điện, cùng với sở hữu của EVN và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ đã yêu cầu ngành điện và EVN trực tiếp rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp tổng thể trong công tác thiết kế, quản lý xây dựng công trình, mua sắm hàng hóa và quản lý vận hành các công trình này.
Thứ hai cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện và tăng cường kiểm tra, quản lý công tác vận hành, kịp thời phát hiện, xử lý các điểm xung yếu trên lưới điện để bảo đảm an toàn lưới điện.
Cần phải khẩn trương lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược của ngành điện.
“Hiện nay chúng tôi yêu cầu tất cả các đơn vị liên quan không những của EVN mà cả các doanh nghiệp sản xuất và vận hành trong ngành điện phải lưu ý thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước” - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin.
Trước đó, thông tin từ Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, bão số 5 gây thiệt hại về lưới điện tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi với 616 cột điện gãy, đổ và nghiêng. Trong đó, có 304 cột bị gãy (chiếm tỉ lệ 0,06% trong tổng số 531.135 cột điện), 169 cột bị đổ, 143 cột bị nghiêng. Trong 304 cột bị gãy có 34 cột dự ứng lực (11,2%) và 270 cột bê tông thường (88,8%). Riêng Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại nặng nhất với có 272 cột điện bị gãy, trong đó có 30 cột dự ứng lực (11,02%).
EVNCPC cho rằng nguyên nhân chính khiến hệ thống điện hư hỏng nặng là do cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường (vừa gió bão, vừa cây đổ vào đường dây), quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn... dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột. Ở một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy, đổ cột...
>>> Mời độc giả xem video Điện lực Thừa Thiên - Huế lên tiếng việc 200 cột điện gãy, ngã
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.