Hai hình ảnh trái ngược trong vụ lật xe tải chở vịt tại đường tránh quốc lộ 1 (đoạn qua thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong mấy ngày vừa qua.
Nếu hình ảnh người dân hết mình để thu gom số vịt giúp tài xế khiến dư luận xúc động thì hình ảnh một đám đông đổ xô đến “hôi vịt” khiến dư luận phẫn nộ bức xúc.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn nhưng đã xảy ra với tài xế Tạ Hồng Dũng (SN 1987, trú xã Hà Tiến, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) khi anh điều khiển xe tải chở vịt tránh một cháu bé băng qua đường khiến chiếc xe bị lật.
Tai họa xảy đến với tài xế lái xe không chỉ bởi vụ tai nạn khiến xe bị hư hỏng, bản thân tài xế bị thương ở chân mà chính ở số vịt anh đang trở trên xe khoảng 1800 con chạy tán loạn trên quốc lộ.
|
Hôi của là thói hư tật xấu của một bộ phận người dân. |
Trong thời điểm tai nạn xảy ra, người gặp nạn thường mong sự giúp đỡ của những người xung quanh. Nhưng một sự thật phũ phàng đã xảy ra khi một số người dân chứng kiến vụ tai nạn đã chạy đến thay vì giúp đỡ người gặp nạn, họ cùng nhau “hôi của”, bắt vịt trước sự van xin của tài xế “xin đừng bắt vịt của tôi nữa”.
Những hình ảnh, clip ghi lại cảnh một số người dân đổ xô “hôi của” và vui mừng mang những “chiến lợi phẩm” về nhà là những hình ảnh khiến những người có lương tâm không khỏi đau đớn và xấu hổ về những hành động của những người vô cảm.
Bởi hành vi “hôi của” nếu gọi đúng tên đó là hành vi cướp tài sản mà vụ cướp ấy lại diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, nhiều người cùng tham gia. Những người ăn cướp những con vịt ấy khi tài xế trong hoàn cảnh đáng thương rõ ràng là những người không có tình người, không có lương tri và lòng trắc ẩn, thể hiện sự vô cảm giữa con người với con người trong xã hội.
Một xã hội văn minh không thể chấp nhận được những kẻ thấy người gặp nạn mà không giúp đỡ mà lợi dụng sự đen đủi, tai ương của người khác để “hôi của”. Đó thật sự là những hành vi tán tận lương tâm.
Không thể hiểu vì sao, số đông người có thể cùng lúc thực hiện một hành vi hèn hạ khi cướp tài sản của người gặp nạn đang rất cần sự giúp đỡ mà lại coi đó là chuyện bình thường, thậm chí còn vui mừng vì hành động vô nhân tính như vậy?
Mỗi con vịt cướp được với một người không lớn nhưng với tài xế xe tải, đó là tài sản lớn. Bởi số vịt ấy là miếng cơm, manh áo của cả một gia đình, là tiền con cái học hành, tiền người già chữa bệnh…Hơn nữa, những con vịt rơi xuống đường sau vụ tai nạn không phải là những con vịt vô chủ để ai cũng có thể lấy được mà đó là tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.
Quên cả liêm sỉ của bản thân, không đặt mình vào người khó khăn, thậm chí bất chấp vi phạm pháp luật để “hôi của”. Tại sao lại có những người Việt vô cảm đến vậy trong một xã hội văn minh?
Nếu là một người có nhân cách, trước khó khăn của người khác họ sẽ không bao giờ có hành động hôi của bởi họ sợ những việc làm không đúng đắn, lệch chuẩn đạo đức, giá trị xã hội khiến họ phải dằn vặt dày vò bản thân khi làm những chuyện mà lương tâm không cho phép.
Nếu là một người có đạo đức, họ sẽ thấu hiểu người tài xế đáng thương mà cùng nhau giúp đỡ thu gom lại số vịt giúp tài xế. Nếu là người có lương tâm, họ sẽ cùng nhau quyên góp giúp đỡ tài xế vượt qua những khó khăn, khắc phục vụ tai nạn nếu số vịt bị mất đi quá lớn.
Nhưng với những người vô cảm, vô nhân đạo, vô lương tâm thì việc hôi của lại được xem như một chiến tích, một niềm vui sở hữu tài sản của người khác mà không phải mất tiền mua bởi họ đã vô cảm trước nỗi đau của người khác.
Không có một từ ngữ nào có thể dùng để cảm thông cho hành động “hôi của” như vậy. Bởi một người có thể cho là nhận thức kém, thiếu kiến thức pháp luật, hoàn cảnh sống khó khăn thì có thể không truy cứu hành vi nhưng nhiều người cùng thực hiện một hành vi cướp tài sản của người gặp nạn như vậy thì không chỉ lên án, thậm chí phải truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi cướp tài sản.
Bởi người ta không thiếu thốn đến mức phải đi ăn cướp, “hôi của” để có miếng ăn cho gia đình mà đó là hành động của những người thiếu nhân cách vẫn còn tồn tại trong xã hội.
Truyền thống quý báu của người Việt được lưu giữ phát huy qua nhiều thế hệ là “đói cho sạch, rách cho thơm”, tương thân tương ái, “thương người như thể thương thân”, "lá lành đùm lá rách".Thế nhưng với nhiều người, lòng tham, sự ích kỷ đã khiến họ hành động mà quên đi những đạo lý làm người.
Đáng tiếc, đây không phải là vụ hôi của đầu tiên xảy ra mà trước đó đã nhiều vụ hôi của diễn ra sau mỗi vụ tai nạn. Dư luận mạnh mẽ lên án nhưng nhận thức của nhiều người dân chưa cao. Họ chưa thể bỏ được thói hư tật xấu muốn hưởng thụ những thứ không phải mất tiền, muốn lấy của không cho, không phải của mình. Lòng tham đã át đi nhân tính biến những người vốn chân chất thành những kẻ mất đi nhân tính.
Bên cạnh đó, những người có hành vi hôi của cũng bị nhiễm bởi tâm lý đám đông khi một người lấy được thì mình cũng lấy được. Nếu không có người khởi xướng chuyện hôi của, chưa chắc đám đông đã hôi của. Tuy nhiên, khi một vài người hôi của sẽ nhanh chóng lây nhiễm sang những người khác để họ thực hiện theo. Rõ ràng, sự lây nhiễm này có nền tảng từ tính dễ bị kích hoạt và dễ bị gợi ý khi tham gia vào đám đông.
Một lý do khác khiến người ta dễ dàng có hành vi hôi của thì bị lây nhiễm bởi thói hư tật xấu của không ít người Việt từ dân thường đến quan chức. Thực tế, xã hội có không ít trường hợp làm quan lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản bị bắt, khởi tố xét xử với số tiền lên đến hàng tỷ và cũng có không ít trường hợp hám lợi cho bản thân mà bất chấp mọi hành vi thủ đoạn vô nhân tính.
May thay, vẫn còn một hình ảnh đẹp diễn ra trong vụ tai nạn giao thông trên được đăng tải song song với hình ảnh “hôi của” phản cảm. Đó là hình ảnh những chiến sĩ công an, những người dân có nhân cách đã tìm cách ngăn chặn việc hôi của, giành giật những con vịt giúp tài xế xe tải, bảo vệ tài sản giúp đỡ người gặp nạn. Đó là những hình ảnh đẹp cho thấy cuộc sống này, ngoại trừ những kẻ tham lam, xấu xí vẫn còn đa số những người có lương tâm, sẵn sàng giúp đỡ những người khác khi họ gặp nạn.
Hình ảnh những người dân hết mình để giúp đỡ tài xế gặp nạn đáng được tuyên dương, nhân rộng, trong khi đó với những kẻ hôi của cần xác minh, làm rõ, thậm chí truy trách nhiệm hình sự thay vì chỉ lên án chung chung.
Chỉ có những chế tài đủ mạnh mới đủ sức răn đe, giúp những người mất đi nhân cách nhận ra những hành vi sai trái, đồng thời cũng để ngăn chặn những hành vi hôi của không còn tái diễn trong thời gian tới.