Hồi ức của xạ thủ biệt động Nam Kỳ ám sát trùm mật thám Pháp

Google News

Về sau, người ta mới biết, một tên sỹ quan cảnh sát mật vụ mất mạng dưới họng súng của xạ thủ tinh nhuệ đội Quyết tử quân.

Tin tức lan truyền một cách chóng mặt khiến bè lũ mật thám vô cùng hoảng sợ. Về sau, người ta mới biết, tên mật thám này mất mạng dưới họng súng của xạ thủ tinh nhuệ đội Quyết tử quân.
Các chiến sỹ chụp ảnh cùng Bác Hồ.
Đội xạ thủ tinh nhuệ
Người xạ thủ mà chúng tôi nói tới là Đại tá Trần Tấn Quang (SN 1928, ngụ tại phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM). Cả cuộc đời, ông dành cho cách mạng, cho Tổ quốc. Nay ông Quang đã bước sang tuổi 86 nhưng vẫn khỏe mạnh với giọng nói hào sảng. Gặp ông tại tư gia, chúng tôi được nghe vị đại tá này kể về những chiến công oanh liệt một thời.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ ông Quang đã được cha vun đắp ý chí của một chiến sỹ cách mạng. Khi chơi với bạn bè, ông đã biết đứng về phía những đứa trẻ bị bắt nạt. “Ngày đó, đi học, chứng kiến con cái của mấy tên hương hào, cai tổng chuyên bắt nạt, đánh đập con em của dân nghèo, tôi tức lắm. Khi những bạn nhà nghèo bị chúng đánh, tôi đã tiến đến đánh trả đám con nhà giàu. Có một thời, nhìn thấy tôi là những đứa ấy sợ, không dám bắt nạt bạn khác nữa”, ông Quang kể.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, quân Pháp trở lại tiếp tục đàn áp lực lượng cách mạng. Trước sự uy hiếp của kẻ địch, Đại đội 2072 đã thành lập ngay tổ Biệt động gồm 20 người để thực hiện nhiệm vụ ám sát những tên mật thám, tay sai Pháp. Cũng trong năm 1945, trong khí thế sôi sục lên cao của phong trào cách mạng chống Pháp, ông xung phong vào đội vũ trang Việt Minh. Đến năm 1949, sau Hội nghị xứ ủy Nam Kỳ, Bộ Tư lệnh đã chỉ thị thành lập đội biệt động nên đã về các tỉnh gấp rút chọn những chiến sỹ giỏi để rèn luyện thành xạ thủ tinh nhuệ nhất. Đội xạ thủ này chuyên thực hiện ám sát những tên mật thám.
Giây phút sinh tử
Ông Trần Tấn Quang lúc đó được Bộ Tư lệnh Nam Kỳ rút từ đơn vị vũ trang của Long An về Tiểu đoàn Quyết tử quân 950 thuộc Đặc khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn (tức TP.HCM ngày nay) và vào đội xạ thủ. Sau khi được rèn luyện thành xạ thủ tinh nhuệ nhất, ông được tổ chức phân công nhiệm vụ ám sát bọn mật thám và lấy mật danh là Bảy Nho.
 Đại tá Trần Tấn Quang giữa đời thường.
Bồi hồi trong giây phút nhớ về một thời khói lửa anh hùng, ông Quang nói: “Lúc đó, tôi và các đồng đội của mình hừng hực khí thế chiến đấu. Khi được tổ chức giao nhiệm vụ là vui mừng, hăng hái tham gia. Đã nhận nhiệm vụ, chúng tôi chỉ biết làm mọi cách để hoàn thành xuất sắc, không phụ sự tin tưởng của cấp trên. Chưa bao giờ nhận nhiệm vụ mà chúng tôi đắn đo sống chết. Hồi đó, tôi ở đội Quyết tử quân 950 của Đặc khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Đình Thi. Mọi hành động của chúng tôi đều bí mật tuyệt đối. Mỗi người chỉ làm việc với chỉ huy trưởng và không hề biết mặt những đồng chí biệt động khác, bởi sợ khi bị lộ, ai đó khai ra người khác. Chính vì thế, có khi giáp mặt người cùng đội nhưng chúng tôi không biết. Hoặc một nhiệm vụ được giao cho nhiều người cùng thực hiện, nhưng tôi không biết những người đó là ai”.
Ông Quang kể lại, ngày đó có tên trùm mật thám khét tiếng tên Bazin. Hắn là một sỹ quan mật vụ giỏi, được đào tạo rất bài bản đúng nghĩa mật thám. Bazin được đưa từ Pháp qua Đông Dương. Hầu hết những vụ bắt bớ các chiến sỹ cách mạng đều do hắn thực hiện. Những ai lọt vào tay hắn bị tra tấn đến mức sống cũng như chết. Hắn còn là tay đào tạo và tung ra một mạng lưới mật thám trên khắp cả nước để phá hủy cơ sở kháng chiến của ta. Trước sự mưu mô, nguy hiểm và độc ác của Bazin, Đặc khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn quyết định phải khai trừ cho bằng được tên này.
Khi được tổ chức giao nhiệm vụ ám sát cho bằng được trùm mật thám Bazin, ông Bảy Nho phải theo dõi mọi đường đi, hành động, tìm ra những kẽ hở, sai sót của hắn rồi chọn thời cơ tiêu diệt. “Bazin là một mật thám vô cùng ác ôn và luôn cảnh giác cao độ. Ngày đó, cạnh hắn có rất nhiều lính bảo vệ. Hắn làm việc không ngày nào giống ngày nào, không mặc quần áo trùng nhau. Tuy nhiên, tôi cứ theo dõi miết thì thấy hắn bộc lộ sơ hở. Buổi sáng, hắn thường đi bộ một đoạn rồi lên một chiếc xe Mercedes màu đen. Sau đó, đi một lúc, hắn lại xuống xe đi bộ. Và khoảng thời gian xuống xe chính là thời điểm thích hợp nhất để tôi tiêu diệt hắn. Ngày đó, sáng nào tôi cũng phải mua ổ bánh mỳ ăn hơn một tiếng đồng hồ mới thấy hắn xuất hiện. Theo dõi hắn riết hơn 3 tháng trời, tôi mới thấy thời cơ. Trước đó, khi nghe tôi báo cáo, tổ chức đã hỏi rằng: “Đồng chí có thực hiện được không?”. Vì đã nắm được nhược điểm của y, nên tôi đã trả lời ngay: “Tôi nghĩ rằng sẽ thành công trên 90%””, ông Bảy Nho kể.
Khoảng 8h45 ngày 30/4/1950, ông Bảy Nho thực hiện nhiệm vụ quan trọng của cuộc đời mình. Khi ông đang đứng cách Bazin khoảng 5m – 7m trên góc đường Catinat (Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM), cự li đủ gần để giết hắn thì bất chợt một phát súng vang lên. Phát súng này đã bắn trúng đùi tên mật thám khiến hắn xoay vòng chực ngã. Không để hắn thoát, Bảy Nho bắn tiếp một phát súng vào ngực, xuyên qua tim, khiến Bazin gục xuống. Hai tên lính bảo vệ Bazin lúc đó cũng bị bắn chết ngay tại chỗ. Để chắc chắn hơn, Bảy Nho bắn tiếp hai phát súng nữa rồi luồn chạy theo đám đông hướng ra cầu Bông (cầu An Hạ, Củ Chi, TP.HCM ngày nay) leo lên xe trở về căn cứ Tân Phú Trung.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, chỉ huy cho ông Bảy Nho biết có 3 chiến sỹ cùng thực hiện nhiệm vụ này. Đó là ông Ba Dân với nhiệm vụ tiêu diệt hai tên lính, còn Bùi Ba (sống tại Gò Vấp, TP.HCM) và Bảy Nho thực hiện nhiệm vụ ám sát Bazin. Phát súng đầu tiên bắn trúng đùi của Bazin là của ông Bùi Ba. Hai tên lính cũng bị bắn chết ngay lúc đó chính là từ họng súng của ông Ba Dân. Vụ ám sát này đã gây tiếng vang lớn, khiến những tên mật thám của địch hoảng sợ. Nhiều tên cảm thấy run chân mỗi khi bước ra đường.
Xạ thủ có tài bắn súng bằng hai tay
Đại tá Trần Tấn Quang được xem là một trong những xạ thủ tinh nhuệ nhất của đội Quyết tử quân với tài bắn súng bằng hai tay chính xác. Ông còn được bác sỹ Phạm Ngọc Thạch (bác sỹ, cận vệ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) chọn làm cận vệ của mình khi ông đến nhận chức Chủ tịch Đặc khu Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn. Trong một lần, để uy hiếp kẻ địch, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch đã tung lên không trung hai lon bia và ra lệnh cho Bảy Nho lúc đó đang đứng cách xa hơn 20m, bắn. Hai tay hai khẩu súng, Bảy Nho bắn hai phát đạn một lúc khiến hai lon bia nát vụn. Kẻ thù nhìn thấy mà khiếp sợ.
Theo Đời Sống Pháp Luật

Bình luận(0)