Học sinh kém không thi vào lớp 10: Định hướng… hay bệnh thành tích?

Google News

Nếu có việc ngăn cản, yêu cầu phụ huynh ký cam kết "tự nguyện" không cho con thi lớp 10 do lực học kém là hoàn toàn sai về mặt triết lý giáo dục.

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về việc xuất hiện thông tin một số trường học ở Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực không tốt chuyển trường hoặc phải cam kết không thi vào lớp 10, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, trước thông tin trên, các cơ quan chức năng ngành giáo dục phải rà soát, xác minh, công khai và xử lý nghiêm.
“Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các phòng rà soát, kiểm tra, xác minh xem chuyện đó có hay không, xử lý nghiêm nếu có tình trạng bắt học sinh cam kết không thi vào lớp 10. Việc Sở chỉ đạo kịp thời là rất cần thiết”, bà An nói.
Hoc sinh kem khong thi vao lop 10: Dinh huong… hay benh thanh tich?
Ảnh minh họa
Nêu ý kiến về thông tin trên, PGS.TS Lâm Bá Nam - Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, nếu thông tin này là sự thật thì một lần nữa cho thấy đây là căn bệnh cố hữu liên quan bệnh thành tích của các nhà trường.
“Rõ ràng, nếu có chuyện ngăn cản, yêu cầu phụ huynh ký cam kết "tự nguyện" không cho con thi vào lớp 10 công lập do lực học kém là hoàn toàn sai về mặt triết lý giáo dục, không thể nào chấp nhận được”, ông Nam nói.
Theo PGS.TS Lâm Bá Nam, điều này bộc lộ một số vấn đề. Thứ nhất là bệnh thành tích, sợ ảnh hưởng đến thương hiệu của nhà trường, điều này rất tệ hại về mặt giáo dục.
“Giáo dục không chỉ là vấn đề kinh doanh, giáo dục tạo cơ hội cho các cháu được đến trường, được tiếp cận nền giáo dục phổ thông, thậm chí cả bậc học cao hơn nữa. Do đó, nếu có việc ngăn cản các cháu thi vào lớp 10 là điều không thể chấp nhận được, nếu không muốn nói đó là một sự lệch chuẩn về mặt tư duy giáo dục ở Việt Nam. Giáo dục phải đặt lên hàng đầu về mặt cung cấp tri thức, cung cấp các công dân tốt cho tương lai, đó mới là triết lý giáo dục. Nếu ngăn chặn các cháu có nhu cầu thi vào THPT, hoàn toàn không thể hình dung được và ngày càng bộc lộ những yếu kém của ngành giáo dục liên quan đến câu chuyện về mặt quản lý giáo dục”, PGS.TS Lâm Bá Nam nêu ý kiến.
PGS.TS Lâm Bá Nam cho rằng, việc này sẽ để lại những hệ lụy không thể hình dung được. Thứ nhất là làm mất đi các cơ hội cho các học sinh khi đang ở tuổi đi học, mất cơ hội trong tiếp cận những sự phát triển trong tương lai của các cháu. Thứ hai là, hạn chế và không tạo ra được những công dân tốt trong tương lai khi cần phải trang bị những kiến thức căn bản của nền giáo dục phổ thông để bước vào các ngành nghề đào tạo khác.
“Bộ Giáo dục và đào tạo cần phải vào cuộc nhanh và tích cực hơn nữa, chỉ đạo xác minh làm rõ và yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên. Tuy nhiên việc này cũng chỉ giải quyết những vấn đề tức thời, quan trọng là chất lượng về mặt giáo dục trong hệ thống phổ thông như thế nào và cái đích hướng tới của nền giáo dục của chúng ta. Các trường học khi mở ra phải đặt vấn đề giáo dục và tạo nguồn nhân lực tương lai, đấy mới là cái đích”, ông Nam đề nghị.
Trước đó, ngày 19 và 20/4, nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải, chia sẻ thông tin một số trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội yêu cầu những học sinh lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10. Thông tin này ngay lập tức gây nhiều phản ứng từ dư luận.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xác minh
Nhận được thông tin về việc một số trường học tại Hà Nội yêu cầu những học sinh đang học lớp 9 có học lực không tốt phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo ngay các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên.
UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm nếu có vi phạm
Ngày 20/4, ông Chử Xuân Dũng - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, giao sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan xác minh, làm rõ thông tin, xử lý nghiêm túc các vi phạm nêu trên (nếu có) và báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện.
Sở GD&ĐT Hà Nội vào cuộc
Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản gửi trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, sở yêu cầu các phòng rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng bắt học sinh cam kết không thi vào lớp 10. Ngoài ra, các phòng cần quán triệt, chỉ đạo bằng văn bản tới tất cả trường THCS trên địa bàn chấm dứt ngay việc vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 và các năm tiếp theo (nếu có).
Sở GD&ĐT nhấn mạnh việc học tập, đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Công tác phân luồng sau cấp THPT, các trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc.Sở yêu cầu trưởng phòng GD&ĐT và các trường THCS chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng trên.
Phủ nhận việc ép học sinh học kém không thi lớp 10
Về thông tin trên mạng xã hội phản ánh Trường THCS Dịch Vọng và Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) có hiện tượng giáo viên yêu cầu học sinh lớp 9 học lực không tốt chuyển trường và không dự thi vào lớp 10 THPT lãnh đạo các trường này đã lên tiếng phủ nhận.
Trao đổi với báo chí, bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), cho hay trường không nhận phản ánh từ phụ huynh về việc giáo viên, nhà trường ép học sinh có học lực yếu kém chuyển trường hoặc phụ huynh ký cam kết không thi vào lớp 10. Bà Nga cũng khẳng định sự việc lan truyền trên mạng không đúng.
Phòng GD&ĐT Cầu Giấy đã làm việc với trường THCS Dịch Vọng và trường THCS Nghĩa Tân để xác minh thông tin. Qua báo cáo của các nhà trường và kiểm tra hồ sơ tại trường, phòng phủ nhận nội dung trên và cho biết các trường không có chủ trương yêu cầu các học sinh học không tốt phải chuyển trường, không thi vào lớp 10 THPT.
Ông Đoàn Tiến Trung - Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, tiêu chí đánh giá các trường nói chung, và các trường THCS nói riêng đều đánh giá tất cả các tiêu chí. Việc tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10 không phải là tiêu chí để đánh giá thi đua các trường. “Chúng tôi không đánh giá thi đua các trường đựa vào tỷ lệ học sinh đỗ vào lớp 10 THPT”, ông Trung nói.
Hiện Phòng GD&ĐT Cầu Giấy đã có văn bản yêu cầu tất cả các trường rà soát và báo cáo danh sách các trường hợp học sinh chuyển. Nếu phát hiện nhà trường, giáo viên có biểu hiện ép buộc hoặc tư vấn học sinh không dự thi lớp 10 thì sẽ xử lý theo quy định.
>>> Mời độc giả xem thêm video Trung Quốc yêu cầu Ban giám hiệu ăn cùng học sinh:

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)