Chúng tôi gặp em Lầu Y Đi, học sinh lớp 8 trường cấp 2 xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) khi em vừa tổ chức đám cưới xong với 1 chàng trai ở bản Tổng Khư (xã Na Ngoi). Nom Y Đi mặt mũi còn non nớt, nét hồn nhiên của tuổi học trò vẫn chưa hết. Vậy mà qua 1 đêm bị bắt, Y Đi đã trở thành cô dâu với bao nỗi lo toan vất vả cho cuộc sống gia đình khi đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”.
Khi được hỏi vì sao lại lấy chồng sớm vậy, em rụt rè: “Em theo chồng về đây làm vợ vì thích nhau thôi. Tối hôm đó, đang ở cùng mấy bạn trong phòng trọ, bạn trai em đến gõ cửa và dắt đi. Nghe anh ấy năn nỉ và nói lời yêu, em nghĩ người ta thương mình thì mình cũng đáp lại”. Y Đi kể lại rằng, đêm đó, ngoài em ra còn có chị Lầu Y Hùa học lớp 9 ở cùng phòng cũng bị bắt về Nậm Cắn làm vợ.
Học cùng trường và cũng ở cùng bản với Y Đi, em Lầu Bá Tềnh cách đây gần 1 tuần cũng tổ chức bắt được cô vợ ở bản Phà Lỏm (xã Tam Hợp - Tương Dương). Tuy khổ người to lớn hơn các bạn trong lớp nhưng những suy nghĩ của Bá Tềnh vẫn còn rất trẻ con.
Không được gia đình đồng ý cho cưới vợ khi tuổi còn quá nhỏ, Tềnh tuyên bố với gia đình: “Học cái chữ khó lắm, lấy vợ về đi làm rẫy khoẻ hơn. Bố mẹ không cho thì sẽ ăn lá ngón”. Vậy là 1 đám cưới đơn sơ được diễn ra với bao nỗi lo của người lớn. Riêng vợ chồng Tềnh chưa hiểu được nỗi vất vả sau khi lập gia đình nên vẫn vô tư, hồn nhiên trong những ngày đầu hạnh phúc.
|
Em Lầu Bá Tềnh (ngoài cùng bên phải) trong một buổi biểu diễn văn nghệ lúc còn học ở trường. Ảnh: Đ.T |
Những học sinh chỉ mới học cấp 2, trên vai còn mang khăn quàng đỏ tung tăng tới trường, vậy mà chỉ qua 1 đêm đã trở thành cô dâu, chú rể trong ngày cưới. Điều đáng buồn hơn, khi được hỏi, một số phụ huynh chỉ mỉm cười cho rằng, "các con thích thì đi bắt vợ thôi, không cản được chúng nó đâu" dù biết các con chưa đến tuổi kết hôn.
Theo thống kê tại trường PTDTBT THCS Huồi Tụ (Kỳ Sơn), năm học 2015-2016, toàn trường có 16 em học sinh bỏ học lập gia đình, trong đó có em chỉ mới học đến lớp 7. Con số này có giảm đi ở năm học 2016-2017 là 7 em (tính đến thời điểm này). Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở một số địa bàn khác như Na Ngoi (3 em), Tây Sơn (2 em), Nậm Càn (3 em)…
Lí giải nguyên nhân này, một số cán bộ, giáo viên trên địa bàn cũng cho hay, các em về nghỉ Tết, theo phong tục đi ném pao và bị bắt vợ. Tuy nói “bị” nhưng chủ yếu là cả 2 bên đều đồng ý. Bên cạnh đó, gia đình lại không có sự ngăn cấm và giải thích cho con em mình nên các em cứ “thích là lấy”. Một số phụ huynh tuy không đồng ý nhưng khi nghe con doạ “không cho thì ăn lá ngón” nên cũng nhắm mắt làm ngơ.
|
Một đám cưới của người Mông ở Nghệ An sau Tết. Ảnh: Hữu Vi. |
Thực tế cho thấy, ra Tết là thời điểm số lượng học sinh người Mông trong các trường vùng cao bỏ học lập gia đình nhiều nhất. Do chưa đến tuổi nên khi cưới, những học sinh này không được chính quyền chấp nhận đăng ký kết hôn nhưng vẫn sống với nhau như vợ chồng bởi “đã làm lễ cúng ma nhà”.
Còn các trường ở các địa bàn này thời điểm trước và sau Tết đều đã xuống tận bản để vận động, tuyền truyền cho học sinh không bỏ học lấy vợ, lấy chồng. Thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. “Một số học sinh khi cưới còn viết giấy mời thầy cô đến tham dự nhưng chúng tôi nhất quyết không tham gia. Như vậy khác nào cổ suý cho việc làm của các em” - thầy Lô Khăm Phu - Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Nậm Càn nói.
Thiết nghĩ, để giảm bớt tình trạng này, trách nhiệm không chỉ riêng ngành giáo dục mà cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội.