Trên hòn đảo Middle - hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Recherche, vùng Goldfields-Esperance, ngoài khơi bờ biển phía Nam của bang Tây Úc có một hồ nước màu hồng tĩnh lặng tuyệt đẹp. Người ta lại gắn cho nó cái tên "hồ nước hồng".
Đó là chính là hồ Hillier.
Hồ nước màu hồng huyền ảo
Không gây ấn tượng bởi kích thước mà cũng chẳng bởi những loài cá đa dạng sinh sống ở đó, hồ Hillier vẫn khiến người ta chú ý bởi màu sắc của dòng nước. Thay vì màu xanh thẳm như nhiều hồ nước khác thì nó lại có màu hồng hệt như màu "sữa dâu" mà trẻ con hay uống.
Hồ Hillier thực sự khiến nhiều người thích thú vì màu hồng đặc trưng của nó. Hơn nữa, hồ này lại nằm ngay cạnh biển Thái Bình Dương, nên nếu nhìn từ trên cao, sự tương phản giữa màu hồng êm dịu của hồ và màu xanh của biển càng làm nó thêm nổi bật.
Trang Mybestplace miêu tả về hồ Hillier rằng: "Đó là một hồ nước mặn rộng khoảng 600 mét, không có sóng gợn, xung quanh là cát và thảm thực vật dày đặc, chủ yếu là cây bạch đàn. Làn nước màu hồng tuyệt đẹp này được tách biệt khỏi màu xanh đậm của đại dương chỉ bằng một dải đất mỏng duy nhất được bao phủ bởi cây tràm, một loại cây phổ biến ở Úc".
Câu hỏi đặt ra là, do đâu hồ nước này lại có màu sắc bắt mắt đến thế?
Đẹp mà "độc"
Hồ Hillier được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1802 bởi nhà thám hiểm kiêm họa đồ Matthew Finders.
Hồ nằm trên Đảo Middle, ngoài khơi Tây Úc. Diện tích của nó khá nhỏ, chiều dài chỉ khoảng 600 mét và chiều rộng không quá 250 mét.
Nếu đứng ở bờ hồ quan sát, bạn sẽ thấy nước chỉ hơi ngả màu hồng nhưng nếu nhìn từ trên cao xuống sẽ thấy rất rõ. Tuy nhiên, không giống như những hồ màu hồng khác trên thế giới, nếu múc nước vào cốc, màu hồng vẫn giữ nguyên.
Trước đây, người dân bản địa thường khai thác muối từ hồ nước này nhưng ngày nay nó chỉ được sử dụng cho mục đích du lịch.
Các nhà khoa học từng đau đầu đi tìm lời giải cho màu hồng kỳ lạ của hồ nước này. Đến năm 2015, một nhóm nghiên cứu thuộc dự án Extreme Microbiome Project (XMP) mới tìm ra được câu trả lời chính xác nhất về màu hồng đặc biệt của hồ Hiller. Khi họ thu thập mẫu nước tại hồ và đem phân tích ADN, kết quả hoàn toàn khác với những suy đoán trước đây.
Dựa trên phân tích, có khoảng 10 loại vi khuẩn ưa muối và một lượng lớn chủng loại tảo đơn bào Dunaliella - đều mang sắc tố đỏ và hồng - có trong nước hồ.
Trong số đó, 33% số lượng ADN được xác định thuộc về loài vi khuẩn chứa carrotene - mang sắc tố của màu cà rốt - có tên Salinibacter ruber. Điều này cho thấy chính vi khuẩn mới là yếu tố then chốt để tạo ra màu sắc đặc trưng của hồ Hiller, chứ không phải loài tảo như đã phỏng đoán.
Chính vì sự hiện diện của vi khuẩn trong nước hồ nên người ta chỉ có thể đứng trên ngắm mà không dám đưa chân xuống.
Bơi không sợ chìm
Được biết, nồng độ muối của nước hồ Hiller rất cao so với nồng độ ở các hồ chứa nước thông thường - một hiện tượng tương tự như ở Biển Chết. Vì lẽ đó, độ đặc của nước hồ là cao hơn so với trọng lượng của cơ thể con người. Nếu có sẩy chân rơi xuống hồ, cơ thể bạn sẽ được "nâng" lên bề mặt mà không lo chìm rồi đuối nước.
Tuy nhiên, việc tham quan hồ Hiller chỉ có thể di chuyển bằng trực thăng hoặc thuyền. Nên nhiều du khách sợ độ cao buộc phải bỏ lỡ cơ hội chiêm ngưỡng cảnh tượng ngoạn mục trên hồ Hiller.