Hành hung, cướp máy đo tốc độ của CSGT: Xử lý thế nào?

Google News

Vụ người đàn ông hành hung, cướp máy đo tốc độ của CSGT ở Nam Định đang gây xôn xao dư luận, nhiều người đặt câu hỏi đối tượng này sẽ bị xử lý thế nào?

Ngày 12/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên cho biết vừa bắt giữ đối tượng Nguyễn Hoàng Minh (SN 1984, ở tại thôn Lương Hội, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) về hành vi Cướp tài sản. Trước đó, do bực tức vì bị CSGT xử phạt vi phạm tốc độ, Minh đã cầm tuýp đánh thượng úy T. H.T, cướp đi máy đo tốc độ có ghi hình rồi tẩu thoát.
Hanh hung, cuop may do toc do cua CSGT: Xu ly the nao?
Nguyễn Hoàng Minh tại cơ quan Công an. 
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng sẽ làm rõ mục đích của đối tượng lấy máy đo tốc độ là để xóa hình ảnh hay để chiếm đoạt, đây là tình tiết quan trọng để xác định hành vi chống người thi hành công vụ hay là cướp tài sản. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng đã sử dụng vũ lực tấn công lực lượng chức năng để chiếm đoạt tài sản là máy đo tốc độ thì hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội cướp tài sản quy định tại điều 168 Bộ luật Hình sự. 
Hanh hung, cuop may do toc do cua CSGT: Xu ly the nao?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)  
Nếu hành vi dùng vũ lực là tấn công lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ mà không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản (lấy máy bắn tốc độ chỉ để xóa hình ảnh) thì đây chỉ là hành vi chống người thi hành công vụ, có thể xử lý về tội chống người thi hành công vụ, nếu gây ra thương tích thì có thể chuyển sang tội cố ý gây thương tích với tình tiết tăng nặng là gây thương tích với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ động cơ mục đích thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng này là gì, xác định diễn biến hành vi và hậu quả đã gây ra làm căn cứ để xác định tội danh phù hợp với quy định của pháp luật. Hành vi dùng tuýp sắt để đánh cảnh sát giao thông là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội, hoàn toàn có thể gây thương tích cho nạn nhân. Bởi vậy trường hợp nạn nhân có thương tích thì đối tượng này có thể sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, nếu hành vi đánh cảnh sát giao thông nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ không xử lý về tội cố ý gây thương tích mà xử lý về tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự, thương tích của nạn nhân sẽ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cho biết thêm, còn trường hợp hành vi không thỏa mãn dấu hiệu của tội cướp tài sản thì đối tượng này cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ hoặc tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là gây thương tích với người thi hành công vụ. Hành vi của đối tượng này thể hiện thái độ coi thường pháp luật, đe dọa đến sức khỏe, sự an toàn của người thi hành công vụ, gây mất an ninh trật tự bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm sáng tỏ tình tiết của vụ án, làm căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Bên cạnh việc xử lý đối với các đối tượng vi phạm pháp luật hình sự về giao thông, chống người thi hành công vụ thì cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, có những biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời đối với những đối tượng côn đồ, manh động, coi thường pháp luật.
>>> Xem thêm video: Bắc Ninh: Tên cướp đâm nhân viên bảo vệ Thế giới di động bị bắt

Nguồn: ĐTHĐT.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)