Lập tổ điều tra sự cố hai máy bay suýt va nhau ở Nội Bài
Báo cáo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), sự cố xảy ra tại sân bay quốc tế Nội Bài vào lúc 21h20 địa phương ngày 24/6 khi chuyến bay AIQ645 của Thai Air Asia lên đường cất hạ cánh 11 phải (11R) chuẩn bị cất cánh đến sân bay Don Mueang (Thái Lan).
Thời điểm đó, chuyến bay của hãng hàng không Vietjet Air (VJC943) cất cánh từ sân bay Đào Viên (Đài Loan) chuẩn bị hạ cánh đường cất hạ cánh 11 trái (11L) song song với đường cất hạ cánh 11R.
Kiểm soát viên không lưu theo hoạch định cấp huấn lệnh cho tổ lái AIQ645 lên đường cất hạ cánh dừng chờ và chuyến bay VJC943 được phép cắt qua đường cất hạ cánh 11R.
|
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, tổ bay của Thai Air Asia đã không nhắc lại đầy đủ huấn lệnh và kiểm soát viên không lưu cũng không phát hiện ra thiếu sót này. Chuyến bay AIQ645 thực hiện chạy đà cất cánh đường cất hạ cánh 11R trong khi chuyến bay VJC943 đang lăn qua đường cất hạ cánh này.
Tại thời điểm chuyến bay AIQ645 nhấc bánh mũi và rời mặt đất khoảng giữa đường lăn S5 và S6, chuyến bay VJC943 đang ở giữa giao điểm đường cất hạ cánh 11R và đường lăn S8, khoảng cách giữa 2 máy bay cách nhau khoảng 1.500m.
Kiểm soát viên không lưu phát hiện ra tình huống chuyến bay AIQ645 chạy đà khi chuyến bay đã đạt vận tốc đến 127 Knots. Nhận thấy vận tốc chuyến bay gần đạt ngưỡng tốc độ quyết định cất cánh, kiểm soát viên không lưu đã không đưa ra huấn lệnh hủy bỏ cất cánh.
Đáng nói, sau khi phát hiện vụ việc, kiểm soát viên không lưu không có hành động gì để xử lý tình huống. Vụ việc xảy ra từ 24/6, nhưng phải đến 30/6, Công ty Quản lý bay miền Bắc mới chuyển thông tin cho Ban An toàn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Sau khi tiếp nhận thông tin, VATM đã báo cáo Cục Hàng không Việt Nam và ra quyết định thành lập Tổ điều tra xác minh nội bộ do Trưởng ban An toàn chất lượng làm tổ trưởng. Đồng thời, chỉ đạo Công ty Quản lý bay miền Bắc thực hiện ngay công tác bình giảng rút kinh nghiệm về sự cố trên cho toàn bộ lực lượng kiểm soát viên không lưu.
“Tổ điều tra xác minh nội bộ đã khẩn trương thu thập hồ sơ dữ liệu có liên quan, làm việc với kíp trực điều hành bay để tiến hành xác minh và làm rõ công tác điều hành bay của từng cá nhân trong kíp trực ngày 24/6/2023. Qua đánh giá ban đầu, sự cố trên xảy ra do nguyên nhân sai sót trong việc thực hiện quy trình tác nghiệp của kiểm soát viên không lưu,” lãnh đạo VATM cho hay.
Bên cạnh đó, Tổ điều tra xác minh của VATM sẽ nhanh chóng hoàn thiện công tác điều tra và báo cáo kết quả lên Cục Hàng không Việt Nam theo quy định.
Cục Hàng không Việt Nam cũng ra quyết định tạm đình chỉ kíp trực không lưu liên quan đến sự cố để xác minh vụ việc.
Sai sót xử sao?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đây là vụ việc nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an ninh an toàn hàng không. Do đó, cơ quan chức năng tạm đình chỉ công tác đối với kip trực không lưu là cần thiết để làm rõ trách nhiệm, xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo các chuyên gia hàng không, tốc độ máy bay khi cất cánh khoảng 300 km/h, tốc độ máy bay vào đường lăn dao động 35-60 km/h. Với khoảng cách 1.500 m, hai máy bay có thể va chạm. Bởi vậy, có thể nói đây là sự việc nghiêm trọng, rất may mắn là vụ va chạm đã không xảy ra, chưa gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, lỗi của kíp trực không lưu là có thể xác định, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân, nhận thức, ý thức của những người này trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn hàng không để xử lý.
Theo luật sư Cường, trong các loại hình giao thông, hàng không đòi hỏi mức độ đảm bảo an toàn cao nhất bởi nếu không may xảy ra tai nạn, hậu quả sẽ rất thảm khốc. Quy định của pháp luật về chức trách nhiệm vụ của các tổ chức cá nhân trong việc đảm bảo an ninh an toàn bay là rất nghiêm ngặt. Cụ thể được quy định tại Nghị định số 92/2015/NĐ- CP về an ninh hàng không.
Theo quy định tại Thông tư 28/2010/TT-BGTVT và Thông tư 61/2011/TT-BGTVT: Điều khiển không lưu là hệ thống chuyên trách đảm nhận việc gửi các hướng dẫn đến máy bay nhằm giúp các máy bay tránh va chạm, đồng thời đảm bảo tính hoạt động hiệu quả của nền tảng không lưu. Nói cách khác, kiểm soát không lưu đảm bảo cho máy bay bay an toàn, điều phối và hiệu quả từ lúc cất cánh đến khi hạ cánh.
Kiểm soát viên không lưu mặt đất có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động của các chuyến bay từ khi máy bay cất cánh đến khi hạ cánh an toàn. kiểm soát và điều hành các hoạt động của tàu bay, người và phương tiện kỹ thuật phục vụ bay tại khu vực kiểm soát mặt đất.
Kiểm soát viên không lưu tại sân bay có nhiệm vụ cung cấp chỉ thị và các thông tin cần thiết cho tàu bay cất cánh đúng theo kế hoạch bay dự kiến với sự chậm trễ trung bình ít nhất; hướng dẫn các tàu bay đến hạ cánh cho đến khi tàu bay rời khỏi đường cất hạ cánh để lăn vào sân đỗ.
Kiểm soát viên không lưu tiếp cận có nhiệm vụ dẫn dắt và sắp xếp thứ tự các tàu bay đến theo một thứ tự hiệu quả nhất để tàu bay vào làm tiếp cận và hạ cánh; dẫn dắt các tàu bay khởi hành nhanh chóng lấy độ cao bay và đường bay mong muốn trước khi chuyển tiếp vào giai đoạn bay đường dài.
Theo Khoản 5 Điều 4 Thông tư 61/2011/TT-BGTVT quy định về nhiệm vụ của nhân viên nhân viên không lưu thực hiện các nhiệm vụ sau đây đối với chuyến bay: Điều hành bay bao gồm: kiểm soát mặt đất, kiểm soát tại sân bay, kiểm soát tiếp cận, kiểm soát đường dài; thông báo bay; tư vấn không lưu; Báo động và các nhiệm vụ khác theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về không lưu.
Như vậy, trường hợp kiểm soát viên không lưu thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ của mình được giao gây ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xem xét trách nhiệm pháp lý, trong đó không loại trừ trường hợp sẽ xử lý hình sự. Trong vụ việc này bước đầu xác định có dấu hiệu vi phạm, tuy nhiên may mắn là hậu quả nghiêm trọng vẫn chưa xảy ra nhưng vấn đề trách nhiệm kỷ luật cần phải được đặt ra, cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo an ninh an toàn hàng không.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bị cưa cụt chân vì kẹt vào băng chuyền ở sân bay