Thời gian gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra không ít vụ việc bạo hành trẻ em mang tính chất ngày càng nghiêm trọng với các phương thức bạo hành dã man. Mà điều gây ám ảnh là hầu hết các thủ phạm lại chính là ruột thịt của các bé.
Việc này khiến dư luận vô cùng khó hiểu, tại sao những người cha, mẹ lại nỡ lòng nào đánh đập đứa cơn rứt ruột đẻ ra.
"Hổ dữ chẳng nỡ ăn thịt con", thế mà tại sao?
Đơn cử, mới đây nhất, một người bà đã viết đơn cầu cứu cơ quan chức năng vào cuộc xử lý người con rể bạo hành hai cháu ngoại. Cụ thể, bà Trần Thị Phúc (70 tuổi, quận Đống Đa) cho hay, sau khi con gái ly thân với chồng tìm hành phúc mới, hai cháu ngoại của bà gồm P. (SN 2004) và T. (SN 2008) được giao cho bố ruột tên Nguyễn Đức G. nuôi.
|
Những vết thương vẫn còn in hằn trên cơ thể cháu P. vì bị bố bạo hành. |
Trong quá trình sinh sống, hai cháu P. và T. nhiều lần bị bố bạo hành đánh đập. Những lần đánh các con, hàng xóm đều được biết nhưng không thể can thiệp. Gần đây nhất là ngày 1/6, do đổi lịch học nên cháu P. về muộn. Lúc này, ông G. đã khóa trái cửa và trói tay hai con và dùng thắt lưng đánh đập.
Điều đáng nói, sau khi bị gửi đơn tố cáo, người bố nhanh chóng trả phòng trọ và chuyển đi đâu không ai hay.
“Sau khi chúng tôi nắm được tin đã nhanh chóng phối hợp với UBND phường Phúc Đồng xuống kiểm tra thì gia đình bố cháu bé đã trả phòng trọ và chuyển đi nơi khác. Hiện chúng tôi đang xác minh nơi ở mới của họ như thế nào rồi thông báo cho chính quyền nơi đó nắm được”, lãnh đạo công an phường Phúc Đồng trao đổi với PV Kiến Thức sáng 15/6.
Trước đó, hồi cuối năm 2017, người dân Thủ đô choáng váng trước vụ việc bố đẻ, mẹ kế bạo hành con trai suốt nhiều năm mà không ai hay biết. Vụ việc chỉ vỡ lở khi cậu bé 10 tuổi nhân lúc bố và mẹ kế sơ sẩy "đào thoát" thành công chạy về nhà ông bà nội tại Quận Ba Đình để cầu cứu.
|
Trần Hoài Nam đang thực nghiệm lại hiện trường bạo hành con đẻ. |
Theo lời của cháu G.K., suốt hai năm sống cùng bố đẻ, mẹ kế cháu bị bố bắt nghỉ học, đánh đập liên tục bằng móc nhôm phơi quần áo, cháu phải thường xuyên nhịn đói…
Hồi tháng 8/2017, một bé trai tên khoảng 1 tuổi được đưa đến Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội) trong tình trạng hôn mê, co giật mắt bị giãn, bầm thím toàn thân, xây xước ở bộ phận sinh dục và cổ. Tiến hành kiểm tra, các bác sĩ xác định não của cháu bị tổn thương.
Tiếp nhận thông tin, ngay sau đó cơ quan công an đã vào cuộc xác minh và cho biết đây là vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng.
|
Hình ảnh cháu bé bị bạo hành chấn thương sọ não, thâm tím khắp cơ thể. |
Quá trình xác minh, cơ quan điều tra làm rõ, mẹ cháu bé là Đinh Lan Hương (SN 1983, trú ở phố Tống Duy Tân, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội), đang thi hành án tù. Cháu T.A là con thứ 5 của Hương và được mẹ gửi cho bạn nuôi dưỡng từ khi cháu mới 2 tuần tuổi.
Sau đó, bé T.A. tiếp tục được gửi nuôi cho chị Nguyễn Thị H. và xảy ra sự việc. Điều đáng nói, ngay cả ông bà ngoại của cháu bé không biết đến sự tồn tại của cháu cho đến khi sự việc này xảy ra.
15 cơ quan bảo vệ trẻ em ở đâu?
Điều đáng nói, hiện nay nước ta có tới 15 cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ trẻ em mà những vụ bạo hành vẫn cứ xảy ra. Hơn thế nữa, trong hầu hết các trường hợp bạo hành được phát hiện bởi chính người thân, hàng xóm hay thậm chí là những đứa trẻ bị đánh đập tự "vùng dậy đấu tranh".
Lý giải về việc lắm tổ chức mà không bảo vệ được trẻ em, Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Nguyễn Thị Hằng cho hay Luật Trẻ em đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em nhưng áp dụng vào cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn. Ngay cả trong gia đình và nhà trường, nhiều vụ bạo hành, xâm hại các em không ai khác chính là người thân trong gia đình.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng, để đưa Luật Trẻ em đi vào cuộc sống thì phải trả lời được những vấn đề xã hội nói chung, trong đó có vấn đề bạo hành trẻ em nảy sinh từ áp lực về kinh tế, việc làm; hay văn hóa - đạo đức xuống cấp; hay vì luật pháp chưa đủ chế định cần thiết hoặc quản lý còn bị buông lỏng.
Còn theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), việc quy trách nhiệm cụ thể của từng đơn vị đã ghi rõ trong Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1/6/2017 và Nghị định 56 hướng dẫn một số điều của Luật Trẻ em. Tuy nhiên, do Luật mới đưa vào cuộc sống, nên các cấp, ngành vẫn chưa hiểu rõ về Luật.
Vậy phải tới khi nào cơ quan có thẩm quyền mới "hiểu rõ" luật khi mà các vụ bạo hành trẻ em ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn?