Xe vận tải khách…nhiều “không” nhưng hút khách
Thời gian qua, ở Hải Dương xuất hiện loại hình kinh doanh dịch vụ xe tô tô vận chuyển hành khách mới được gọi là “xe 100k” hay xe một trăm nghìn đồng.
Tuy nhiên, khác với các loại hình kinh doanh vận tải bằng xe ô tô như taxi, xe khách, loại hình mới này không đóng thuế, không kiểm định xe như xe dịch vụ, không phải mất chi phí thuê địa điểm, trụ sở…
Thực chất đây là những xe ô tô do cá nhân sở hữu và hoạt động dịch vụ vận tải như xe taxi. Tuy nhiên, do chiêu trò lách luật tinh vi, loại xe này hoạt động vận tải khách chui nên không bị truy thu thuế, không phải dán phù hiệu và không bị quản lý chặt chẽ như xe taxi nên giá thành vô cùng rẻ.
Hành khách chỉ cần bỏ ra một trăm nghìn đồng/lượt là có thể sử dụng dịch vụ từ TP Hải Dương lên Hà Nội với quãng đường khoảng 60km, nếu bao trọn xe không ghép khách thì số tiền cũng chỉ 400.000 đồng/lượt. Trong khi đó, nếu đi taxi truyền thống thì khách phải bỏ ra số tiền lên đến 700.000 đồng.
|
Xe "trăm nghìn" (màu đen) bên cạnh các xe taxi truyền thống. |
Trong khi đó, nếu sử dụng xe bus để di chuyển hành khách có thể sẽ mất một số tiền tương đương 100.000 đồng do khi tới điểm phải bắt taxi, xe ôm để di chuyển về nhà. Nhưng với xe 100 nghìn đồng/lượt từ Hải Dương lên Hà Nội hoặc chiều ngược lại, hành khách được xe đưa đón tới tận nơi mà không phải bắt thêm bất cứ chuyến xe nào.
Do vậy loại hình kinh doanh vận tải chở khách “xe trăm nghìn” hút khách khi di chuyển hơn taxi và các phương tiện công cộng khác.
Để tìm hiểu loại hình vận chuyển này, PV Kiến Thức không khó để tiếp cận “xe trăm nghìn đồng” khi số lượng xe lên đến khoảng hơn 300 xe. Chỉ cần vào google hoặc lên mạng xã hội facebook gõ “xe trăm nghìn đồng” hoặc từ khóa “xe ghép Hà Nội - Hải Dương 100k” thì dễ dàng tìm kiếm. Các loại xe thường được sử dụng vận chuyển khách của dịch vụ này từ 4 đến 7 chỗ ngồi.
Dù là xe hoạt động vận tải chui không đăng ký nhưng nhà xe quảng cáo công khai kèm cả số điện thoại. Thậm chí ở TP Hải Dương có thời điểm các chủ xe còn dán cả tờ rơi quảng cáo.
Gọi theo số điện thoại quảng cáo cùng dịch vụ “xe trăm nghìn”, PV được một xe tới đón. Khi lên xe đã có hai hành khách mà chủ xe đã đón từ trước. Chỉ với chi phí 100.000 đồng, PV đã được vận chuyển từ Hải Dương lên đến một điểm đến trên Hà Nội mà nếu chỉ di chuyển bằng taxi trong nội thành Hà Nội số tiền đã lên đến 100.000 đồng.
Ngoài chở khách, các lái xe “trăm nghìn đồng” nhận luôn dịch vụ chuyển hàng hóa khác cũng với chi phí 100.000 đồng/hàng hóa. Tuy nhiên, nhược điểm của loại hình vận tải này là thời gian di chuyển sẽ lâu hơn do phải đón đợi ghép khách, nhận hàng hóa rồi thêm thời gian trả khách, trả hàng hóa.
Đối với hành khách chi phí rẻ và không phải bắt nhiều xe để di chuyển nên họ thường hay lựa chọn xe “trăm nghìn đồng”. Với các chủ xe, mỗi chuyến xe 7 chỗ, ghép 7 người, dù thu 100.000 đồng/người và đi hai lượt họ cũng có lãi hơn 1 triệu đồng/chuyến đi về. Một ngày chuyên chở khách họ sẽ thu được số tiền 2,8 triệu đồng mà chỉ mất duy nhất chi phí xăng xe và phí đường bộ, không phải đóng thuế thu nhập, thuế vận tải nên nhiều chủ xe đã gia nhập đội quân “xe trăm nghìn đồng” ngày càng đông.
Khó quản lý?
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, mỗi năm trung bình một xe taxi sẽ phải đóng thuế lên đến 14,4 triệu đồng, 2 lần kiểm định mỗi năm, tổng chi phí hơn 15 triệu đồng. Trong khi đó, xe trăm nghìn đồng do hoạt động chui, không phải đăng ký nên trốn được các khoản chi phí về thuế.
Tuy nhiên, loại hình “xe trăm nghìn đồng” đang là bài toán quản lý nan giải của các cơ quan chức năng. Bởi đối với các loại hình vận tải hành khách như taxi, xe bus, xe khách, quy trình kiểm định nghiêm ngặt thì với “xe trăm nghìn” việc kiểm định như xe cá nhân, gia đình. Bên cạnh đó, hàng trăm xe tham gia dịch vụ “xe trăm nghìn đồng” gây thất thu thuế kinh doanh vận tải.
Trong khi đó, dù chi phí rẻ hơn so với xe taxi và các loại hình vận tải hành khách khác nhưng “xe trăm nghìn đồng” hành khách không có bảo hiểm, khi xảy ra tai nạn rủi ro thì hành khách sẽ bị thiệt thòi.
Dù không khó để phát hiện loại xe này chuyên chở khách nhưng lại khó có thể xử lý. Cụ thể, về vấn đề thất thu thuế kinh doanh vận tải. Chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng có thể thấy rõ khoản hụt thu này.
|
Xe "trăm nghìn đồng" đón, trả khách. |
Ví dụ như một xe cá nhân gửi vào các hãng taxi và được nhượng quyền thương hiệu nên có có cơ chế hoạt động như taxi, có mào xe, logo, bộ đàm... mỗi năm các xe đóng 300.000 đồng tiền thuế môn bài, 6,6 triệu tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, tổng tiền mỗi xe nộp vào ngân sách khoảng 7 triệu đồng. Trong khi đó, khoảng hơn 300 xe “trăm nghìn đồng” đang tham gia vận chuyển khách, không đóng thuế dẫn đến mỗi năm ngân sách thất thu tiền tỷ.
Ông Vũ Thái Dương, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hải Dương cho biết, dù biết rõ các xe đó đang kinh doanh vận tải nhưng hiện cơ quan thuế không thể yêu cầu chủ xe thực hiện nghĩa vụ thuế vì họ không có ràng buộc gì về pháp lý. Trong khi các đơn vị vận tải khác đăng ký kinh doanh với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý nhà nước về vận tải đang được quản lý chặt chẽ thì loại xe này lại hoạt động tự do.
Do vậy, Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hải Dương đề nghị các đơn vị chức năng sớm tìm ra biện pháp quản lý loại hình vận tải hành khách này cho phù hợp, tránh thất thu thuế.
Trao đổi với PV Kiến Thức, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương Lê Quý Tiệp cho biết, để quản lý loại hình xe này không dễ dàng khi họ hoạt động chui.
“Do hoạt động chui nên khi kiểm tra do xe cá nhân không phù hiệu, không logo nên khi được hỏi, được kiểm tra, thì lái xe nói là xe đang chở người của gia đình, không phải khách nên không thể xử lý. Tuy nhiên lại không có cơ sở đầy đủ để xử lý. Nếu xe kinh doanh trong đăng kiểm họ tích vào chỗ xe kinh doanh nhưng xe này là xe cá nhân. Có đợt cả công an phối hợp với thanh tra làm nhưng rất khó xử lý. Bởi với dòng xe cá nhân chỉ cần đăng ký, đăng kiểm đầy đủ, còn đi đâu làm gì, chở ai rất khó xử lý.”, ông Lê Quý Tiệp cho biết.
Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương Lê Quý Tiệp cho biết, hiện số lượng xe này rất nhiều.
“Lúc đầu họ mua xe để cá nhân đi lại. Nhưng lúc không làm ăn được thì lại dùng xe để kiếm ăn nên gia nhập “xe trăm nghìn đồng”. Hơn nữa là những cá nhân mới vào các hãng taxi để học nghề khi lo đủ rồi thì ra ngoài lái xe riêng và có lượng khách quen nên cũng nhập “dịch vụ xe trăm nghìn đồng”, ông Lê Quý Tiệp cho biết.
Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hải Dương khó khăn lớn nhất là ở các quy định hiện hành. Không thể đưa vào quy định nào có căn cứ để xử lý.
“Mặc dù biết chắc chắn đó là xe kinh doanh nhưng lực lượng chức năng không có bằng chứng để chứng minh được họ đang kinh doanh và những người trên xe là khách, cũng không có chứng cứ lái xe thu tiền của khách nên không xử lý được”, ông Tiệp cho hay.
Đại tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng Phòng CSGT tỉnh Hải Dương cho biết, rất khó để xử lý vì các xe này hoạt động như xe gia đình.
“Họ đăng ký xe cá nhân, không đăng ký kinh doanh vận tải nên không thể quản lý được. Thậm chí không thể xử phạt được vì không thể biết xe nào sử dụng dịch vụ chở khách để xử lý. Họ lách luật họ làm, nhà tôi các cháu đi học trên Hà Nội đều đi xe đó. Nhưng mình buộc họ để xử lý rất khó vì không có căn cứ gì cả. Ngành GTVT phải nghiên cứu về vấn đề này”, ông Nam cho biết.
Dù khó khăn trong vấn đề xử lý nhưng rõ ràng hoạt động của loại hình vận tải chui trên cần phải có quy định và phương án để quản lý, xử lý. Bởi nếu các xe này hoạt động kinh doanh thì phải đăng ký kinh doanh và phải được sự cho phép của cơ quan nhà nước.
Do vậy, ngành GTVT và các cơ quan liên quan cần phối hợp để đưa ra những giải pháp trong quản lý dịch vụ “xe trăm nghìn”, trước mắt cần siết chặt quản lý nguồn gốc của các xe, cũng như quản lý về đăng kiểm và đưa ra những phương án để xử lý hành vi hoạt động kinh doanh khi không có phép và hành vi trốn thuế của các chủ xe trên.
* PV Kiến Thức tiếp tục thông tin về vụ việc trên…
>>> Mời độc giả xem thêm video Xe hợp đồng điện tử sẽ quản lý như taxi truyền thống: