Vì sao taxi công nghệ nộp thuế ít, taxi truyền thống nộp thuế nhiều?
Chất vấn Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể ngày 5/6, Đại biểu Phạm Văn Hoà đã dẫn báo cáo của Bộ GTVT cho thấy, cả nước hiện có gần 500 đơn vị vận tải với hơn 40 nghìn phương tiện tham gia thí điểm Đề án 24.
Tuy nhiên, thực tế, xe công nghệ đã đăng ký hợp đồng, hợp tác kinh doanh với các tổ chức hợp tác xã hơn gấp 3 lần các tỉnh, thành phố đang thực hiện.
Cho rằng, nhiều đơn vị vận tải và phương tiện như vậy nhưng công ty công nghệ Grab chỉ nộp thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng cho 3 năm 2014 – 2016, năm 2017 và năm 2018 cũng không khá hơn, trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế cả nghìn tỷ đồng, đại biểu Hòa chất vấn Bộ trưởng GTVT: “Giải pháp ra sao để quản lý loại hình xe công nghệ này, không còn tình trạng kê khai chui số lượng nhằm trốn thuế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa xe taxi truyền thống và loại hình mới? Đồng thời, đại biểu cũng gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Tài chính.
|
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. |
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng GTVT cho biết, về taxi công nghệ, hiện nay chúng ta đang quản lý theo quy hoạch.
Tuy nhiên, từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, Bộ GT&VT cũng thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, không còn hạn mức của taxi.
“Hiện nay, taxi triển khai thu tiền tự động như xe taxi công nghệ nên sắp tới sẽ bảo đảm công bằng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ”, Bộ trưởng Thể nói và lưu ý, khi tạo điều kiện như vậy sẽ có một thực tế là có nhiều phương tiện tham gia trên đường.
“Nhưng đây là việc của công dân và theo Luật Quy hoạch sẽ không còn giới hạn số lượng. Tương tự như trạm đăng kiểm sắp tới sẽ xây dựng theo nhu cầu, phương án của nhà đầu tư không còn bị giới hạn. Cung cấp dịch vụ tốt sẽ có hệ lụy là nhiều phương tiện lưu thông trên đường. Tuy nhiên, do trong nền kinh tế thị trường nên đề nghị bà con khi mua xe để tham gia các hoạt động vận tải cần tính toán để bảo đảm hiệu quả”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Về chênh lệch số liệu thống kê phương tiện tham gia, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện nay theo số liệu của Bộ thì có 48 nghìn phương tiện. Có một số người dân đăng ký song không hoạt động. Nhưng vấn đề này thì chỉ doanh nghiệp nắm được. Bộ GT& VT đang chỉ đạo các địa phương kết nối số liệu với Bộ GT&VT và Bộ Công an để nắm bắt chính xác số liệu phương tiện giao thông tham gia hình thức vận tải dịch vụ công nghệ này, qua đó quản lý chặt chẽ di biến động hoạt động của doanh nghiệp, các xe này, để thu thuế và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Về việc nộp thuế, theo Bộ trưởng Thể, không chỉ có Uber, Grap mà hiện còn có 14 phần mềm, trong đó tại Việt Nam đang tồn tại 12 phần mềm. Các phương tiện đều kết nối với cơ quan nộp thuế nên việc thất thu thuế ít xảy ra, cơ quan thuế kiểm soát kỹ càng. Cho biết có phần trích lại cho Grap, Bộ trưởng mong các cơ quan phối hợp để kiểm soát chặt chẽ.
Khi có thông tin Uber, Grap lỗ, Bộ trưởng cho biết “chúng tôi cũng nắm thông tin qua các phương tiện truyền thông, nên tôi nghĩ, Bộ Tài chính sẽ nắm rõ vấn đề này. Tôi cũng nghĩ rằng, các cơ quan nhà nước sẽ bảo đảm sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là với taxi công nghệ, taxi truyền thống”.
Bộ trưởng Thể trả lời chưa thỏa đáng
Cho rằng, Bộ trưởng Thể trả lời chưa thỏa đáng, đại biểu Đào Thanh Hải (Hà Nội) nói, trong những năm qua, Hà Nội đã phải quản lý xe taxi truyền thống, không cho phát triển quá nóng để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, cao nhất là 22.000 xe.
Hiện nay, taxi truyền thống còn 15.000, xe Grab đang là 31.000 ôtô và 50.000 xe máy.
Từ việc đó có thể nói rằng xe Grab, do điều kiện không phải đeo mào, có thể đi vào tất cả tuyến phố cấm xe giờ cao điểm. Còn taxi truyền thống có mào nên lực lượng chức năng nhận biết và quản lý được. Ngoài ra, xe Grab do cá nhân tự mua và đăng ký nhưng hiện tại không ai quản lý, các hợp tác xã xe thì cho rằng đây là của hãng công nghệ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết phương hướng trong thời gian tới cụ thể, rõ ràng hơn, đại biểu Đào Thanh Hải chất vấn.
|
Đại biểu Đào Thanh Hải. |
Trả lời đại biểu Hải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin, trong nghị định 86 sửa đổi, Bộ này đề xuất xe taxi công nghệ gắn mào để các cơ quan chức năng khi nhìn lướt qua biết được là taxi công nghệ.
“Hiện nay sau khi thực hiện Luật Quy hoạch không còn hạn chế số lượng, nếu Hà Nội muốn hạn chế phương tiện này không được vì phải thực hiện Luật Quy hoạch. Nếu địa phương nào mà hạn chế thì vi phạm luật. Trong nghị định 86 sửa đổi xe hợp đồng điện tử, xe taxi công nghệ, xe taxi truyền thống hồ sơ thủ tục như nhau nên tất cả xe như Grab hoạt động ở Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, hành khách và các thủ tục như taxi truyền thống. Taxi truyền thống, những hãng lớn như Vinasun, Mai Linh đều sử dụng công nghệ như Grab nên họ hoạt động song song. Hiện nay có 13 phần mềm kết nối hãng taxi với người dân. Ví dụ chúng ta kết nối vào hãng Be có thể sử dụng chọn taxi Hà Nội, taxi khác để kết nối” Bộ trưởng Thể cho biết.
Đã truy thu 437 tỷ đồng thuế Grab và 8 hãng taxi công nghệ
Trả lời đại biểu Hòa, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói rằng, ông nhất trí với ý kiến của đại biểu này về thu thuế taxi công nghệ. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng quy định hiện hành đã nêu rõ mức thuế áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, tỷ lệ thuế GTGT đảm bảo phù hợp với từng lĩnh vực kinh doanh và tương đồng với doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo với Quốc hội 9 công ty vận tải taxi từ năm 2018 đến nay đã kê khai và nộp 437 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục thuế TP.HCM đã kiểm tra và truy thu 66,68 tỷ đồng tiền thuế từ Công ty Uber giai đoạn 2014-2016.
Trong thời gian tới, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định tiếp tục kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. Công tác kiểm tra, thanh tra cũng sẽ được Bộ cùng các cơ quan liên ngành tăng cường thực hiện nhằm chống thất thu thuế từ kinh doanh vận tải điện tử.