Đang thi công đường dây 220kV qua xã Cẩm Hưng
Sáng 14/7, UBND huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã phối hợp với các đơn vị, lực lượng chức năng tổ chức hỗ trợ thi công kéo dây đường điện Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương - Trạm 500kV Phố Nối đoạn qua thôn Đồng Xuyên, thôn Hộ Vệ và thôn Đông Đồng, xã Cẩm Hưng.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, hiện một số hộ dân vẫn chưa đồng tình, chấp hành để cho công ty Điện lực miền Bắc kéo đường dây qua diện tích đất của họ trong hành lang lưới điện. Trước đó, UBND huyện Cẩm Giàng, UBND xã Cẩm Hưng đã nhiều lần tổ chức đối thoại với các hộ dân nhưng chưa nhận được sự ủng hộ.
|
Triển khai thi công kéo dây đường điện Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương - Trạm 500KV Phố Nối |
Để phòng có thể xảy ra tình huống tụ tập đông người, có các hành động quá khích gây mất an ninh trật tự, cản trở việc thi công, UBND huyện Cẩm Giàng đã xây dựng, triển khai phương án bảo vệ hỗ trợ thi công đường dây này.
“UBND huyện Cẩm Giàng đã thành lập các tổ công tác như tổ bảo vệ, tổ an ninh, tổ tuyên truyền vận động nhân dân để hỗ trợ thi công dự án. Mục đích nhằm đảm bảo an ninh trật tự khu vực thi công đoạn qua thôn Đông Xuyên, thôn Hộ Vệ, thôn Đông Đồng thuộc xã Cẩm Hưng trong quá trình thi công kéo đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương – Trạm 500kV Phố Nối từ cột điện VT3 đến VT9 và VT10”, ông Công cho biết.
Dự kiến từ ngày 14/7 đến 27/7, các lực lượng chức năng sẽ tập trung hỗ trợ đơn vị thi công thực hiện kéo mạch 2 từ cột M3 đến cột M10 với chiều dài 2,1km trong đó có 3 điểm liên quan đến các hộ dân trên.
|
Khu vực bảo vệ thi công dự án. |
|
Nhiều lực lượng chức năng có mặt tại khu vực thi công dự án để bảo vệ thi công, vận động tuyên truyền người dân. |
Trong thời gian này, UBND huyện Cẩm Giàng yêu cầu các cơ quan đơn vị phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, thiết bị, máy móc đồng thời giữ ổn định tình hình an ninh, trật tự công cộng khu vực trong quá trình tổ chức thực hiện và giữ ổn định tình hình địa phương.
Chủ đầu tư, đơn vị thi công bố trí đầy đủ phương tiện, nhân công thi công nhanh gọn, an toàn; không để xảy ra sai sót, gây mất an ninh trật tự tác động xấu đến tình hình chính trị tại địa phương và gây dự luận xấu trong nhân dân. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp gây cản trở trong quá trình bảo vệ thi công kéo dây dự án.
Nguyện vọng của người dân
Ghi nhận của PV Tri thức và Cuộc sống trong buổi sáng khi đơn vị thi công tiến hành thi công kéo dây đường điện Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường dây 220kV Nhiệt điện Hải Dương - Trạm 500kV Phố Nối qua xã Cẩm Hưng, một số người dân bị ảnh hưởng khi sinh sống dưới đường điện 220 kV đã đến khu vực thi công để bày tỏ một số nguyện vọng.
Ông Vũ Văn Chữ, một người dân bị ảnh hưởng bởi đường điện 220 kV cho biết, trong suốt thời gian qua, sinh sống trong hành lang đường dây 220 kV Hải Dương từ năm 2015 đến nay, gia đình ông luôn lo lắng bởi hiện tượng nhiễm điện trường. “Khi dùng bút thử điện thử trên các đồ vật trong gia đình, bút đều sáng, khiến gia đình tôi luôn bất an. Lo lắng, gia đình tôi đã phải chuyển đi nơi khác sinh sống”, ông Chữ nói.
|
Một số hộ dân hiện đang sinh sống dưới đường điện 220kV. |
Các hộ dân nằm trong hành lang đường dây 220kV cho biết, thời gian qua, các hộ dân đã đưa ra một số kiến nghị đến chính quyền các cấp về chế độ, chính sách về bồi thường hỗ trợ do hạn chế sử dụng đất đối với các hộ dân bị ảnh hưởng bởi đường dây 220 kV. Đồng thời đề nghị được tái định cư ở địa điểm khác để đảm bảo an toàn sức khỏe. Các hộ dân yêu cầu các cơ quan chức năng và ngành điện phải cam kết và chịu trách nhiệm với các hộ dân về việc đảm bảo an toàn sức khỏe khi sinh sống dưới đường dây 220kV.
Trao đổi về nguyện vọng trên của người dân, ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, đối chiếu với các quy định của pháp luật, đây không phải dự án trong trường hợp được thu hồi đất nên không thuộc diện tái định cư.
“Người dân đã được hỗ trợ về hạn chế sử dụng đất và tài sản trên đất. Các mức hỗ trợ này, Nhà nước và UBND tỉnh Hải Dương đã vận dụng chính sách tối đa cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng”, ông Công cho biết.
Được biết, đối với các hộ dân bị ảnh hưởng trên, tỉnh Hải Dương áp dụng bồi thường thiệt hại về đất với mức 80% đơn giá thu hồi đất và 70% giá trị phần nhà ở, công trình. Tuy nhiên, qua nhiều lần đối thoại, vận động, tuyên truyền các hộ dân vẫn không đồng tình.
Đối với phản ánh của người dân sinh sống trong hành lang đường dây 220kV về hiện tượng nhiễm từ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có văn bản khẳng định, kết quả cường độ điện trường tại các điểm đo đạc đều đạt dưới mức giới hạn cho phép. Tập đoàn này cũng cam kết các hộ dân đang sinh sống dưới hành lang an toàn lưới điện đoạn qua địa bàn xã Cẩm Hưng được phép sinh sống và xây dựng nhà cửa, công trình vật kiến trúc trong hành lang an toàn theo đúng quy định của Nghị định 14 của Chính phủ năm 2014.
Tại buổi đối thoại giữa UBND huyện Cẩm Giàng, cùng đại điện Tổng công ty truyền tải điện quốc gia với 19 hộ dân xã Cẩm Hưng ngày 29/6, ông Lê Văn Khải, Phó Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia) cho biết, đối với đường dây 500kV phải thu hồi toàn bộ đất nằm trong hành lang. Tuy nhiên, đối với đường dây 220kV đã được quy định rõ về đảm bảo an toàn cho sinh sống và xây dựng nhà trong các nghị định, Luật Điện lực…
Đối với hiện tượng dùng bút thử điện mà phát sáng, ông Khải đề nghị cần có các đơn vị độc lập tiến hành đo với các thiết bị chuyên dụng mới khẳng định được cường độ dòng điện có an toàn hay không.
Tại buổi đối thoại này, ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng cho biết, ngành điện đã cam kết với tỉnh, huyện là những hộ dân hiện sống dưới đường dây 220kV là an toàn và khi hoàn thiện dự án, ngành điện cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thuê một cơ quan độc lập để đo lại cường độ dòng điện. Nếu không an toàn, ngành điện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện thu hồi đất, bồi thường, tái định cư… cho người dân theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Quyết cũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh Hải Dương, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc, phòng chuyên môn của huyện, chính quyền địa phương tiếp thu toàn bộ các kiến nghị, nguyện vọng của người dân để báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Dự án công trình đường dây diện 220kV Nhiệt điện Hải Dương – Trạm 500kV Phố Nối do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải của các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, TP Hà Nội và các vùng lân cận.
Dự án đi qua 5 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cẩm Giàng có tổng cộng 59 chân cột. Trong đó, xã Cẩm Đông 16 chân cột, xã Tân Trường 29 chân cột, xã Kim Giang (nay là thị trấn Cẩm Giang) 6 chân cột, xã Thạch Lỗi 5 chân cột và xã Cẩm Hưng 3 chân cột. Đến nay Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư đã giải phóng mặt bằng xong và bàn giao toàn bộ các vị trí chân cột cho Ban Quản lý dự án các Công trình điện miền Bắc xây dựng và kéo dây xong toàn bộ các chân cột.
Dự án theo thiết kế được phê duyệt gồm 2 mạch trên cột, Hiện nay đã kéo xong mạch 1 (12 dây/cột điện) khi thực hiện dự án Trạm biến áp 500kV Phố Nối và các đường dây đấu nối qua xã Cẩm Hưng từ năm 2019. Tuy nhiên, khi tiếp tục thực hiện kéo đường điện mạch 2 (12 dây/1 cột điện) qua vị trí chân cột từ M3 đến cột M9, cụ thể: M3-M4 đi qua 3 hộ ông Nguyễn Tiến Thắng, ông Nguyễn Văn Quả và ông Nguyễn Văn Triển; M5 đến M6 đi qua 4 hộ ông Nguyễn Văn Huyền, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Bá Mạnh và Nguyễn Bá Chung. Ngoài ra chân cột số M9 nằm giáp các hộ thôn Đông Đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Giật mình những vụ thương tâm do vừa sạc pin vừa dùng điện thoại