Tháng 12/2020, đưa ông Nguyễn Nhật Cảm ra xét xử, TAND Hà Nội nhận định, trong vụ án, cựu Giám đốc CDC Hà Nội đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị cáo khác, trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với bị cáo Nguyễn Trần Duy (TGĐ Công ty CP định giá và bán đấu giá Nhân Thành) để Duy giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu.
Sai phạm xảy ra khi CDC Hà Nội mua sắm trang thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19, tại gói thầu số 15 với số tiền 9,54 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước là hơn 5 tỉ đồng.
Hành vi của các bị cáo Nguyễn Nhật Cảm là nguy hiểm cho xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế, gây thiệt hại cho Nhà nước nên cần có mức án nghiêm minh mới đủ sức răn đe, phòng ngừa và giáo dục chung.
Ông Cảm khi đó đã phải nhận án 10 năm tù vì tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi câu chuyện về ông Nguyễn Nhật Cảm còn chưa nguôi, ngày 10/6, Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án Vi phạm quy định về hoạt động đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại CDC Hà Nội. Cùng ngày, CQĐT bắt khẩn cấp ông Trương Quang Việt (Giám đốc CDC Hà Nội) và kế toán trưởng.
CQĐT cho rằng, năm 2020, do tình hình cấp bách của dịch Covid-19, một số cơ sở, bệnh viện y tế công lập trên địa bàn Hà Nội thực hiện mua sắm kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Quá trình thực hiện, một số cá nhân được giao nhiệm vụ đã móc nối, thông đồng với nhân viên Công ty Việt Á để vay hàng, sử dụng trước rồi hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu sau. Các nghi phạm còn đưa các thông số, kỹ thuật tính năng sản phẩm kit test của Công ty Việt Á vào hồ sơ mời thầu.
Việc làm này đã giúp cho Công ty Việt Á là đơn vị duy nhất dự thầu và được trúng thầu, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước. Sau khi trúng thầu, Công ty Việt Á trích lại % giá trị hàng hóa để chi “hoa hồng” cho các đơn vị. Hành vi của các bị can gây thiệt hại cho ngân sách hơn 9 tỷ đồng.
Liên tục 2 đời giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội "xộ khám", câu hỏi đặt ra- liệu có phải là hình phạt không đủ sức răn đe?
Trả lời câu hỏi trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) đưa ra quan điểm cho rằng, hai vị cựu Giám đốc CDC Hà Nội thực hiện hành vi vi phạm pháp luật không phải là hình phạt không đủ sức răn đe mà nguyên nhân từ sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống cá nhân và còn có những khe hở trong công tác quản lý kinh tế, trong hoạt động đấu thầu thời gian qua.
Theo luật sư, mức án 10 năm tù mà TAND TP Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội dành cho ông Nguyễn Nhật Cảm là phù hợp, không nhẹ. Việc áp dụng hình phạt đối với bị cáo để răn đe cảnh tỉnh đối với những người khác chỉ là một trong những giải pháp trong công tác phòng ngừa.
Để phòng ngừa tội phạm hiệu quả, phải thực hiện bằng nhiều giải pháp khác nhau chứ không chỉ bằng hình phạt.
Theo luật sư, nếu biết mình có thể bị phát hiện, bị xử lý thì dù chỉ bị kỷ luật buộc thôi việc, đó cũng là cái giá phải trả rất chua chát đối với những cán bộ sai phạm. Còn nếu bị "bỏ tù", đó là quãng đời tăm tối nhất, khổ ải nhất, xấu hổ nhất, dù chỉ một ngày tù...
Vì đâu nên nỗi?
Luật sư Đặng Văn Cường cho hay, cả hai cựu giám đốc CDC Hà Nội đều là người có chức vụ quyền hạn cao trong ngành y tế ở Hà Nội, có uy tín về chuyên môn, có học hàm, học vị.... Đây là điều rất đáng tiếc.
“Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, hành vi vi phạm không phải do thiếu hiểu biết pháp luật, cũng không phải do chế tài không đủ sức răn đe.
Hành vi vi phạm của người sau không phải do người ngồi tù trước đó bị xử nhẹ, mà do suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, vì lợi ích vật chất, vì quyền lợi cá nhân mà thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Và người phạm tội cho rằng sẽ che giấu được hành vi vi phạm, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật”, lời ông Đặng Văn Cường.
Vẫn theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng là nhiệm vụ khó khăn và phức tạp ở các quốc gia chậm phát triển và đang phát triển.
Với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, cơ chế quản lý kinh tế còn lỏng lẻo, thậm chí yếu kém, quá trình hội nhập, đổi mới xuất hiện nhiều mặt trái của xã hội, công tác cán bộ còn nhiều tồn tại khiến cho nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nhiều quốc gia đang gặp khó khăn, trong đó có Việt Nam.
Về mặt lý luận, tham nhũng là phạm trù lịch sử, nó gắn với sự ra đời của nhà nước và pháp luật; tồn tại gắn liền với sự tồn tại và phát triển của nhà nước.
Còn về mặt pháp lý, tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật, người thực hiện hành vi sẽ phải chịu những chế tài của pháp luật. Việc đấu tranh với tội phạm nói chung, đấu tranh với tội phạm về tham nhũng nói riêng là một quá trình lâu dài, cam go và phức tạp.
Hành vi tham nhũng có thể là do thiếu thốn, do khó khăn. Cũng có thể do bị tác động, ảnh hưởng khiến tư tưởng đạo đức suy thoái, vi phạm đạo đức công vụ vì vụ lợi.
Hành vi tham nhũng cũng xuất phát từ lòng tham của con người, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể, lợi ích nhà nước, lợi ích cộng đồng.
Tham nhũng cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân yếu kém trong công tác quản lý dẫn đến tạo những thời cơ điều kiện, làm nảy lòng tham của người có chức vụ quyền hạn.
Hành vi tham nhũng xảy ra đôi khi cũng vì việc giấu tài sản tham nhũng quá dễ dàng, khó phát hiện, khó xử lý...