Kỳ 1: Nước biển thờ con
Trong những ngày tưởng niệm 64 liệt sĩ Gạc Ma bị quân Trung Quốc thảm sát tại đảo Gạc Ma chúng tôi về "đất lửa” Quảng Trị để tìm gặp mẹ Hoàng Thị Giỏ (87 tuổi) mẹ của liệt sĩ Tống Sĩ Bái và mẹ Nguyễn Thị Hẵng (71 tuổi) mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông. Đã nhiều năm nay hai mẹ gạt nước mắt dùng chai nước biển được một đơn vị lấy ở vùng biển Trường Sa về tặng để thờ con.
Đã 28 năm trôi qua, nỗi đau về sự hi sinh của người con trai út Tống Sĩ Bái vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của mẹ Giỏ. Mẹ Giỏ cho biết: “Nhà tui có hai người đi bộ đội rồi, hắn là út, chưa đến tuổi nhưng hắn xung phong đi chứ không phải Nhà nước gọi mới đi”.
|
Mẹ Giỏ ôm chai nước biển trước bàn thờ liệt sĩ Tống Sĩ Bái. |
“Mạ để cho con đi. Không sao cả, ra đi rồi con sẽ về! Mạ để cho con đi, có chết con cũng đi. Tui có khuyên hắn nhưng hắn nói, thôi để con đi hết nghĩa vụ rồi về. Nào ngờ hắn đi rồi đi thẳng luôn không bao giờ quay lại nữa”, mẹ Giỏ nói trong nước mắt.
Nước biển thờ con
Ngày nghe tin trên đài phát thanh đứa con út của mình hi sinh ở Gạc Ma trước họng súng vô nhân đạo của quân Trung Quốc mẹ Giỏ đã khóc ngất.
“Tui nghe tin trên đài, khi nói đến trận chiến trên đảo Gạc Ma, khi nghe trong danh sách những chiến sĩ hi sinh có đọc tên Đồng Sĩ Bái tôi mê man bất tỉnh, tưởng chừng đã chết khi nhận hung tin”, mẹ Giỏ nói.
Anh Tống Sĩ Kỳ - anh ruột của liệt sĩ Tống Sĩ Bái chia sẻ: “Lúc thằng Bái mới đi có ai ngờ cơ sự ra rứa bởi khi ấy hòa bình lập lại trên đất nước ta rùi. Có ai ngờ thằng Trung Quốc nó chơi rứa ngoài đảo xa”.
Từ ngày đứa con út hi sinh, thân xác vẫn còn nằm nơi vùng biển Gạc Ma, cứ mỗi lần nghe ai nhắc đến địa danh này mẹ Giỏ lại khóc. Cứ mỗi lần nhớ con mẹ lại lấy chai nước biển do một đơn vị lấy ở vùng biển Trường Sa ra để ôm. Mẹ ôm chai nước biển chặt như ôm đứa con mẹ đứt ruột đẻ ra.
Mẹ Giỏ nói: “Tui không trách ai hết, bổn phận hắn thì hắn đi. Chết trên khô còn được đằng này con tôi chết dưới nước trời lạnh lẽo này làm sao chịu được, tôi thương hắn lắm”.
Giống như mẹ Giỏ, mẹ Nguyễn Thị Hằng, mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông cũng từ nhiều năm nay dùng chai nước biển do một số nhà báo lấy ở Trường Sa về tặng để thờ con.
“Tôi xem chai chứa nước biển mà máu con tôi hòa quyện năm xưa cho Tổ quốc, như linh hồn con mình được lưu giữ vào trong đó, ngày đêm tôi lưu giữ và thờ như đứa con mình”, mẹ Hằng bày tỏ.
Trong tâm trí mẹ Hằng vẫn còn in đậm câu nói của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông trước khi anh lên đường nhập ngũ: “Con đi ra làm nhiệm vụ giữ nước, giữ đảo bảo vệ Tổ quốc. Khi trở về sẽ báo đáp công ơn cha mẹ".
"Ngày ở trong quân ngũ, trong thư gửi về nó vẫn không quên dặn những người em ở nhà rằng: “ Tau đi bảo vệ quê nhà, mấy em ở nhà có hiếu, trung với cha mẹ đừng để ba mẹ buồn”, mẹ Hằng nhớ lại.
Tất cả các mẹ có con hi sinh trong trận Gạc Ma đều mong muốn tìm được hài cốt của con mình để để tiện bề chăm nom, thờ cúng. “Tui giờ cũng già rồi mong rằng sớm tìm được hài cốt của con tôi, để đưa về chôn cất gần với gia đình, không phải lập mộ gió như bây giờ” mẹ Giỏ khóc nghẹn chia sẻ.
28 năm mặc áo lính của con trai
Suốt 28 năm qua kể từ ngày người con út hy sinh tại Gạc Ma, đi đâu mẹ cũng mặc tấm áo lính Hải Quân là di vật của con để thể hiện sự hào và nhớ thương con.
Người mẹ mà chúng tôi muốn nhắc tới ở đây là mẹ Lê Thị Muộn (hiện đang sống tại đường Hàn Thuyên, phường Hòa Cương Bắc, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng), có con trai là liệt sĩ Phan Văn Sự hi sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma.
Bước sang tuổi 84, cái tuổi được ví như ngọn đèn dầu trước gió, mẹ Muộn đã nhiều lúc nhớ nhớ quên quên những câu chuyện nhỏ nhặt hằng ngày. Duy chỉ có những ký ức về người con trai đã anh dũng hi sinh trong trận hải chiến Trường Sa thì vẫn hằn nguyên trong tâm trí của mẹ.
Mẹ cho biết, bàn thờ của liệt sĩ Phan Văn Sự hiện đang đặt ở ngôi nhà trên đường Hưng Hóa 3 (quận Hải Châu). Còn mẹ đã vài năm nay, do tuổi cao sức yếu nên về sống cùng gia đình người con gái để tiện bề chăm sóc.
Theo lời mẹ Muộn, mẹ có tổng cộng 8 người con, liệt sĩ Phan Văn Sự là con trai áp út trong nhà. Anh đăng ký đi xây dựng ngoài đảo Gạc Ma khi chỉ vừa 20 tuổi. Từ đó đến nay, người mẹ già vẫn khắc khoải chờ con trong đớn đau. Những câu chuyện về anh, đến bây giờ mẹ vẫn kể trong nước mắt.
“Năm 1987, Sự đăng ký đi bộ đội rồi lên đường nhập ngũ, gia đình tôi cũng một lòng ủng hộ. Sau 6 tháng quân trường, đến Tết nguyên đán năm 1988 Sự được về thăm nhà và thông báo sẽ xung phong cùng anh em đi xây dựng ngoài đảo Gạc Ma.
Lúc đó ba nó đang đau nặng phải nhập viện để mổ nên đơn vị phân công Sự ở lại đất liền để trông coi đồ đạc, nhưng nó đâu có chịu, vẫn một mực xin đi. Nó cứ nói với tôi: “Anh em đi hết, con ở lại sao đành. Con ra đó hoàn thành nhiệm vụ rồi sẽ về nhanh thôi, mẹ đừng lo”, mẹ Muộn bùi ngùi nhớ lại.
Ngày đó, mẹ đâu có ngờ rằng, anh Sự chỉ vừa lên đường được 2 ngày thì ở nhà đã nhận tin dữ. Buổi sáng ngày 13/04/1988, mẹ Muộn đang ở trong bệnh viện làm thủ tục xuất viện cho chồng thì bỗng nghe được bản tin phát ra từ chiếc loa phóng thanh của bệnh viện với nội dung: 3 tàu hải quân của Việt Nam ở khu vực đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao đều bị hải quân Trung Quốc bắn phá, toàn bộ 64 chiến sĩ hi sinh, trong đó 61 người mất tích do tàu chìm.
Mẹ nghẹn giọng: “Tôi nghe tin như sét đánh ngang tai, rồi ngất xỉu tại chỗ. Ông nhà đang chuẩn bị xuất viện vì nghe tin sốc mà đột ngột vỡ mạch máu toàn thân, người ta đưa đến phòng cấp cứu thì ông cũng ra đi”.
Mất con, mất chồng trong cùng một ngày, mẹ Muộn như người mất hồn, hoang mang, thẫn thờ. Chị Phan Thị Lựu (con gái thứ 3 của mẹ Muộn) kể lại, lúc đó cả gia đình rơi vào khủng hoảng, đau đớn vô cùng. Nhưng rồi mấy chị em động viên nhau gạt nước mắt để lo chu toàn mọi việc.
Hồi đó, Lữ đoàn Hải quân mang đến nhà mẹ một tấm áo quân phục Hải quân, nói rằng là kỷ vật cuối cùng của liệt sĩ Phan Văn Sự để lại. Mẹ quý lắm, luôn giữ khư khư bên người.
Rồi tự tay mẹ tháo từng đường chỉ ra, may lại thành tấm áo bà ba, đi đâu cũng mặc để nhớ con, để tự hào về con. Phần yếm của tấm áo thừa ra, mẹ xếp cẩn thận để trên gối, đêm nào mẹ cũng phải gối lên đó thì mới ngủ yên giấc.
Mẹ khoe: “Nhiều người khen tôi mấy chục năm rồi mà còn giữ tấm áo trắng tinh. Tôi nói răng không giữ cho được, đây là áo của con trai tôi đã hi sinh trong để bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa mà”.
Cứ đến ngày giỗ hai cha con liệt sĩ Phan Văn Sự, mẹ Muộn lại lặn lội đến thăm ngôi mộ gió của anh ở nghĩa trang TP. Đà Nẵng. Gần 30 năm nay, mẹ vẫn thường xuyên lui tới đây quét dọn, khói hương, rồi ngồi lắng lại nhìn di ảnh của con cho vơi đi phần nào nỗi nhớ.
Còn tiếp...
Mời quý độc giả xem video: