Ngày 22/6, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Nẵng cho biết đang tạm giữ hình sự nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua đấu tranh, bước đầu các đối tượng khai nhận từ tháng 10/2022 đến nay, bằng thủ đoạn trên đã lừa hơn 500 bị hại trên cả nước, chiếm đoạt gần 5 tỷ đồng. Tất cả số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng sử dụng vào mục đích chơi game trên mạng và mua bán Bitcoin để rửa tiền.
|
Các đối tượng tại cơ quan Công an. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hiện nay tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản có chiều hướng gia tăng cả về số lượng, tính chất cũng như quy mô của sự việc.
|
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Hùng cho biết thêm, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội cũng không còn là cá nhân đơn lẻ nữa mà được phối hợp tổ chức chặt chẽ, tinh vi cùng nhau thực hiện hành vi phạm tội. Phương thức, thủ đoạn phạm tội cũng ngày càng đa dạng, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau gây khó khăn cho công tác điều tra xử lý. Hình thức các đối tượng thường sử dụng là hack vào tài khoản mạng xã hội của người khác để từng bước thực hiện thủ đoạn lừa đảo.
Các đối tượng thường xâm nhập vào tài khoản Facebook Có rất nhiều phương thức để hack vào tài khoản người dùng khác, có thể sử dụng công nghệ cao, kỹ năng phầm mềm máy tính hoặc lừa nạn nhân click vào đường link độc. Sau khi chiếm dụng được tài khoản, các đối tượng sẽ kiểm tra tin nhắn, trạng thái hoạt động trước đó và giả danh chính nạn nhân để đưa ra các tình huống cấp bách nhằm mượn tiền người thân, bạn bè của nạn nhân. Sau khi các nạn nhân bị lừa, số tiền sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của các đối tượng. Mặc dù, đây không phải là chiêu trò lừa đảo mới xuất hiện, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã mắc phải bẫy này.
Đa số, với trường hợp này hay các vụ tương tự khác, đối tượng vi phạm thường là những thanh niên không có công việc ổn định, sử dụng tiền chiếm đoạt của người khác vào mục đích chơi bời hoặc mua bán khác để rửa tiền. Đối với hành vi nêu trên, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo có thể bị phạt vi phạm hành chính theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đối với tổ chức thì mức phạt tiền sẽ gấp đôi.
Theo luật sư Hùng, thậm chí, trong trường hợp này việc thực hiện hành vi có tổ chức nên nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cưỡng đoạt tài sản hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 170, Điều 174 Bộ luật Hình sự áp dụng khung hình phạt tăng nặng là hành vi có tổ chức với hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến mức phạt cao nhất là chung thân.
Chúng tôi lưu ý rằng, với các thủ đoạn lừa đảo trên mạng rất tinh vi, khó xác định đối tượng vì vậy tất cả người dân cần đề cao cảnh giác, không chuyển tiền cho tài khoản ngân hàng có thông tin lạ hoặc chưa được xác minh tính chính xác của vụ việc. Nếu nhận thấy có dấu hiệu hoặc đã bị lửa đảo, nạn nhân cần nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an nơi xảy ra sự việc nhằm kịp thời ngăn chặn.
>>> Xem thêm video: Cuộc sống của “tiểu thư lừa đảo” nổi tiếng toàn cầu sau khi ra tù