Hà Tĩnh: Vì sao bị hại vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại thị xã Kỳ Anh cầu cứu?

Google News

Một bị hại trong vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa có đơn cầu cứu trước khi phiên phúc thẩm diễn ra.

Mới đây, bà Hoàng Thị Tâm (39 tuổi, trú tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) – bị hại trong vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại thị xã Kỳ Anh đã có đơn gửi đến cơ quan báo chí để cầu cứu, đề nghị xem xét lại về một số vấn đề của vụ án.
Ha Tinh: Vi sao bi hai vu an “Lua dao chiem doat tai san” tai thi xa Ky Anh cau cuu?
Hai bị cáo tại phiên sơ thẩm. (Ảnh: BVPL) 
Trước đó tại phiên xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã tuyên phạt bị cáo Phạm Tiến Dũng (SN 1986, ở phố Hàng Lợi, phường Hưng Trí, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) mức án 8 năm tù và Phan Thị Hồng Ngọc (SN 1993, ở thôn Trung Đức, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) mức án 6 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, sau khi tòa sơ thẩm tuyên án, ngày 5/6/2021, bị hại Hoàng Thị Tâm kháng cáo toàn bộ án sơ thẩm. Bị cáo Phạm Tiến Dũng và Phan Thị Hồng Ngọc cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Theo cáo trạng số 21 ngày 25/3/2021, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2017 đến tháng 9/2018, Phạm Tiến Dũng (SN 1986) và Phan Thị Hồng Ngọc (SN 1993), trú tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã sử dụng zalo “Đức Nghĩa”, giả danh người khác để kết bạn, nhắn tin, gọi điện và đưa ra các thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản của bà Hoàng Thị Tâm (trú tại phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh).
Tin tưởng thông tin Phạm Tiến Dũng và Phan Thị Hồng Ngọc đưa ra là thật, nên bà Hoàng Thị Tâm đã nhiều lần chuyển tiền, tài sản cho Ngọc với tổng giá trị là 391,5 triệu đồng (gồm 370 triệu đồng tiền mặt và 1 chiếc điện thoại di động Iphone8 Plus trị giá hơn 21,5 triệu đồng). Số tiền chiếm đoạt của bà Tâm, Phạm Tiến Dũng và Phan Thị Hồng Ngọc đã sử dụng để trả nợ và chi tiêu cá nhân hết.
Tuy nhiên, trong đơn cầu cứu gửi đến các cơ quan báo chí, bà Tâm biết không đồng tình với kết luận điều tra và cáo trạng của Viện Kiểm sát.
Theo kết luận điều tra và cáo trạng, Phan Thị Hồng Ngọc và Phạm Tiến Dũng lừa của bà Tâm 391.520.000 đồng trong đó có số tiền mặt 370 triệu đồng và một chiếc điện thoại trị giá 21.520.000 đồng và chưa xác định được ai là người chủ mưu, người giữ vai trò chính.
Bà Tâm cho rằng, chỉ cần xem xét cẩn thận biên bản đối chất giữa hai bị cáo thì sẽ xác định được rõ ràng ai là người chủ mưu. Cũng theo bà Tâm, số tiền bà bị 2 bị cáo trên lừa đảo là hơn 1 tỷ đồng chứ không phải chỉ dưới 400 triệu đồng. Bà Tâm nói rằng trong nhiều biên bản và bút lục của Dũng và Ngọc đều thể hiện điều này.
Cụ thể là tại biên bản lấy lời khai ngày 12/11/2020 (bút lục 1419),bị can Phạm Thị Hồng Ngọc đã khai tổng số tiền mà Ngọc và Dũng lừa của chị Tâm là 700.000.000 đồng (bảy trăm triệu đồng). Tuy nhiên các lời khai sau đó của hai bị can này đều khác biệt với lời khai ban đầu và số tiền lừa đảo đã bị rút xuống theo thời gian từ hơn 1 tỷ đồng xuống mức hơn 700 triệu đồng và mức cuối được xác định là 391.520.000 đồng.
Bà Tâm cũng cho biết, ngày 10/11/2021, bà đã có buổi làm việc tại Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại buổi làm việc này, bà Tâm yêu cầu điều tra lại về hành vi của các bị cáo, xem xét làm rõ số lần phạm tội, thời gian phạm tội, số tiền phạm tội, vai trò của các bị cáo trong vụ án. Tuy nhiên, theo bà Tâm, từ đó đến nay, không một cơ quan pháp luật nào vào cuộc điều tra và làm việc với bị hại.
Dư luận rất mong các cơ quan tố tụng tiến hành xét xử phiên phúc thẩm vụ án này một cách nghiêm minh, đúng người đúng tội, thể hiện được sự tôn nghiêm của pháp luật. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt đối tượng truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Nguồn: Truyền hình Hà Giang.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)