Chiều 22/8, Đoàn Giám sát của Quốc hội đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự và phát biểu tại buổi làm việc.
Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội cho biết, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2021, địa phương đã tiết kiệm được gần 41.461 tỷ đồng trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước...
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội và các sở, ngành của TP cũng giải trình cụ thể về các ý kiến được các thành viên Đoàn giám sát đặt ra liên quan đến 58 vấn đề cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá báo cáo của UBND thành phố Hà Nội gửi tới Đoàn giám sát của Quốc hội nghiêm túc, đầy đủ, có ý thức nêu cao tinh thần tiết kiệm, thực hành chống lãng phí không chỉ ở lĩnh vực công mà còn ngay cả lĩnh vực tư.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điểm sáng của thành phố Hà Nội là thực hiện rất tốt, rất nỗ lực Nghị quyết số 18-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19-NQ/TƯ Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Thành phố đã có ban chỉ đạo về vấn đề này, các đơn vị sự nghiệp công tiết kiệm cả về số lượng cán bộ cấp phòng; biên chế sự nghiệp của thành phố chưa dùng hết, nhờ đó, tỷ lệ chi thường xuyên của Hà Nội ở khoảng 49-51% là rất lý tưởng.
Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng cắt giảm định mức, tiêu chuẩn, chế độ, qua đó tiết giảm được nhiều chi phí, từ vệ sinh môi trường, sửa chữa đê điều, chiếu sáng… Thành phố chủ động rà soát thường xuyên dự án treo, dự án chậm tiến độ. Tỷ lệ thu nội địa (chủ yếu từ thực lực nền kinh tế) của Hà Nội lớn.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ những lĩnh vực còn tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và cần tập trung khắc phục trong thời gian tới của Hà Nội.
Theo đó, thành phố cần kiểm đếm diện tích đất nông nghiệp chưa sử dụng, tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép đất nông nghiệp, giải quyết câu chuyện đất dịch vụ, bởi đây là đặc thù của Thủ đô; làm sớm công tác quy hoạch đất đai, tính toán để có dư địa cho phát triển, khai thác tối đa nguồn lực đất đai. Đối với các dự án treo, Chủ tịch Quốc hội lưu ý phải bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
|
Quang cảnh buổi làm việc. |
Về nội dung đất nhà ở xã hội của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cho phép không cần bố trí theo từng dự án, mà có thể bố trí tập trung. Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến, vậy thành phố đánh giá về vấn đề này như thế nào và nên theo từng dự án hay tiếp tục bố trí tập trung nhà ở xã hội? Chủ tịch Quốc hội đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo lại diện tích, số lượng nhà tái định cư chưa sử dụng, diện tích tầng thương mại của khu tái định cư đang bỏ trống và làm rõ vì sao không khai thác được, có vướng mắc gì ở thể chế, chính sách không hay do tổ chức thực hiện.
Giải trình vấn đề được Chủ tịch Quốc hội đặt ra liên quan đến tài sản công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải khẳng định, Hà Nội đã rà soát đầy đủ quỹ nhà tái định cư, nhà ở thương mại, nhưng vướng là ở quỹ nhà chuyên dùng. Những vướng mắc này, TP Hà Nội đã rà soát báo cáo với Bộ Tài chính để có hướng dẫn cụ thể đưa quỹ nhà chuyên dùng vào quản lý, sử dụng có hiệu quả. Với nhà tái định cư, Hà Nội đã thống kê và rà soát, tuy nhiên, cơ chế xác định giá khởi điểm còn vướng mắc khó khăn, nên đang xác định lại nguyên tắc xác định giá khởi điểm…
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm, hiện nay dự án nhà ở xã hội đang được Hà Nội quan tâm theo chương trình phát triển nhà ở và nhu cầu của người dân. Quan điểm của thành phố là nên phát triển nhà ở xã hội theo hướng tập trung thay vì phát triển nhỏ lẻ, và hiện cũng đang đề xuất cơ chế, chính sách theo hướng này.
Liên quan đến câu chuyện nguồn lực đất đai, thành phố Hà Nội đang tiếp tục rà soát các dự án còn chậm, những dự án không đáp ứng yêu cầu, thủ tục pháp lý thì thu hồi và thực hiện đấu thấu, đấu giá, tạo nguồn vốn hỗ trợ lại cho đầu tư công…
|
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nâng cao hiệu quả nguồn lực tài sản công. Hà Nội đang rất nỗ lực làm tốt công việc này; rà soát, đánh giá phân loại từng loại tài sản công, nhất là tài sản đất đai; giám sát toàn bộ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Thành phố chú trọng nâng cao hiệu quả trên ba lĩnh vực: Tài chính, tài sản công (nghiên cứu toàn bộ đơn giá, định mức, trước hết ở lĩnh vực giáo dục); đất đai và các dự án đầu tư công; đẩy mạnh vận hành hệ thống chính quyền, trọng tâm là quản lý đô thị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục hoàn thiện báo cáo, chuẩn hóa số liệu, bổ sung các kiến nghị, đề xuất mang tính cấp bách để huy động hiệu quả nguồn lực của Hà Nội. Thành phố cần bổ sung các đề nghị cụ thể về sửa đổi pháp luật như điều nào, khoản nào nhằm thực hiện hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục làm rõ tiêu chí, tiêu chuẩn phát triển đô thị, phát triển trung tâm văn hóa, trung tâm giáo dục, đào tạo khoa học, bảo đảm quốc phòng an ninh, kết hợp phát triển kinh tế, phấn đấu đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đến năm 2045 Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD như trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đối với những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi, thẩm quyền của UBND thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo khắc phục, tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát, không đợi đến khi có Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này. Đối với các cơ quan thanh tra, kiểm toán tiếp tục chuẩn hóa số liệu, yêu cầu thành phố Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện kết luận của thanh tra, kiểm toán với Đoàn giám sát. Các bộ ngành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao giải quyết những đề xuất của UBND thành phố Hà Nội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hà Nội thu hồi 400 biển quảng cáo ngoài trời để đấu thầu: