Hà Nội đổi 5.000 xe máy cũ lấy mới: Nguy cơ gây “lùm xùm“?

Google News

(Kiến Thức) - Hà Nội đang nghiên cứu đề xuất hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố để cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải. Tuy nhiên, đề xuất trên đang có nguy cơ gây “lùm xùm”.

Hà Nội đang giao các sở ban ngành xem xét nghiên cứu để báo cáo về đề xuất của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) về việc hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố để cải thiện chất lượng không khí, giảm phát thải.
Theo đó, hai nội dung được đề xuất gồm người dân đưa xe đến kiểm tra khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300 nghìn đồng (dự kiến thí điểm 5.000 xe máy). Còn người dân muốn đổi xe máy, dự kiến được hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng...
Dù mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, xem xét, báo cáo, tuy nhiên đề xuất trên đã nhận được nhiều ý kiến từ dư luận, một số ý kiến đánh giá mục tiêu trên là rất tốt nhưng không ít ý kiến băn khoăn khi đề xuất trên đã cho thấy nhiều bất cập.
Ha Noi doi 5.000 xe may cu lay moi: Nguy co gay “lum xum“?
Hà Nội hiện có khoảng có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000. 
Vấn đề dư luận quan tâm trước tiên đến đề xuất này chính là nguồn kinh phí nếu triển khai thực hiện sẽ lấy từ đâu?
Theo thống kê, hiện Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000 và khoảng 60.000 xe có tuổi đời từ 30 năm- 50 năm. Do đó để thực hiện như đề xuất hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng cho người dân muốn đổi xe máy cũ sẽ cần một nguồn kinh phí rất lớn lên tới từ 5.000 tỷ đến 10.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội trình thành phố cho thấy, sẽ có 2 nguồn kinh phí để thực hiện chương trình trên. Cụ thể, Hiệp hội Xe máy Việt Nam chủ động kinh phí đầu tư các thiết bị đo khí thải và lắp đặt tại 8 địa điểm đo kiểm khí thải và 30 trạm đổi xe và Sở TN&MT Hà Nội chủ trì các hoạt động tuyên truyền. Kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước giao cho sở này năm 2020 tại nhiệm vụ: Triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học đến cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố...
Tuy nhiên với số lượng nên đến 2,5 triệu xe máy đã sử dụng quá 18 năm đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn mà hai nguồn kinh phí trên cũng không thể đáp ứng.
Hơn nữa, đối tượng sử dụng xe máy quá 18 năm đa số là người nghèo, thu nhập thấp, với mức hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu đồng/xe, người dân vẫn phải bỏ ra một số tiền lớn để mua xe máy mới với mức dao động từ 18 đến 30 triệu đồng/xe là khó khả thi.
Lo ngại về vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khi trao đổi với báo chí cũng cho rằng: “Nếu chương trình không nghiên cứu thấu đáo, tổ chức thực hiện hợp lý sẽ vô tình làm méo mó mục tiêu cao cả là đo kiểm khí thải để kiểm soát khí thải, thay vào đó vô tình lại làm truyền thông miễn phí cho các doanh nghiệp sản xuất, bán xe máy”.
Vấn đề thứ 2 được dư luận quan tâm, việc hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới dù trước mắt có thể làm giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường tuy nhiên sẽ làm ảnh hưởng đến mục tiêu hạn chế xe máy, tiến tới cấm xe máy vào nội đô mà Hà Nội từng đặt ra?
Cuối năm 2019, Hà Nội từng đưa ra đề xuất xây dựng phương án cấm xe máy theo lộ trình 3 giai đoạn 2019-2025, 2026-2030 và sau năm 2030. Theo đó, đến 2025 sẽ thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần trên nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố tiến tới 2030 cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành.
Phương án hạn chế xe máy sẽ giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông dù cần thêm thời gian, thêm những điều kiện cần và đủ như phát triển hệ thống giao thông công cộng và các phương tiện giao thông khác…
Tuy nhiên, nếu triển khai việc hỗ trợ đổi xe cũ thành xe mới thì sẽ không thể hạn chế được xe máy như chủ trương của Hà Nội đề ra, nếu thực hiện hạn chế xe máy sẽ dẫn đến lãng phí số tiền hỗ trợ và cả số tiền người dân đổi xe mới. Hơn nữa, đổi xe xong rồi xe lại cũ theo thời gian nên chỉ là giải pháp trước mắt chứ không phải giải pháp lâu dài.
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg do Chính phủ ban hành yêu cầu đến thời điểm ngày 1/1/2018 chính thức thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng, bao gồm cả xe mô tô, xe gắn máy. Tuy nhiên đến nay chưa thể thực hiện được do chưa ban hành quy định về niên hạn sử dụng đối với xe máy.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc hỗ trợ đổi xe máy cũ sang xe máy mới cần phải tiếp tục xem xét, nghiên cứu, để có tính khả thi và hiệu quả cao, tránh tình trạng lãng phí số tiền lớn mà lại ảnh hưởng đến những dài pháp lâu dài mà Hà Nội đang hướng đến như chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông nội đô…
>>> Mời độc giả xem thêm video Ùn tắc lịch sử trên đường vành đai 3

Nguồn: VTC 14.


Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)