Hà Nội có nên kích hoạt, lập chốt phòng dịch?

Google News

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội thừa nhận "Hà Nội có nguy cơ dịch bệnh xuất hiện ngoài cộng đồng rất cao, cực kỳ cao, ở mức báo động đỏ”.

Nỗi lo bùng phát dịch bệnh vì dân về quê ăn Tết
Chiều tối 28/1, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn không ghi nhận ca dương tính COVID-19 mới nào ngoài cộng đồng.
Theo TS Nguyễn Khắc Hiền, tại Việt Nam đã ghi nhận 1553 ca mắc COVID-19, 35 ca tử vong. Tại Hà Nội, từ ngày 22/1-28/1 ghi nhận 1 trường hợp mắc mới là người từ nước ngoài về và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Hà Nội đã xác định được 20 trường hợp F1 của trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện sau khi nhập cảnh vào Nhật Bản. Các trường hợp F1 đã được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và tất cả đều âm tính và được cách ly tại Bệnh viện Công an thành phố.
Liên quan đến BN1552 tại Hải Dương và các trường hợp mới, đến thời điểm hiện tại Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp F1 hay người liên quan.
Với BN1553 tại Quảng Ninh, Hà Nội ghi nhận 11 trường hợp F1. Hiện có 10/11 người được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại Bệnh viện Công an thành phố; 1 trường hợp ở huyện Chương Mỹ đang từ Sơn La về.
Ha Noi co nen kich hoat, lap chot phong dich?
Các tổ công tác liên ngành CSGT, TTGT, y tế Hà Nội giám sát tại 30 điểm chốt đường bộ cửa ngõ ra vào Thủ đô và các tuyến đường sắt, đường sông trong đợt dịch COVID-19 tháng 4/2020 
Liên quan đến 2 trường hợp nghi nhiễm tại Hà Nội, trong đó 1 có địa chỉ thường trú tại Kim Lũ - Sóc Sơn, 1 có địa chỉ thường trú tại Tứ Liên - Tây Hồ, ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương đã khẩn trương điều tra khoanh vùng xử lý dịch theo quy định. Tại Sóc Sơn phun khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân, các hộ gia đình xung quanh và các khu vực bệnh nhân đến, tại Tây Hồ phun khử khuẩn tại gia đình bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh.
Với 2 trường hợp nghi nhiễm này, ca bệnh tại Sóc Sơn có 22 trường hợp liên quan, ca bệnh tại Tây Hồ có 12 F1. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, toàn thành phố đang cách ly 43 trường hợp F1.
TS Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc phát hiện các ca bệnh tại Quảng Ninh và Hải Dương cho thấy, tác nhân gây bệnh đã lưu hành và tồn tại trong cộng đồng, dịch hoàn toàn có thể lây lan, bùng phát ra các tỉnh, thành phố khác, trong đó có Hà Nội. Nguyên do dịch bệnh đã xuất hiện ngoài cộng đồng và Tết Nguyên đán gần kề, tâm lý của người dân muốn về quê hương.
“Đề nghị các quận, huyện rà soát tất cả các trường hợp trở về từ ổ dịch ở Quảng Ninh (sân bay Vân Đồn, KS Mường Thanh Luxury), Hải Dương (TP. Chí Linh) kể từ ngày 14/1 đến nay, để tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Khi phát hiện trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phải nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan ngoài cộng đồng”, ông Hiền nói.
Ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, qua rà soát, cơ quan chức năng đã phát hiện 1 trường hợp F1 của ca bệnh 1553. Trường hợp F1 này cư trú tại phường Thành Công, tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 tại hội thảo điện máy miền Bắc.
Ngay sau khi phát hiện trường hợp này, quận Ba Đình phối hợp cùng CDC Hà Nội đưa đi cách ly tập trung, phun khử khuẩn toàn bộ nơi cư trú.
Ngoài ra, ông Chiến còn cho biết, trên địa bàn quận có 20 trường hợp F3, trong đó có 17 học sinh của trường trung học phổ thông Phan Đình Phùng.
“Quận đề nghị ban chỉ đạo thành phố cho học sinh nghỉ học bởi thời gian từ nay đến Tết Nguyên Đán không còn nhiều. Quận đã cho phun khử khuẩn trường Phan Đình Phùng đảm bảo sạch sẽ’, ông Tạ Nam Chiến nói.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Anh Quân - Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm báo cáo về một đám cưới ở thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng, có cô dâu là người thành phố Chí Linh (Hải Dương).
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch; UBND quận, huyện: Nam Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Sóc Sơn, Gia Lâm cũng báo cáo cụ thể về việc triển khai thực hiện phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại cơ quan đơn vị, địa phương với tinh thần quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Hà Nội báo động đỏ
Ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 quốc gia 28/1, ông đã nhận được thông tin Việt Nam đã có địa bàn thứ 3 có dịch ngoài cộng đồng.
“Thành phố Hải Phòng đã bắt đầu có dịch COVID-19 ngoài cộng đồng. Còn Hà Nội có một bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai, sau đó ở trọ tại quận Cầu Giấy. Tình hình hiện nay rất khác so với 1 tuần trước. Hà Nội có nguy cơ dịch bệnh xuất hiện ngoài cộng đồng rất cao, cực kỳ cao, ở mức báo động đỏ”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng phân tích những lý do phải cảnh báo ở mức báo động đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cụ thể là các ca F0 đang xuất hiện rất nhiều ở các tỉnh lân cận thành phố Hà Nội như Quảng Ninh, Hải Dương và Hải Phòng. Ngoài ra, người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam dịp Tết là rất lớn. Người dân thành phố cũng có biểu hiện chủ quan trong phòng chống COVID-19 trong thời điểm này.
Ha Noi co nen kich hoat, lap chot phong dich?-Hinh-2
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo công tác phòng chống dịch vào tối 28/1
Phát biểu tại buổi họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thành phố đã vượt qua 3 đợt dịch. Theo ông Huệ, đợt dịch lần này là thử thách đầu tiên của năm 2021. Tuy nhiên, việc xuất hiện ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh cũng đã nằm trong dự liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống COVID-19. Thành phố Hà Nội cũng đã tính toán đến những trường hợp như vậy.
Do vậy, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, lực lượng chức năng phải phản ứng nhanh nhạy, luôn luôn ở thế chủ động, nhưng không quá hoang mang, lo ngại việc này. “Như thông tin công bố thì tình hình dịch bệnh ở Chí Linh (Hải Dương), Vân Đồn (Quảng Ninh) rất là phức tạp. Như những chuyên gia đã phân tích thì dịch bệnh có nguy cơ lây lan vào Hà Nội là rất lớn”, ông Huệ nói.
Ông Vương Đình Huệ yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 05 về biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, bám sát chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố; thực hiện phòng, chống dịch theo tinh thần "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ, con người tại chỗ, chữa trị tại chỗ). Ngoài ra, các địa phương cần kích hoạt lại ngay các tổ giám sát cộng đồng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc nhập cảnh tại các cửa khẩu; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào việc truy vết, dập dịch; tăng cường tuyên truyền tới người dân việc thực hiện phòng, chống dịch theo thông điệp "5K"; công khai, minh bạch, chia sẻ thông tin để người dân tự đề phòng.
“Chúng ta hoàn toàn tin tưởng có thể làm được việc này”, Bí thư Thành ủy Hà Nội quả quyết.
Ông Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị đặt mức cảnh báo cao hơn so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố; chủ động và sẵn sàng trước mọi tình huống; cập nhật thông tin liên tục; chủ động giám sát; lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp đi từ Chí Linh (Hải Dương) về từ ngày 14/1 trong thời gian 3 ngày.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu Sở Y tế liên lạc thường xuyên với Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và các cơ sở y tế địa phương để có phản ứng kịp thời trong công tác phòng, chống dịch.

 


Hiểu Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)