Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch cao hơn, tính đến phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà. Đó là những giải pháp Hà Nội đặt ra trong bối cảnh thành phố nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi ghi nhận nhiều ổ dịch mới, nhiều trường hợp không rõ nguồn lây, không triệu chứng…
Cách ly F1 tại nhà… vẫn còn nhiều ý kiến lo lắng
Phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà được Hà Nội tính đến kèm với những bước đi phù hợp điều kiện thực tế của thành phố, nhưng phải đảm bảo điều kiện về nhà ở, phòng cách ly, người cách ly phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch, không di chuyển trong cộng đồng làm lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhiều người dân, phụ huynh học sinh khi cho ý kiến về việc này vẫn bày tỏ lo lắng, đề nghị thành phố cần cân nhắc.
|
Ảnh minh họa. |
“Thành phố hiện có nhiều người dân sống ở chung cư, đa số nhà nào cũng diện tích nhỏ trong khi lại đông người. Nếu cách ly F1 tại nhà sẽ rất khó để có không gian riêng để cách ly. Tôi cho rằng, việc cách ly F1 tại nhà với điều kiện như vậy, nguy hiểm hơn là có lợi” - chị Quyên Nguyễn ở B6 - Thanh Xuân Bắc chia sẻ.
Điều khiến chị Quyên lo lắng nữa là nhà chị có con nhỏ, đang là học sinh và chưa được tiêm phủ vắc xin ngừa COVID-19.
“Người lớn đã được tiêm rồi còn đỡ nhưng hiện nay các cháu bé chưa đủ điều kiện để tiêm vắc xin nên chúng tôi rất lo ngại trường hợp mình là F1 phải cách ly tại nhà. Con trẻ quấn bố mẹ, muốn tránh cũng khó, không may lây nhiễm thì rất nguy hiểm cho các con. Thực tế thời gian qua, nhiều địa phương đã có nhiều ổ dịch liên quan đến các học sinh nên người dân chúng tôi rất lo ngại. Nếu thành phố có điều kiện, tôi vẫn muốn F1 cách ly tập trung hơn” - chị Quyên Nguyễn nói.
Chị Giang Hằng (Gia Lâm, Hà Nội) một phụ huynh cho biết, dù biết rằng việc cách ly các F1 tại nhà sẽ đỡ tốn kém chi phí cho nhà nước, tinh thần người bị cách ly thoải mái hơn nhưng hiện nay, ý thức nhiều người dân chưa cao. Nếu cách ly tại nhà mà họ không tuân thủ nghiêm các quy định, đi lại trong nhà sẽ rất khó kiểm soát.
“Nếu F1 cách ly tại nhà mà ý thức kém, đi lại trong khi diện tích nhà không lớn, khi họ thành F0 sẽ tạo ra sự lây nhiễm cho những người trong gia đình. Do đó, Hà Nội phải tính kỹ nếu phù hợp thì mới để cách ly tại nhà. Trong trường hợp Hà Nội vẫn còn nhiều diện tích để khu biệt cách ly thì vẫn nên cách ly tập trung” - chị Hằng nêu ý kiến.
Một tổ trưởng tổ dân phố khi nêu ý kiến cũng bày tỏ lo ngại nếu F1 cách ly tại nhà ý thức không cao. “Nếu F1 thành F0 mà lây nhiễm trong gia đình sẽ biến thành lây nhiễm cộng đồng ngay tại khu sinh sống” - người này cho biết.
Cần trên cơ sở tự nguyện
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, PGS. TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, cách ly F1 tại nhà phải trên cơ sở tự nguyện của người dân.
“Hà Nội hiện vẫn có chỗ để người dân cách ly tập trung. Nếu với những hộ dân có diện tích nhỏ, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn khi cách ly tại nhà vẫn nên đưa họ đi cách ly tập trung còn việc F1 cách ly tại nhà phải trên cơ sở tự nguyện” - PGS. TS Nguyễn Huy Nga nêu ý kiến.
Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, hiện số cơ sở cách ly tập trung của Hà Nội vẫn chứa được 60.000-70.000 ca F1. Bên cạnh đó, Thủ đô có đặc thù đất chật người đông, không bảo đảm an toàn khi cách ly tại nhà. Do đó, chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng, thành phố mới tính đến phương án cách ly F1 và điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, phương châm của thành phố là F1 ở quận, huyện, thị xã nào, thì cách ly tập trung trên địa bàn của quận, huyện, thị xã đó. Thành phố cũng đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là “cánh tay nối dài” của các bệnh viện để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng.
Báo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 11/10 đến 12/11, thành phố ghi nhận 1.596 ca mắc (trung bình 53,2 ca/ngày), trong đó có 553 ca tại cộng đồng (chiếm tỷ lệ 34,6%), 795 ca tại khu cách ly (chiếm tỷ lệ 49,7%), 227 ca tại khu phong tỏa (chiếm 14,2%), 21 ca nhập cảnh (chiếm 1,5%). Đặc biệt, từ ngày 28/10 đến 12/11, số ca mắc tăng cao, trung bình từ 30 đến 50 ca/ngày lên đến 100-160 ca/ngày. Thậm chí, ngày 9/11, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó 105 ca ngoài cộng đồng.
Những con số trên cho thấy, dù thời gian qua, Hà Nội nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ nên tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì là địa bàn rộng, giao thương đông, có thể xuất hiện các ca bệnh mới bất cứ lúc nào do mầm bệnh có thể còn tồn tại ngoài cộng đồng và nguy cơ cao dịch xâm nhập từ bên ngoài.
Thực tế, một số trường hợp đi về từ vùng dịch nhưng không tự giác khai báo, không thực hiện nghiêm quy định cách ly tại nhà nên đã làm lây lan dịch bệnh, tạo thành những chùm lây nhiễm phức tạp. Đặc biệt, những ngày gần đây, thành phố ghi nhận nhiều ổ dịch mới, nhiều trường hợp không rõ nguồn lây, không triệu chứng… Việc thành phố "mở cửa" để phát triển kinh tế - xã hội sẽ xác định và đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh. Trong những ngày tới, có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới bởi nhiều người bệnh có lịch trình di chuyển nhiều nơi, phức tạp không xác định hết được nguồn lây.
Trước thực tế trên, Hà Nội sẽ xây dựng kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 cao hơn so với kịch bản hiện nay, đồng thời tính đến phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà với những bước đi phù hợp điều kiện thực tế của thành phố, nhưng phải đảm bảo điều kiện về nhà ở, phòng cách ly, người cách ly phải thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch, không di chuyển trong cộng đồng làm lây lan dịch bệnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Chế độ dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai trong dịch Covid-19