Kiếp người bất hạnh
Trong một buổi chiều mưa như trút giữa Sài thành, một người phụ nữ đen đúa, gầy còm tìm đến Hội Bảo vệ Quyền trẻ em để nhờ giúp đỡ, những mong làm sáng tỏ uẩn khúc trong cái chết của đứa con trai xấu số của chị hôm 16/5 tại một nhà trẻ tự phát.
Người phụ nữ đó là chị Nguyễn Thị Thúy (SN 1983, quê ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), chị nói mình không biết chữ, lại quá nghèo nên chẳng biết làm sao, đành tìm đến đây để cậy nhờ. Phải mất một lúc lâu, sau khi được mọi người động viên, an ủi, chị Thúy mới bình tâm lại để kể về câu chuyện của mình.
|
Cái chết quá đột ngột của đứa con bất hạnh khiến chị Thúy suy sụp |
Chị Thúy sinh con khi đang trong tình trạng chưa kết hôn. Lúc cần khai sinh cho con cũng là lúc ba đứa trẻ tỏ thái độ lửng lơ, né tránh. Cực chẳng đã, chị đành đặt tạm cho con cái tên “Xù” để gọi ở nhà trong lúc chưa đăng ký khai sinh.
“Khi thằng Xù được khoảng 9 tháng thì anh ấy đi hẳn. Dăm bảy tháng mới về cho con vài trăm ngàn đồng rồi lại đi. Khoảng hơn 1 năm nay thì anh ấy không về nữa. Hận cái số kiếp bọt bèo, nhiều lúc tui muốn chết quách cho xong nhưng vì thương con còn quá nhỏ nên tui đành gắng gượng đi làm phụ hồ khắp nơi để nuôi cháu...”, chị Thúy tâm sự.
Cái chết nhiều uẩn khúc?
Đến khi bé Xù được khoảng 1 tuổi thì chị Thúy gửi con cho gia đình bà Phạm Thị Liên (SN 1969, ở ấp 2 xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) trông với thù lao 1,5 triệu đồng/tháng để còn đi làm phụ hồ kiếm tiền nuôi con. Suốt 2 năm trời, chị Thúy nhiều khi phải đi công trình ở xa không về được nên việc chăm nom bé Xù đều trông cậy vào gia đình bà Liên.
Trong quá trình gửi con, thi thoảng bà Liên gọi điện cho chị nói rằng cháu Xù bị ho, sốt. “Mỗi khi nghe bà Liên báo như vậy là tui chạy về ngay. Bà Liên tốt lắm, còn cho tôi mấy liều thuốc nói mang về cho Xù uống và cũng không lấy tiền vì biết tui quá khó khăn...”, chị Thúy kể lại.
“Đợt vừa rồi tôi đi làm xa nên 2 tuần chưa được gặp con nên nhớ lắm. Hôm đó là chiều chủ nhật 15/5/2016, tui về nhà trọ ở xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), trong người chỉ có 1 triệu đồng, trả tiền nhà trọ hết 550.000 rồi. Tui định bụng qua bà Sáu (tên thường gọi của bà Liên) rước cháu về, nhưng vì không có tiền để trả tiền trông con cho bà ấy nên đành thôi”, người mẹ kể.
Chị Thúy hỏi thăm thì bà Sáu nói cháu Xù vẫn khỏe, chị Thúy định vào gặp con một chút nhưng bà Sáu nói nó ngủ rồi. “Lúc đó không hiểu sao tui lại khóc rất nhiều, khóc gần 2 tiếng đồng hồ mới thôi. Dù vậy tui vẫn không dám qua rước con về vì sợ bà ấy đòi tiền nợ, cả nợ mới nợ cũ là 2,3 triệu đồng. Tui cũng định bụng chiều hôm sau lên chỗ làm xin chủ thầu ứng thêm ít tiền xặng về đưa cho bà Sáu và thăm con luôn. Nhưng không ngờ sáng hôm sau thì tui nghe tin thằng Xù đã chết...”, nói đến đây chị Thúy khóc nghẹn.
Khoảng 9h sáng hôm 16/5, chị Thúy đang ở phòng trọ thì bất ngờ nhận được điện thoại của bà Liên báo tin “sét đánh”, đó là cháu Xù đã chết ở bệnh viện. Không tin vào tai mình, chị vội chạy tới tới Bệnh viện Triều An thì thấy con đã chết. Lúc đó chị đau đớn đến ngất lịm...
Đến khi tỉnh lại, chị như người mất hồn chẳng biết phải làm gì, chị gọi điện cho “chồng hờ” báo tin thì anh ta không nghe máy. Vì không biết chữ, chị phải nhờ người nhắn tin báo cho anh ta biết nhưng cũng chẳng thấy hồi âm. Đến lúc này, chị đành lặng lẽ đưa thi thể con về quê ngoại ở Kiên Giang để mai táng.
Nỗi ân hận cả đời
Chị Thúy tâm sự: “Tui thương thằng Xù quá chừng, thằng bé thích ăn bánh bao, mỗi lần có người bán bánh bao đi qua là nó đòi, nhưng tui chẳng có đồng nào để mua cho con ăn cả. Nó từ khi sinh ra đến giờ chẳng có một ngày được hạnh phúc, đến cái tên mà tôi cũng chưa đặt cho nó được mà nó đã bỏ tui mà đi...”. Nghe những lời nói đó của chị, ai ai cũng cảm thấy khóe mắt cay cay.
Đến thời điểm này chị Thúy vẫn chưa biết nguyên nhân cái chết của con trai là như thế nào. Do không biết chữ, chị lại nghe một số người đọc báo xong rồi nói trong lúc bà Liên cho cháu Xù ăn cơm nhưng cháu khóc nên bị bà Liên đánh vào vùng vai gần cổ... Tất cả chỉ làm chị thêm rối trí, chị nghĩ bà Liên là người tốt, và vẫn nhắc đi nhắc lại chuyện bà Liên cho bé Xù thuốc uống mỗi khi bị bệnh mà không lấy tiền vì biết gia cảnh chị khó khăn.
|
Bà Liên, người trông nom Xù |
Theo những gì bà Liên kể lại, Vào khoảng 7h sáng 16/5, bà thức dậy lo chuyện cơm nước. Xong xuôi đâu đó, khi vô nhà gọi Xù dậy thì thấy mặt mày cháu trắng bệch. Hoảng quá, bà vội vàng cõng bé trên vai chạy ra ngoài kêu cứu. Người dân gần đó giúp bà chở cậu đi bệnh viện cấp cứu.
"Công an tiến hành khám nghiệm tử thi đến nay vẫn chưa có kết quả nên giờ tôi cũng chưa biết nguyên nhân vì sao. Tôi thương thằng bé không hết, sao nỡ đánh cháu được”", bà Liên kể lại.
Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, ông Lem (chồng bà Liên) cho biết vợ chồng ông rất thương cháu Xù. “Vì thương thằng bé nên vợ chồng tui mới nhận chăm sóc, chứ công cán có bao nhiêu. Đã hơn 1 tháng rồi toàn gia đình tui chăm thằng bé chứ mẹ nó đi làm xa có về được đâu. Hôm trước lúc mất, cháu có khò khè đôi chút. Sáng hôm sau tôi đi làm thì cháu vẫn còn ngủ. Đến khoảng 9h sáng thì nghe bà chủ trọ nói cháu Xù mất. Tui cũng vội báo công an rồi chạy vào bệnh viện thì cháu đã mất...”, chồng bà Liên cho hay.
|
Căn phòng trọ kiêm nhà trẻ của bà Liên nằm lọt thỏm trong một khu chứa vật liệu xây dựng |
Ông Lem chia sẻ: “Nhiều người đọc thông tin trên mạng rồi cho rằng bé chết là do vợ chồng tôi đánh. Họ gọi điện chửi bới, nói hai vợ chồng độc ác khiến tôi rất tủi hờn. Việc đã lỡ thế, tôi không biết thanh minh sao cho người ta hiểu nên cứ đành chờ công an sớm điều tra sáng tỏ mọi việc”.
Thấy chị Thúy có hoàn cảnh khó khăn nên Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.Hồ Chí Minh đã quyên góp một số tiền để ủng hộ và giúp đỡ chị, đồng thời Hội cũng cử 2 luật sư Nguyễn Sơn Lâm và Trần Thị Ngọc Nữ tham gia giúp chị trong việc này.
(Tên một số nhân vật đã được thay đổi)