Báo Giao thông vừa đăng tải loạt bài “Tiền hỗ trợ COVID-19 “lạc” vào nhà giàu ở Đắk Lắk”, phản ánh việc hàng loạt hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Cư Elang (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) không có tên trong danh sách phê duyệt nhận tiền hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ.
Điều lạ lùng là những hộ có gia cảnh quẫn bách, chạy ăn từng bữa thì lại không có tên, trong khi đó hàng loạt hộ giàu có, ở nhà tiền tỷ vẫn được nhận tiền hỗ trợ.
|
Loạt bài “Tiền hỗ trợ COVID-19 “lạc” vào nhà giàu ở Đắk Lắk” trên Báo Giao thông |
Còn lạ lùng hơn nữa là ngay chính một số hộ giàu có nhận được tiền cũng cảm thấy không công bằng với bà con chòm xóm, những người đang có hoàn cảnh ngặt nghèo và chính họ mới là những người lẽ ra đã phải nhận được tiền.
Khi được hỏi, một số người đã phải thốt lên: “Chính tôi cũng cảm thấy vô lý! Không hiểu sao tôi lại được nhận, còn hộ nghèo thì không!”.
Khi PV gặp những người có trách nhiệm để làm rõ sự việc thì xã đổ cho thôn, thôn lại đổ cho xã. Gõ cửa ngành chức năng ở địa phương, PV cũng chỉ nhận được câu trả lời chung chung là “sẽ cho rà soát, kiểm tra”.
Đến ngày 12/9 vừa qua, Sở Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, sau khi báo chí phản ánh, Sở đã công bố quyết định thành lập tổ công tác, cử đến xã Cư Elang tiến hành kiểm tra, xác minh toàn bộ quy trình thực hiện chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 trên địa bàn xã.
Hiện nay, Sở cũng đã phối hợp với Công an tỉnh để cùng xác minh và làm rõ một số nội dung phản ánh của người dân. Ngoài ra, Sở cũng đang xây dựng kế hoạch để mở rộng kiểm tra việc chi trả tiền hỗ trợ COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh.
Vấn đề đặt ra ở đây là vì sao sau khi báo chí vào cuộc phản ánh thì ngành chức năng của địa phương mới vào cuộc để làm rõ dấu hiệu khuất tất?
Vì sao việc kiểm tra, giám sát không được tiến hành song song với quá trình chi tiền hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 ? Vì sao có sự việc xảy ra ở một xã rồi mới mở rộng việc kiểm tra, rà soát trên toàn tỉnh?
Đối với chính quyền xã, thôn, chẳng lẽ việc ai giàu, ai nghèo, ai có hoàn cảnh túng quẫn, cần phải hỗ trợ trên địa bàn quản lý lại khó phân biệt đến thế? Bởi thế, cơ quan chức năng cần thanh tra, làm rõ có tiêu cực trong việc chi hỗ trợ nhầm đối tượng để trục lợi.
Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của Chính phủ nhằm giúp những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giảm bớt đi phần nào những khó khăn mà họ phải gánh chịu để ổn định cuộc sống.
Ngoài ý nghĩa về kinh tế, gói hỗ trợ này còn mang giá trị nhân văn sâu sắc, thể hiện quan điểm nhất quán của Chính phủ là không một ai bị bỏ lại phía sau.
Ấy vậy nhưng khi chính sách tốt đẹp này đưa xuống cơ sở thì việc triển khai thực hiện lại méo mó bởi sự tắc trách, thờ ơ, vô trách nhiệm của không ít cán bộ được giao trách nhiệm thực thi.
Thay vì tiến hành hỗ trợ với tinh thần đúng đối tượng, khẩn trương, cấp bách tới người dân, ở không ít nơi việc hỗ trợ bị kéo dài, máy móc, thậm chí bị xà xẻo, bất công bằng…, khiến bao người nghèo phải chịu thiệt thòi.
Trải qua hai đợt dịch COVID-19 , cuộc sống của nhiều người dân vốn đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn, thậm chí sắp tới còn chưa biết sẽ thế nào.
Số tiền vài triệu đồng hỗ trợ không phải quá lớn, song nó cũng đủ giúp những gia đình nghèo bớt khốn khó để vượt qua giai đoạn ngặt nghèo này.
Người dân đã quá khổ rồi, đừng để họ thêm mất niềm tin.