Giọt nước mắt người mẹ mù lòa nuôi đứa con gần 50 năm không chịu lớn

Google News

Suốt 3 năm sống trong bóng tối, người mẹ mù lòa 88 tuổi vẫn cố gắng từng ngày để chăm sóc, nuôi nấng đứa con bị điên đã 40 năm.

Đến thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội, không ai không biết đến mẹ con bà Hồ - chị Hồng. Người mẹ mù lòa Nguyễn Thị Hồ nay đã 88 tuổi, mắt không còn nhìn thấy gì sống cùng cô con gái Nguyễn Thị Hồng 48 tuổi bị điên từ những ngày mới lên 8.
Nhà bà Hồ năm phía cuối thôn Đào Nguyên, rất khó tìm. Ấy vậy mà gặp người dân ở đó ai cũng nhiệt tình chỉ đường rồi bảo: “Các cháu đến chơi với bà Hồ à? Bà ý khổ lắm, các cháu có lòng tốt rồi trời sẽ thương”. Thế nhưng ai cũng dặn lại một câu: “Cẩn thận con Hồng điên nó đánh đấy nhé, ai nó cũng đánh”.
Cuộc sống khốn khó của người mẹ mù và đứa con không chịu lớn
Phía trước cửa căn nhà chỉ chừng 15m2 của bà Hồ chất đầy rác, tôi đoán số rác này do chị Hồng nhặt về. Xung quanh, quần áo, rác rưởi treo và vứt lẫn vào nhau, một mùi hôi xộc thẳng vào mũi khiến tôi phải quay ra ngoài.
“Ai đấy?” – tiếng bà Hồ vọng ra từ trong căn nhà tối om. Trời mùa đông rét và nhanh tối, thế nhưng bà không bật điện, bởi ánh sáng hay bóng tối bây giờ chẳng còn quan trọng với bà nữa. Tôi cũng ước giá như bà không bật điện lên thì tôi chẳng phải nhìn thấy sự khốn khó này.
Tất cả mọi thứ giá trị nhất nằm trong căn phòng nhỏ này. Có đến 3 cái nồi cơm điện hỏng, bụi bám đen xì để ở góc nhà, mâm, bát, đũa không còn cái nào sạch. Quần áo mạng nhện giăng kín, phía trong góc trái là một chiếc tủ thờ cũ kỹ, lạnh lẽo. Dường như không thể tìm được một đồ vật nào còn mới trong căn nhà, mọi thứ đều bám bụi và ẩm mốc. Có chăng chỉ còn 2 thứ có vẻ sạch sẽ nhất là chiếc giường của hai mẹ con và chiếc radio cũ.
Giot nuoc mat nguoi me mu loa nuoi dua con gan 50 nam khong chiu lon
Căn nhà nhỏ bé của mẹ con bà Hồ - chị Hồng. 
Từ nhiều năm trước, mắt bà Hồ đã hơi mờ. Thế rồi hơn ba năm trước mắt bà không nhìn thấy gì hẳn, bắt đầu cuộc sống trong bóng tối: ăn trong bóng tối, giặt trong bóng tối, chăm con trong bóng tối và buồn vui cũng trong bóng tối. Mọi thứ dần bị trôi vào quên lãng, chỉ có hình ảnh đứa con là bà không bao giờ quên.
Cả làng này có gọi là con Hồng điên thì với bà - “điên” chỉ là do chị Hồng chưa chịu lớn. Bà vẫn nhớ hình ảnh của cô bé Hồng khi còn nhỏ rất nhanh nhẹn và láu cá, thế nhưng vì một trận ốm vào năm 8 tuổi – bác sĩ kết luận chị bị viêm màng não, não không thể phát triển được nữa, từ đó chân tay cũng teo dần rồi biến dạng.
Ngày nhận được tin dữ bà đau lòng đến tột cùng, khóc hết nước mắt, bởi chị Hồng là kết tinh của tình yêu giữa bà và chồng mình, khóc vì thương đứa con gái bé bỏng, khóc vì sự bất lực của một người mẹ. Dù bệnh tật như vậy nhưng “ngày từ viện trở về, mỗi ngày chuẩn bị đi chợ là tôi nấu cho nó một bát thuốc bắc, uống đủ 70 bát từ đó đến nay nó không đã ốm gì nữa. Chỉ có chứng bệnh đó là vô phương cứu chữa”.
Từ ngày mắc bệnh, chị Hồng như một đứa trẻ chẳng thể kiểm soát được hành động, không nói gì chỉ ậm ừ, khi thì khóc, lúc lại đập phá đồ đạc. Ai trong cái thôn Đào Nguyên này cũng xa lánh, chỉ có người mẹ là ở bên chăm sóc và phục vụ mọi sinh hoạt của chị. Từ nấu cơm đến tắm giặt, lau rửa đều một tay người mẹ.
Bà thở dài khi nhắc đến chồng, người chồng năm 1983 vừa trở về từ chuyến làm ăn kinh tế thì mất vào năm 1984, bỏ lại bà cùng đứa con bệnh tật. Người phụ nữ Nguyễn Thị Hồ khi ấy gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề, thế nhưng từ đó đến nay bà không cho phép mình rơi nước mắt nữa. “Nếu tôi có gục ngã xuống đấy, ai lo cho con Hồng”. Thế nên, dù có khổ cực thế nào bà cũng chấp nhận vượt qua thứ mà bà cho rằng “là cái nghiệp mà ông trời phạt”.
Bà đi chuẩn bị bữa tối cho hai mẹ con, chỉ có vài nắm rau muống nhỏ và bìa đậu. Vừa lần mò nhặt những cọng rau đã toan héo, chậm chạp đặt vào chiếc rổ nhựa đã cũ nát, bà vừa kể: “Ngày xưa còn khỏe tôi cũng đi chợ rau đấy, kiếm chẳng được bao nhiêu nhưng cũng đủ tiền thức ăn cho hai mẹ con. Từ ngày không nhìn thấy gì tôi chỉ ở nhà, giờ mỗi mẹ con có 500.000 tiền hỗ trợ, cộng với tiền nhặt rác của con Hồng”.
Nhặt rau xong, bà nắm 3 nắm gạo vào thổi cơm. Đậu thì được chiên trên chiếc chảo cũ, sắp hỏng. Thế nhưng mọi thứ đều ổn, tôi thắc mắc tại sao bà có thể làm mọi việc khi không nhìn thấy gì, bà chỉ cười bảo quen rồi. Nhưng tôi cho rằng, không phải quen, chỉ có tình thương mà bà dành cho người con gái mãi không chịu lớn kia mới giúp bà hoàn thành mọi việc như vậy.
Giot nuoc mat nguoi me mu loa nuoi dua con gan 50 nam khong chiu lon-Hinh-2
Bà Hồ không cho phép mình được yếu đuối. 
Tiếng kêu của con và giọt nước mắt của mẹ
Chuẩn bị cơm nước xong xuôi, bà úp lồng bàn cẩn thận chờ con gái đi nhặt rác về. Chẳng ngồi nghỉ ngơi phút nào, bà xắn tay áo rút vài bộ quần áo đi giặt: “Vài ngày tôi mới giặt một lần, quần áo của con Hồng bẩn lắm vì nó cứ lang thang rồi lê la suốt ngày”.
Về “công việc” hàng ngày của chị Hồng, đều đặn ngày nào cũng vậy, chị đi nhặt rác sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, chiều từ 2 giờ đến 5 giờ, dù nắng hay mưa, chị chẳng bỏ ngày nào. Thế mà cũng giúp mẹ được vài đồng mua rau, mua dưa.
Những bộ quần áo lấm lem, bẩn mới chồng bẩn cũ, người mẹ sức kém mắt lòa chẳng nhìn thấy gì để giặt sạch cho con, bà cố gắng lần, sờ từng tay áo, cổ áo, gấu áo. Hai mẹ con mỗi người chỉ có vài bộ, quần áo đều là của các đoàn từ thiện cho. Chẳng biết xấu đẹp, chỉ cần không rách, không hở thì đều tốt.
Tiếng khóc từ ngoài ngõ vọng vào càng lúc càng to, tiếng kêu “giời ơi” rất rõ. “Đấy nó lại về rồi đấy, nó biết có người lạ đến nên mới khóc, chẳng nói được gì nhưng kêu “giời ơi” thì rất rõ”. Bà Hồ dặn tôi: “Cứ kệ nó, nó không làm gì đâu, chỉ là nó không thích người lạ thôi.”
Bây giờ tôi mới được nhìn thấy “con điên” mà người làng Đào Nguyên hay nói. Người phụ nữ đã gần 50 tuổi dáng người nhỏ, chân tay teo và biến dạng, mặt mũi chân tay lấm lem, đen đúa. Trên cổ chị quàng một chiếc khăn trắng, đi chân đất và tay vác một chiếc túi cói to. Có vẻ “chiến lợi phẩm” hôm nay nhiều quá, nhét trong túi không hết chị còn ôm ở tay, dáng đi xiêu vẹo.
Giot nuoc mat nguoi me mu loa nuoi dua con gan 50 nam khong chiu lon-Hinh-3
Nguồn thu nhập chính của hai mẹ con dựa vào tiền trợ cấp và tiền nhặt rác của chị Hồng. 
Chị Hồng nhìn tôi bằng ánh mắt đề phòng. Vứt rác xuống đống rác nhặt về mấy ngày trước, chị đá chân để gom thành một đống, miệng lẩm bẩm gì nhưng tôi không nghe rõ. Bà Hồ liền nói to: “ Thế xong chưa để còn ăn cơm?”. Nói xong bà liền men theo bức tường tiến đến chỗ chị Hồng, kéo chị ra phía bể nước để lau mặt, rửa chân tay cho chị.
Tay người mẹ già gầy, nhăn nheo và xanh xao hơn 40 năm đã làm đủ mọi việc để nuôi và chăm sóc con. Những chấm đồi mồi trên tay, trên mặt cứ theo tuổi mà to dần, càng khắc thêm sự khó khăn khổ cực. Đôi bàn tay sắc thuốc cho con, nấu cơm cho con, tắm rửa và giặt giũ thay con. Đáng ra đến tuổi này bà phải được nghỉ ngơi, được con cháu hầu hạ, thế nhưng người mẹ 88 tuổi cứ ngày đêm làm thay công việc của con trẻ.
Bữa cơm của hai mẹ con, bà Hồ ngồi trên giường còn chị Hồng ngồi ngoài cửa cạnh đống rác, không ai được phép động vào đống rác của Hồng – kể cả mẹ Hồ. Đống rác như một tài sản quý giá của chị, bỗng nhận ra mất thứ gì là chị kêu trời, kêu đất, đập phá đồ đạc, không ai ngăn lại được.
“Chiến lợi phẩm” của chị Hồng tập hợp đủ loại, nhưng chủ yếu là các hộp giấy và túi nhựa. Chị nhặt cả những con búp bê cũ, con thì không đầu, con lại không tay không chân. Hàng ngày cứ lang thang khắp xã An Thượng, có lần bị ngã xuống ao, lần thì bị xe đâm vỡ đầu nhưng chẳng có tiền đi viện, mà có đi thì chị cũng đòi về, may sao trời thương cứ về với mẹ Hồ là bệnh lại tự khỏi.
Dù đi đâu, chị Hồng cũng nhớ về nhà với mẹ. Vậy mà cách đây không lâu chị đi đâu biệt tăm biệt tích suốt hàng năm trời để người mẹ già ngày đêm ngóng trông. Bà Hồ khi đó cũng xác định là mất con rồi, bỗng một ngày có người cùng làng đi làm ăn kinh tế mãi trên Lạng Sơn thấy Hồng cũng đang nhặt rác trên đó nên đã đưa Hồng về.
Buổi tối ở thôn Đào Nguyên trầm lắng, yên tĩnh. Trong căn nhà nhỏ của bà Hồ phát ra âm thanh của chiếc radio đã cũ, nghe không còn rõ nhưng lại là “người bạn” không thể thiếu của bà Hồ mỗi lúc con gái vắng nhà. Bà giơ lên tai dò kênh, từ ca nhạc đến thời sự, rồi lại bỏ xuống ôm như báu vật.
Giot nuoc mat nguoi me mu loa nuoi dua con gan 50 nam khong chiu lon-Hinh-4
Điều bà Hồ bận tâm duy nhất bây giờ chính là chị Hồng. 
Phía ngoài sân, chị Hồng ngồi trên “bãi rác”, thích thú với chiến lợi phẩm thu được ngày hôm nay. “Người ta bảo tôi cho con Hồng vào trại từ 4-5 năm trước rồi nhưng tôi sợ vào đó con nhớ mẹ, mẹ nhớ con không ăn không ngủ được thì lại tội”, bà Hồ rơm rớm nước mắt. “Tôi còn sống ngày nào thì nhất quyết nuôi nó ngày đó, sau tôi chết đi rồi cũng chẳng biết ai chăm sóc được cho nó, lúc ấy người ta đem nó đi đâu thì đi”, nói đến đây bà thực sự không kìm được nước mắt. Người mẹ già có lẽ cũng đã mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi nhưng vì thương con bà luôn tự nhủ phải cố gắng đến hơi thở cuối cùng.
Chiếc ra radio chuyển sang bài nhạc mới giúp không gian bớt trầm lắng và ưu phiền hơn, nhưng có lẽ bóng tối đã bao trùm nơi đây quá lâu rồi, đến mức những người sống trong ngôi nhà này chẳng còn dám ước mơ hay nghĩ về tương lai nữa. Sống trong tận cùng của khó khăn khổ cực, con người ta chẳng thiết nghĩ về tương lai nữa, theo bà Hồ: “Được sống thêm một ngày, có mẹ có con là hạnh phúc lắm rồi. Bây giờ tôi làm gì dám ước mơ”.
Giot nuoc mat nguoi me mu loa nuoi dua con gan 50 nam khong chiu lon-Hinh-5
Cái nghèo bủa vây khiến bà Hồ chẳng dám ước mơ hay nghĩ về tương lai 
Chua chát là thế nhưng ai bảo bà không có ước mơ, người phụ nữ đang ngồi nghịch bên đống rác kia chẳng phải là ước mơ, là ánh sáng, là hi vọng của bà đấy ư? Nếu không vì con gái liệu bà có thể cố gắng được đến tận bây giờ không? Và nếu chị Hồng không có tình yêu của mẹ, luôn có một người mẹ, một căn nhà để nhớ về liệu chị còn ở đây hay đã lang thang nơi xứ người, bị ruồng bỏ thậm chí đánh đập?
Dù không nói ra nhưng tôi tin rằng dù bị cái nghèo, cái khổ bủa vây thì người ta vẫn có cho riêng mình những ước mơ, hi vọng, chỉ là không dám nhắc đến, không dám cất thành lời.
Tạm biệt bà Hồ, tạm biệt chị Hồng, nhưng hình ảnh ngồi nhà nhỏ ẩm mốc, những chiếc bát, những bộ quần áo đen đúa, ánh mắt của người mẹ già, tiếng cười ngờ nghệch của người con gái bị điên khiến tôi ám ảnh suốt những ngày sau.
Theo Huyền Trang – Hoa Anh /Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)