Giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước

Google News

(Kiến Thức) - Chiều ngày 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Theo chương trình kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khoá XIV, chiều ngày 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.
Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.
Tờ trình căn cứ điều 74 Hiến pháp, điều 8 Luật Tổ chức Quốc hội, Điều 31 Nội quy kỳ họp Quốc hội và Điểm 4 Nghị quyết 34 năm 2018 của Hội nghị Trung ương 8.
Gioi thieu Tong Bi thu Nguyen Phu Trong de Quoc hoi bau Chu tich nuoc
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Chinhphu.vn
Nhấn mạnh các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành quy trình thủ tục theo đúng quy định về công tác cán bộ, với yêu cầu đặt ra là bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ tờ trình về nhân sự để Quốc hội quyết định đạt kết quả tốt. Nội dung này sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Đoàn.
Theo chương trình, đầu giờ sáng mai ngày 23/10, Quốc hội thảo luận tại đoàn về nhân sự. Cuối buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Chủ tịch nước.
Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử và tiến hành bầu Chủ tịch nước bằng bỏ phiếu kín. Kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch nước được công bố vào chiều cùng ngày. Tân Chủ tịch nước tuyên thệ và phát biểu nhậm chức trước Quốc hội vào chiều 23/10.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất rất cao (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngay trước kỳ họp thứ 6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ sự cảm ơn khi các cử tri đồng tình việc Trung ương giới thiệu ông để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư khẳng định, đến bây giờ, không phải vì nhất thể hoá, đây là tình huống không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đột ngột, giờ khuyết chức danh này thì phải có người làm ngay.
“Bộ Chính trị, Trung ương thảo luận nhiều phương án, quá trình thảo luận rất dân chủ, rất trách nhiệm. Qua đó, Trung ương đã thống nhất cao giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước"- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Tổng Bí thư cũng lưu ý: “Chúng ta không nên nói Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước vì đây là 2 cơ chế, 2 cơ quan khác nhau, kiêm vai nào chính, vai nào phụ thì không chuẩn. Cũng không nên nói nhất thể hoá, có phải nhất thể hoá đâu. Tất cả Trung ương đồng ý và bước đầu dư luận trong nước và quốc tế cũng đồng tình, ủng hộ...".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sinh ngày 14/4/1944, quê xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội; là giáo sư, tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng).
Ông là Ủy viên Trung ương 6 khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII; Ủy viên Bộ Chính trị 5 khóa VIII, IX, X, XI, XII; tham gia Thường trực Bộ Chính trị (8/1999-4/2001); đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII.
Từ năm 1963 đến 1967, ông là sinh viên khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó công tác nhiều năm ở Tạp chí Cộng sản và giữ chức Tổng biên tập từ tháng 8/1991 đến tháng 8/1996.
Từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2006, ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa XI, XII.
Tháng 1/2011, ông được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương khóa XI, Bí thư Quân ủy Trung ương. Đến tháng 1/2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông tiếp tục được bầu giữ chức Tổng bí thư.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)