Chuẩn mực đạo đức bị quy ra tiền
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa đưa ra Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để lấy ý kiến giáo viên, phụ huynh và các tầng lớp nhân dân. Trong dự thảo, nghị định đưa ra nhiều chế tài để ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục.
Đặc biệt có nhiều quy định liên quan đến chuẩn mực, đạo đức nhà giáo. Tất cả các lỗi như chửi, xúc phạm,
đánh học sinh… đều bị quy thành tiền, “đánh” trực tiếp vào túi tiền của giáo viên nếu vi phạm.
|
Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục có thể giúp ngăn chặn tình trạng giáo viên bạo hành học sinh, nhưng khiến thầy cô bất an. |
Điều 32 Dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
Ngoài ra, nếu vi phạm, giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng.
Dự thảo Nghị định này bắt đầu được lấy ý kiến nhân dân từ ngày 28/9, đến 25/11, sau đó sẽ được ban hành chính thức.
Trước thông tin này, nhiều giáo viên bày tỏ nỗi hoang mang, lo lắng.
“Người ta cứ ca ngợi nghề giáo cao quý, tôi thì thấy nghề bạc bẽo quá. Khi hay tin về quy định phạt tiền giáo viên nếu xúc phạm danh dự, hay đánh học sinh, tôi và nhiều giáo viên trong trường đều buồn cho nghề. Thực sự tôi cảm thấy vị thế nghề giáo đang bị hạ thấp khi quy những chuẩn mực, đạo đức của nghề thành tiền, để xử phạt.
Dù không cổ xúy cho việc dạy dỗ học sinh bằng đòn roi, bạo lực, nhưng tôi cho rằng việc phạt giáo viên với một số tiền lớn hơn rất nhiều tiền lương họ nhận được hằng tháng, sẽ khiến thầy cô lo sợ, áp lực khi lên lớp”- cô Huyền Trang (một giáo viên mầm non tại Thái Nguyên) lo lắng.
Sẽ “làm ngơ” trước hành vi sai trái của học sinh?
Trong bối cảnh thời gian qua xảy ra liên tiếp vụ việc bạo lực học đường, giáo viên bạo hành, xúc phạm danh dự học sinh gây bức xúc dư luận, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục sẽ góp phần chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng này. Tuy nhiên, giáo viên cho rằng nếu Nghị định này có hiệu lực, họ sẽ chọn cách làm ngơ trước những hành vi sai trái của học sinh.
“Thầy cô chúng tôi sẽ làm đúng nhiệm vụ dạy chữ của mình. Trò có hỗn, có hư thì cố nhẫn nhục vì miếng cơm manh áo. Không lỡ may…, thì lấy tiền đâu mà nộp phạt”- cô Đ.T.C (giáo viên một trường tiểu học tại Bình Dương) chia sẻ.
Trên một số diễn đàn dành cho giáo viên, những giờ qua thầy cô cũng chia sẻ nỗi băn khoăn, lo lắng nếu quy định phạt tiền giáo viên có hiệu lực.
Không ít giáo viên bày tỏ, dù phản đối việc thầy cô dùng vũ lực với học sinh, nhưng có những lúc, một roi vào tay hoặc vào mông để đưa trẻ về đúng khuôn khổ là điều cần thiết. Nếu chiếc roi ấy xuất phát từ tình thương và cái tâm của người thầy, thì nên được phụ huynh cảm thông.
Hoặc có những lúc, học sinh nghịch ngợm, không chịu học bài, thầy cô có la mắng cũng là muốn tốt cho các em. Nếu sau này, những hành vi trên đều bị quy kết là xúc phạm danh dự, hay xâm phạm thân thể học sinh, thầy cô sẽ mang theo nỗi bất an mỗi giờ lên lớp.