Từ việc này, PV Tri thức và Cuộc sống có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Thu Hằng - Thành viên TAT Law Firm; Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú xung quanh vấn nạn mua, bán hóa đơn bất hợp pháp.
|
Ảnh minh họa. |
Ai chịu trách nhiệm nếu doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp?
Giả thuyết một bộ phận trong số 524 doanh nghiệp sau khi có kết luận sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, ai phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật?
Luật sư Lê Thu Hằng: Theo quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế, các doanh nghiệp phát hành hoá đơn có hành vi như lập hoá đơn, chứng từ khống, giả để thanh quyết toán…đều bị xử lý về tội sử dụng hoá đơn bất hợp pháp. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP năm 2020 của Chính phủ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 203 BLHS 2015.
Nếu hành vi mua hóa đơn giá trị gia tăng khống có đủ dấu hiệu của tội phạm, có thể bị truy cứu TNHS với tội trốn thuế theo Điều 200 BLHS 2015; tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo Điều 203 BLHS 2015.
|
Luật sư Lê Thu Hằng |
Gian lận hóa đơn thuế giá trị gia tăng đồng nghĩa với việc trốn thuế, có bị xử lý hình sự?
Luật sư Lê Thu Hằng: Trường hợp hành vi gian lận sử dụng hoá đơn VAT nhưng chưa thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm, thì chỉ bị xử lý hành chính. Trường hợp thỏa mãn dấu hiệu tội phạm sử dụng hoá đơn VAT nhằm mục đích trốn thuế, có thể bị điều tra và xử lý theo quy định tại Điều 200 BLHS 2015 về “Tội trốn thuế”.
Luật sư Hoàng Tùng: Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mới là thuế thực sự của doanh nghiệp, cần được đảm bảo bằng hệ thống hóa đơn, chứng từ, hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế hoàn chỉnh, chặt chẽ, logic, phù hợp và luôn phải đảm bảo “có thể giải trình” nếu doanh nghiệp muốn an toàn và tối ưu.
Việc gian lận hóa đơn GTGT mang lại nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên coi trọng việc phát triển kinh doanh để tìm kiếm lợi nhuận, không nên sử dụng hạ sách mua bán hóa đơn khống nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Kẽ hở từ chế tài lỏng lẻo
Vụ triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn 7.500 tỷ đồng của 18 doanh nghiệp ở Hải Phòng mới đây, hay 1.600 tỷ đồng của hai “đại gia than lậu” Quảng Ninh vào tháng 5/2023 và 25.000 tỷ đồng ở Phú Thọ cuối năm 2022 cho thấy chế tài lỏng lẻo nên các công ty ma mới dễ bề hoạt động?
Luật sư Lê Thu Hằng: Hiện, các chế tài liên quan đến việc xử lý các hành vi gian lận hoá đơn, mua bán trái phép hóa đơn đều có. Tuy nhiên, các cá nhân, tổ chức có thể bị “nhờn luật” khi chấp nhận xử phạt hành chính bằng tiền do lợi nhuận trước mắt của hành vi vi phạm mang lại quá lớn.
Để ngăn chặn sớm hành vi vi phạm, cần có chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ đối với các doanh nghiệp khi sử dụng hoá đơn. Các cơ quan quản lý thuế phải hết sức thận trọng khi xử lý vi phạm trong chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình.
Luật sư Hoàng Tùng: Các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn để hợp thức, ngụy trang, coi việc mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ có thật để hợp thức hóa việc hạch toán kế toán, kê khai... Theo đó, các cá nhân đăng ký thành lập các doanh nghiệp “ma” đăng ký mã số thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn, sau đó tổ chức bán hóa đơn hàng loạt với số lượng và doanh số cực lớn rồi bỏ trốn.
Hiện nay, mọi loại hình thanh, quyết toán đều phải có hóa đơn. Song, thực tế cho thấy, có nhiều loại hình kinh doanh nhưng không phải cơ sở nào cũng phát hành hóa đơn. Để thanh và quyết toán, các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp buộc phải mua bán trái phép hóa đơn. Trong khi, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này còn lỏng lẻo, tạo nhiều kẽ hở để các đối tượng vi phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
|
Luật sư Hoàng Tùng. |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Thủ tục đăng ký DN rất thuận lợi, hóa đơn đỏ cũng có một cách dễ dàng.
Lợi dụng sự thông thoáng này, các doanh nghiệp thành lập với mục đích gian lận về hóa đơn và thực hiện việc trục lợi từ hóa đơn cũng không khó khi chỉ hoạt động một thời gian ngắn rồi dừng nhưng không làm thủ tục giải thể để tránh bị thanh tra, kiểm tra, thậm chí thường xuyên chuyển địa điểm kinh doanh. Trong khi đó một phần lý do là chế tài xử phạt hiện vẫn còn nhẹ. Để xử lý tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cơ quan công an, cơ quan hải quan, cơ quan đăng ký kinh doanh cần vào cuộc đồng bộ với nhiều giải pháp.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: Thuế VAT là thuế rất khoa học, doanh nghiệp thu hộ cho nhà nước ở khâu bán lẻ cuối cùng.Tuy nhiên, công đoạn của VAT rất phức tạp, cứ trừ lùi xong khấu trừ, hoàn thuế. Chính những chỗ này sẽ tạo dựng tình trạng mua bán giả. Các doanh nghiệp giải thể, lọt hóa đơn thực ra ngoài họ mới mua, gom lại và dựng các hoạt động mua bán hàng chục tỷ, sau đó lừa xin hoàn thuế hàng chục tỷ đồng. Khi làm ra thì doanh nghiệp đã giải thể, bỏ trốn. Đây là lỗ hổng cần phải bịt kín. Vấn đề chính là phải phòng ngừa, giải quyết hoàn thuế theo kiểu khác. Hóa đơn thật nhưng mua bán là giả và không kiểm soát được. Để giải quyết thực trạng hóa đơn hiện nay phải như kiềng 3 chân. Trong đó, hóa đơn điện tử phải đăng ký với thuế, kết nối máy tính tiền, kiểm tra nhập xuất, tồn hàng hóa của doanh nghiệp.
|
Chuyên gia Vũ Vinh Phú |
Đối phó hành vi gian lận hóa đơn thế nào?
Doanh nghiệp cần làm gì để đối phó với hành vi gian lận hoá đơn; làm thế nào phân biệt được hóa đơn hợp pháp và bất hợp pháp?
Luật sư Lê Thu Hằng: Để phát hiện các chứng từ về hoá đơn có đúng quy định cần tìm hiểu thông tin về pháp nhân của đối tác khi có giao dịch mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Tra cứu tính pháp lý của hóa đơn trên nền tảng các ứng dụng tra cứu hóa đơn hợp lệ do Tổng Cục thuế ban hành. Khi nhận hóa đơn điện tử từ người bán, người mua cũng dễ dàng kiểm tra đầy đủ tính hợp pháp, hợp lệ của hóa đơn thông qua trang thông tin điện tử của Tổng Cục Thuế.
Doanh nghiệp cần cảnh giác các trường hợp cung cấp hàng hóa, dịch vụ với giá quá rẻ so với giá thị trường, vì nhiều khả năng đó là hàng lậu của một chuỗi DN gian lận về thuế và hóa đơn. DN cũng nên chủ động đề nghị cơ quan thuế hỗ trợ kiểm tra thông tin về hóa đơn và thông báo cho cơ quan thuế khi phát hiện các đối tượng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hóa đơn.
Luật sư Hoàng Tùng: Hóa đơn hợp pháp là hoá đơn do Bộ Tài chính phát hành hoặc hoá đơn do Doanh nghiệp tự tạo theo quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về in ấn, phát hành, quản lý và sử dụng hoá đơn.
Nếu là hóa đơn GTGT (tự in, đặt in, điện tử) phải thông báo phát hành trước khi sử dụng, nếu là hóa đơn bán hàng (hóa đơn trực tiếp) phải mua ở Chi cục thuế, Cục thuế.
|
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Trong câu chuyện này, vai trò chính ở cơ quan chức năng. Doanh nghiệp chân chính không có ý định trục lợi từ hóa đơn bất hợp pháp thì họ sẽ không bao giờ làm việc đó. Còn doanh nghiệp nào đã cố tình vi phạm thì không cấm được, trừ trường hợp phải xử phạt nặng, thậm chí xử lý hình sự nghiêm khắc.
Việc rao bán hoá đơn điện tử trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… khá phổ biến, Bộ Tài chính, cơ quan Thuế có động thái nào kiểm soát tình trạng này?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Về nguyên tắc khi đã có hóa đơn đỏ, trong Luật cũng kèm theo các quy định cấm mua bán hóa đơn và có những chế tài. Nhưng phải nâng cả hai cấp độ lên, một là phạt nặng về tài chính và hai là phạt cả hình sự nếu gây nên những tổn thất lớn. Đồng thời, cơ quan thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm phải làm nhiều hơn.
Để cho doanh nghiệp buôn bán thoải mái, sau mãi mới tố ra thì cũng có lỗi của cơ quan chức năng; do vậy, nên quy định thêm nếu để tình trạng trên xảy ra thì ai là người chịu trách nhiệm đối với cơ quan chức năng.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Ngày 22/2/2023, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Đỗ Hữu Ca – nguyên Giám đốc CATP Hải Phòng - về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ông Đỗ Hữu Ca đã nhận 35 tỷ đồng của Trương Xuân Đước (52 tuổi, ngụ phường Đằng Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) với mục đích "chạy án" khi người này bị Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra. Đước đã thành lập 17 công ty "ma" để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép với số tiền giao dịch khoảng 7.500 tỷ đồng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lập ra hàng chục công ty để mua bán hóa đơn khống