Giám sát chặt khí thải độc tại nhà máy Alumin Nhân Cơ

Google News

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị phải tập trung giám sát và xử lý đúng quy chuẩn về khí thải, đặc biệt khí thải độc hại tại Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ.

Ngày 20-1, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), cùng đoàn giám sát đã làm việc tại Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ (xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.
Đất lấp sông suối
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp, cho biết hiện nay dự án đang thực hiện trên diện tích gần 900 ha với hơn 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác kiểm tra tại Nhà máy Sản xuất Alumin Nhân Cơ. Ảnh: Bình Nguyên 
Ông Thị đề nghị cơ quan chức năng quan tâm đến bảo vệ môi trường, nhà máy khắc phục các hạn chế. Theo ông Thị, suối Đắk Dao có vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu của người dân địa phương nhưng hiện bị đất đá bồi lấp từ việc khai thác quặng.
Về vấn đề này, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, đề xuất: "Suối Đắk Dao có vai trò hết sức quan trọng đối với người dân vùng hạ lưu nên cần có hệ thống quan trắc tự động để khi xảy ra sự cố thì phải xử lý ngay và thường xuyên khơi thông suối để giảm ảnh hưởng đời sống của người dân". Ông Tùng cũng đề xuất mở rộng 30-35 m quanh hồ bùn đỏ để làm hành lang, bớt ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân.
Trong khi đó, ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Đắk Nông, cho rằng việc đặt trạm quan trắc tự động trên suối chỉ giải quyết việc đo đạc khi nguồn hóa chất đã chảy ra ngoài môi trường. Ông Trung đề xuất đối với khu vực dễ gây ô nhiễm môi trường, nhất là khu vực chứa chất độc hại thì nhà máy khoanh lại, khi có sự cố cần xử lý ngay trong nhà máy. "Khi có sự cố thì phải có đường dẫn riêng, dẫn ra hồ bùn đỏ hoặc làm cái hồ riêng để xử lý ngay chứ không để hòa theo nước mưa chảy ra môi trường, ảnh hưởng đến an sinh xã hội" - ông Trung nói.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, đề xuất: "Công nghệ thải khô có bước tiến mới, tập đoàn xem xét các giải pháp thải khô để an toàn hơn về môi trường nên đề nghị Bộ TN-MT cho phép chuyển đổi".
Phải giải quyết đồng bộ
Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng vấn đề quan tâm ở đây đối với 2 dự án Alumin trước mắt và lâu dài là phải giải quyết đồng bộ việc phát triển kinh tế song song nhiệm vụ bảo đảm môi trường, an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân địa phương. "Phải bảo đảm các nguồn chất thải, rác thải, khí thải được xử lý không chỉ theo quy chuẩn mà ở mức độ cao, triệt để" - ông Hà đề nghị.
Cũng theo ông Hà, khi thị sát tại hiện trường, ông cũng thấy đất đá trôi chảy làm lấp suối Đắk Dao nên ngay trong năm 2018, nhà máy cần tập trung việc khơi thông suối, nạo vét, đưa ra các giải pháp chống tình trạng đất đá đổ xuống suối. "Về môi trường, vừa rồi cũng xảy ra một số sự cố nhưng là sự cố nhỏ, cục bộ ảnh hưởng không lớn nhưng hình ảnh của tập đoàn lại ảnh hưởng. Một ngành sản suất quy mô công nghiệp lớn, hiện đại mà để xảy ra sự cố ảnh hưởng đến người dân là không được" - ông Hà phê bình.
Về hồ bùn đỏ, Bộ trưởng Bộ TN-MT lưu ý đoàn giám sát phải có văn bản đề nghị nhà máy có phương án mở rộng hành lang an toàn để trình bộ xem xét. Về khí thải, phải tập trung giám sát và xử lý đúng theo quy chuẩn. Đặc biệt, hiện đang có khí H2S (Hydro sulfua, rất độc - PV), chủ đầu tư phải đưa ra phương án giám sát để bộ phê chuẩn.
Theo Cao Nguyên/Người Lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)