Giải cứu vợ, chồng đâm người khác tử vong: Có phạm tội giết người?

Google News

(Kiến Thức) - Luật sư cho rằng hành vi giải cứu vợ khỏi nhóm người bắt giữ người trái pháp luật ngay tại gia, người chồng tại Vĩnh Long đã dùng thanh sắt đâm 1 người chết, chưa đủ căn cứ để xử lý Trần Ngoại Giao trong vụ việc này về tội giết người.

Mẹ đẻ thuê người bắt con gái
Ngày 16/11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long đã tạm giữ Trần Ngoại Giao (30 tuổi, ở xã Long An, huyện Long Hồ) điều tra về hành vi “Giết người”.
Trước đó, khoảng 10h ngày 15/11, một nhóm thanh niên gồm 6 người đi trên xe ô tô 7 chỗ xuất hiện trước nhà anh Giao và dùng bình xịt hơi cay khống chế vợ Giao là chị Võ Thị Thúy Hằng (SN 1991) bắt, đưa lên xe ô tô.
Phát hiện sự việc, Giao và người thân chạy ra ngăn cản thì bị xịt hơi cay. Trong lúc xô xát, Giao dùng thanh sắt dài khoảng 1,5m đâm 1 người chết tại chỗ và 1 người bị thương.
Giai cuu vo, chong dam nguoi khac tu vong: Co pham toi giet nguoi?
 Hiện trường vụ việc vào trưa 15/11.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, bà Võ Thị Kim Chi (mẹ ruột của chị Hằng (SN 1967, ngụ xã Long An, Long Hồ, hiện đang tạm trú phường Hắc Dịch, TX Phú Mỹ) là người đã thuê nhóm thanh niên trên đến Vĩnh Long để bắt con gái đưa về Vũng Tàu.
Dư luận đặt câu hỏi, với diễn biến và tình tiết vụ việc trên, hành vi của Trần Ngoại Giao có cấu thành tội Giết người?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, chưa đủ căn cứ để xử lý Trần Ngoại Giao trong vụ việc này về tội giết người.
Theo luật sư Cường, thông tin từ các cơ quan chức năng cho thấy, nhóm đối tượng lạ mặt đã đến nơi kinh doanh của vợ chồng Trần Ngoại Giao để cưỡng ép, bắt người vợ lên xe. Khi nghe tiếng vợ la hét, Giao đã chạy đến cứu giúp thì bị nhóm đối tượng dùng bình xịt hơi cay tấn công. Sau đó, Giao dùng thanh sắt đánh trả lại dẫn đến hậu quả có đối tượng bị thương và tử vong.
Luật sư Cường cho rằng, nếu thông tin này là đúng, cần làm rõ hành vi, ý thức chủ quan, tương quan lực lượng và hậu quả để xác định hành vi có phải là phòng vệ chính đáng hay không.
Bởi theo quy định của pháp luật, hành vi bắt người phạm tội quả tang, phòng vệ chính đáng được loại trừ trách nhiệm hình sự. Do đó, cần làm rõ hành vi của nhóm đối tượng bắt giữ người trái pháp luật này, những hung khí, vũ khí mà nhóm đối tượng này sử dụng, mục đích bắt giữ người và việc tấn công lại người chồng này thực hiện như thế nào.
Trong trường hợp nhóm đối tượng đến bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm đến thân thể, sức khỏe của người vợ, khi Giao yêu cầu nhóm đối tượng trả người, các đối tượng không những không trả mà lại còn sử dụng công cụ hỗ trợ tấn công lại người đàn ông này. Theo quy định, pháp luật cho phép, người chồng có quyền chống trả một cách cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho bản thân mình và cho vợ mình.
Do vậy, trong tình huống này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi chống trả lại này là cần thiết hay không, có vượt quá khả khả năng mà pháp luật cho phép hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi là phòng vệ chính đáng, việc sử dụng vũ khí, chống trả một cách cần thiết, sẽ phải loại trừ trách nhiệm hình sự, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đàn ông này dù có người đã thiệt mạng và thương tích.
Để xác định là chống trả lại có cần thiết hay không? Có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không cần làm rõ tương quan lực lượng giữa hai bên, làm rõ vũ khí, công cụ mà hai bên sử dụng, làm rõ hành vi và động cơ mục đích của hành vi, làm rõ hậu quả để lại, mới có cơ sở để xác định sự việc có bản chất pháp lý như thế nào, làm cơ sở để áp dụng pháp luật.
Trường hợp người chồng được phép sử dụng vũ lực nhưng đã có hành vi chống trả quá mức cần thiết ví dụ như các đối tượng đã bỏ chạy, không còn nguy hiểm nữa nhưng vẫn tiếp tục đuổi theo phải tấn công gây thương tích hoặc thiệt mạng cho các đối tượng, hành vi này là giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh. Với tình huống này, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh tương ứng.
Bởi vậy, làm rõ diễn biến hành vi của hai bên, làm rõ nhận thức, tương quan lực lượng là cơ sở quan trọng để xác định hành vi cố ý gây thương tích, giết người hay hành vi phòng vệ chính đáng. Hành vi có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không để có kết luận chính xác và giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Phòng vệ chính đáng hay giết người?
Bộ luật hình sự quy định về phòng vệ chính đáng và một số tội danh về vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tinh thần bị kích động mạnh tại điều 22 về Phòng vệ chính đáng.
Trong đó nêu rõ, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
Thứ 2, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Tại điều 125 về tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh nêu rõ: người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội đối với 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Điều 126 về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội quy định: Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội đối với 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.
Luật sư Cường cho rằng, cần làm rõ hành vi của nhóm đối tượng bắt giữ người trước đó.
Trong trường hợp hành vi của nhóm đối tượng này có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người chồng trong tình huống này được phép bắt giữ, được phép chống trả.
Nếu việc chống trả như vậy là cần thiết trên cơ sở tương quan lực lượng, hung khí giữa hai bên dẫn đến hậu quả đối tượng bị thiệt mạng, thương tích thì người đàn ông này vẫn được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 22 hoặc điều 24 bộ luật hình sự năm 2015.
Trong trường hợp cơ quan chức năng xác định hành vi là giết người trong tình trạng tinh thần kích động mạnh (Hành vi giết người diễn ra khi đối tượng đến bắt giữ người không còn hành vi nào đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân cũng như của người khác). Sự việc bắt giữ người đã kết thúc và không còn sự tấn công nữa mà do bực tức, kích động mà người chồng đã sử dụng hung khí để sát hại những đối tượng đó thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 125 bộ luật hình sự với mức hình phạt có thể lên đến 7 năm tù.
Trường hợp hành vi của người đàn ông này được xác định là phòng vệ chính đáng nhưng khi mối nguy hiểm không còn nữa, pháp luật không cho phép người đàn ông này sử dụng vũ lực nữa nhưng người này vẫn cố tình sử dụng vũ lực để tấn công tiếp tục đối với những đối tượng đến bắt giữ người dẫn đến hậu quả có đối tượng tử vong, người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 126 BLHS năm 2015.
>>> Mời độc giả xem thêm video Đồng Tháp: Giết người yêu vì nghi ngờ yêu người khác

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)