Cả một đời chị là những chuỗi ngày bươn chải, làm đủ thứ việc với mong ước nuôi các con ăn học nên người và xây được một ngôi nhà kiên cố. Nhưng số phận trớ trêu lại không giúp chị thực hiện được giấc mơ về một ngôi nhà.
Cựu binh Gạc Ma nuôi giấc mơ từ những chiếc bánh bao
|
Tấm bằng khen và những giấy tờ khác của chồng đã nhàu nát nhưng chị Thảo vẫn giữ chúng như một ký ức cuối cùng về chồng. Ảnh: NĐT |
Ngôi nhà thờ họ nằm giữa xóm 3, nơi mà chị Thảo và những đứa con đang sống nhờ gần 30 năm nay. Đó cũng là nơi cư trú của những người thân bên gia đình chồng. Cả thảy hết 10 người sống và sinh hoạt trong khoảng không gian chật hẹp. Gian nhà giữa- nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Di ảnh anh Tự được đặt khiêm tốn một bên, trong góc nhỏ.
Chị Thảo là vợ của cựu binh Gạc Ma Trần Văn Tự, người đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Sau thời gian tham gia chiến đấu bảo vệ ở quần đảo Trường Sa anh Tự về quê với thương tích 61%. Bản thân anh Tự không còn lành lặn do những thương tật trong chiến tranh. Anh và chị quen biết nhau qua sự mai mối của người bạn.
Tình yêu của hai người cũng trải qua chuỗi những tháng ngày bị ngăn cấm của gia đình chị. Thế nhưng, vượt qua những định kiến, chị vẫn cứ yêu thương và đến với anh. Định mệnh đưa hai người đến với nhau. Anh đi bán bánh bao mưu sinh. Chị thì lúc chằm nón, lúc đi làm thuê cho những gia đình khác trong làng, thu nhập bấp bênh chỉ đủ cơm cháo qua ngày.
Làng An Truyền có hai vật phẩm khá nổi tiếng là bánh bao và nón lá. Thế nhưng sự nổi tiếng của hai thứ đó cũng chẳng mang lại cuộc sống khá giả cho gia đình chị. Rong ruổi khắp các làng quê trên chiếc xe đạp cà tàng, anh Tự nuôi ước mơ xây cho vợ con một căn nhà riêng từ những chiếc bánh bao. Nhưng rồi trong một lần như vậy, anh Tự bị tai nạn và mất để lại bốn đứa con cùng gánh nặng gia đình đè lên đôi vai chị. Cuộc sống khó khăn giờ lại càng chồng chất khó khăn. Nhiều lúc gục ngã nhưng thương con chị lại gượng dậy để làm lụng với mong muốn cho con ăn học.
Trong những trang giấy chị giữ lại, chị Thảo lật giở cho tôi xem những cột mốc của chồng khi tham gia chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa. Tháng 3.1986, anh Trần Văn Tự tham gia nhập ngũ vào Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 Hải quân. Sau trận hải chiến Gạc Ma ngày 14.3.1988, anh may mắn sống sót và trở về với tấm thẻ thương binh hạng 2/4, mắt phải bị ảnh hưởng, hội chứng cánh tay, hội chứng đáy phổi...
Về quê với thương tật khá lớn, hai vợ chồng lại chiến đấu với những dèm pha để đến với nhau. Anh chị cưới nhau năm 1991, đến khi anh qua đời gia sản đáng giá nhất mà anh để lại cho vợ là 4 đứa con. “Cuộc sống khó khăn nhưng may là con cái siêng học, đứa nào cũng học giỏi. Giờ thì ba đứa đang theo học đại học còn một đứa đi Nhật Bản làm đã được 2 năm”- chị Thảo tâm sự.
Hồi còn sống, ước mong lớn nhất của anh Tự là kiếm tiền để xây cho vợ con ngôi nhà để tách ra ở riêng cho khỏi chật chội và có khoảng không gian sinh hoạt riêng. Nhưng rồi làm lụng mãi cũng chẳng tích cóp được đồng nào để xây đắp ước mơ. Phần thì con cái học hành, phần thì anh Tự thường xuyên bệnh tật do di chứng trên cơ thể nên những đồng tiền tích cóp được cứ đội nón ra đi.
Đến khi anh mất đi, giấc mơ đó vẫn chưa được thực hiện, chị Thảo lại gồng gánh để vừa lo toan cho con vừa chắp nối ước mơ của anh. “Con cái lớn rồi, cũng cần có khoảng không gian riêng cho nó. Với lại sống chung cả 10 người trong ngôi nhà chật hẹp như vậy khổ lắm. Di ảnh anh cũng chẳng được có nơi thờ tự tử tế”- chị Thảo nói như mếu.
“Con đi làm sẽ gởi tiền về cho mẹ xây nhà...”
Ngày anh mất, chị Thảo dường như muốn chết đi khi trước mắt là hình ảnh về một tương lai mịt mờ cùng bốn đứa con nheo nhóc. Lúc đó đứa lớn đang học lớp 12, đứa út chỉ vừa vào lớp 7. Sống thế nào đây khi kinh tế chẳng có gì? Câu hỏi đó cứ xoay quanh chị ngay cả trong giấc ngủ. Nhưng rồi mọi chuyện cũng đã qua, thành tích học hành giỏi giang của các con đã vực dậy tinh thần con người chị. “Phải gắng làm cho con học hành, chúng nó học hành giỏi giang cũng là động lực cho tôi. Chứ con đang học hành tốt vậy mà bắt nó nghỉ sao được”- chị Thảo bộc bạch.
Đứa con gái đầu của chị là Trần Thị Hảo (SN 1992) đã tốt nghiệp Cử nhân Điều dưỡng Đại học Y dược- Đại học Huế. Hiện Hảo đã qua Nhật làm điều dưỡng, số tiền chị vay cho Hảo đi cũng ngốn hết 200 triệu. Hai năm qua đó, em cũng gắng làm để gởi về cho mẹ trả được phân nửa số tiền.
Đang trò chuyện, chị Thảo lật đật đi lấy chiếc điện thoại, mở tin nhắn của Hảo nhắn về cho tôi xem “Mẹ và các em ở nhà gắng giữ gìn sức khỏe, con đi làm bên này sẽ kiếm tiền gởi về cho mẹ xây nhà...”- đọc đến đó, chị Thảo cố kìm nén những giọt nước mắt. “Con bé tính nó nhút nhát, nhưng học xong lại xin tôi đi Nhật bằng được. Mỗi lần đọc tin nhắn mà thương con. Xem thời sự thấy người ta bảo bây giờ bên Nhật khó khăn lắm, không biết nó sinh sống thế nào, hỏi thì nó luôn bảo con ổn mà mẹ...”- đến đây chị Thảo quay mặt đi nơi khác, lấy vạt áo lau đi những giọt nước mắt.
Tấm bằng “Huân chương chiến công hạng Ba” với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa được Cố Chủ tịch nước Võ Chí Công ký tặng cùng với một số giấy tờ khác đã cũ vẫn được chị Thảo lưu giữ như một trong những ký ức cuối cùng về chồng.
Tôi hỏi, giờ chị và các cháu có ước mong gì? Chị Thảo quay mặt vào gian nhà giữa, nơi đặt di ảnh của chồng rồi bảo: “Cả đời khổ cực rồi, ước mong của tôi với chồng là lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, giờ thì chuyện con cái đã được hiện thực rồi. Tôi chỉ mong có một căn nhà đàng hoàng để sinh sống, chứ mấy chục năm sống kiếp ở nhờ vậy khổ rồi. Con cái cũng cần có chỗ riêng tư để nó bớt tủi thân với bạn bè”.