Như VietNamNet đã đưa, chuyến bay số hiệu VN 10 từ sân bay Paris Charles de Gaulle (Pháp) hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM lúc 8h10 ngày 16/3. Hải quan tại sân bay đã đưa 4 nữ tiếp viên của Vietnam Airline cùng hành lý vào khu vực kiểm tra và phát hiện bên trong hành lý có hơn 10kg thuốc lắc, ma túy tổng hợp được giấu tinh vi trong các hộp kem đánh răng.
Theo lời khai ban đầu của 4 nữ tiếp viên hàng không, khi ở Pháp có một người chưa rõ lai lịch đã tiếp cận, nhờ nhóm xách tay một số hàng hóa về nước, trả công 10 triệu đồng. Nhóm nữ tiếp viên đã mở một số hộp xem thử, thấy là kem đánh răng bình thường nên đã nhận chuyển hàng.
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, nội dung lời khai trên của 4 nữ tiếp viên hàng không có hai vấn đề cần phải làm rõ là tiền công vận chuyển và diễn biến giao nhận hàng hóa với người lạ mặt như thế nào.
Ma túy dạng viên và dạng bột được cất giấu tinh vi trong các hộp kem đánh răng. Ảnh: Hải quan TP.HCM
Vẫn theo luật sư, chuyện tiếp viên hàng không vi phạm pháp luật, buôn lậu không còn là chuyện hiếm, nhưng tiếp viên hàng không vận chuyển trái phép chất ma túy là chưa từng có. Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ để xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai và cũng không bỏ lọt tội phạm.
Nếu 4 tiếp viên hàng không biết những thứ mình mang từ Pháp về là ma túy, đây chính là hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy. Với hành vi này, nhóm tiếp viên hàng không sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình, bởi số ma túy là đặc biệt lớn.
Việc chứng minh các nữ tiếp viên hàng không này có biết đây là chất ma túy hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ vào diễn biến hành vi, mức độ nhận thức, đặc điểm về nhân thân, mối quan hệ của các nữ tiếp viên và các tình tiết khác có liên quan để xác định việc họ có biết những thứ mình xách từ Pháp về có phải là chất ma túy hay không.
Theo luật sư, đây là một vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, có liên quan đến nhiều người và gây hoang mang trong dư luận xã hội nên CQĐT sẽ xác minh làm rõ để có kết luận hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiếp viên hàng không buôn lậu vàng
Trong một diễn biến khác, vào năm 2017, VKSND TP Hà Nội đã truy tố Hoàng Thị Ngọc Anh (SN 1982) và chồng là Nguyễn Ngọc Sang (SN 1986) cùng Phạm Duy Nhuận (SN 1980 - cựu nhân viên kỹ thuật công ty TNHH MTV kỹ thuật bay) tội Buôn lậu.
Vốn là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines, Ngọc Anh nghỉ việc không lương từ năm 2014. Thông qua một nam thanh niên người Việt ở Hàn Quốc, Ngọc Anh biết giá vàng ở Việt Nam thấp hơn nước bạn. Tính chuyện làm giàu, Ngọc Anh lên kế hoạch đưa vàng từ Việt Nam sang bán kiếm lời.
Để thực hiện ý định, nữ tiếp viên hàng không gom 2,8 tỷ đồng mua 84 lượng vàng rồi nhờ chế tác thành 4 miếng vàng. Để đem được số vàng trên sang Hàn Quốc và tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Ngọc Anh nhờ Nhuận đem vàng lên máy bay cất giấu.
Theo kế hoạch, sau khi mua vé, Ngọc Anh thông báo cho Nhuận biết số ghế để anh ta giấu vàng dưới ghế máy bay. Tối cùng ngày, vợ chồng Ngọc Anh mang vàng đến sân bay Nội Bài đưa cho Nhuận.
Về phần mình, Nhuận mang vàng đến bờ tường của công ty mình thả vào sát trong rồi đi qua cửa máy bay soi chiếu tại Tổng công ty Vasco. Vì Nhuận mặc đồ bảo hộ và đeo thẻ đúng quy định, lại thông báo với bảo vệ mình làm thêm ca nên anh ta đã lọt được vào khu vực bay.
Ra bờ tường lấy vàng, Nhuận đến bãi đỗ 2H, nơi chiếc Boeing 777 chuẩn bị thực hiện chuyến bay từ Việt Nam sang Hàn Quốc đang đỗ. Lúc đó, cửa máy bay đang mở, Nhuận lên máy bay, đi đến số ghế đã được thông báo, lật đệm lên, gắn vàng vào khung sắt của ghế và đậy đệm lại như cũ.
Khoảng 0h25 phút ngày 27/7/2016, khi vợ chồng Ngọc Anh làm thủ tục xuất cảnh và lên máy bay, vừa ngồi vào ghế thì bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.
Mở rộng điều tra, cả 3 khai, trước đó khoảng tháng 6/2016 cũng với thủ đoạn tượng tự đã đưa 20 cây vàng trót lọt sang Hàn Quốc.
Năm 2017, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Hoàng Thị Ngọc Anh 11 năm tù, Nguyễn Ngọc Sang 10 năm tù và Phạm Duy Nhuận 9 năm tù.
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, dịch vụ hàng không là dịch vụ đặc biệt, đảm bảo đến an ninh, an toàn của nhiều người. Bởi vậy, tiếp viên hàng không cần phải được tuyển chọn kỹ lưỡng, có năng lực, trình độ, có kỹ năng tốt và đặc biệt là có phẩm chất đạo đức.