GDP năm 2023 tăng 6,5%: Thách thức... kỳ vọng?!

Google News

Năm Quý Mão sẽ đem lại những cơ hội cho nền kinh tế, đồng thời dự báo nhiều thử thách nghiêm khắc đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống nhân dịp Tết Nguyên đán, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ sự lạc quan với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% năm 2023, mà Quốc hội vừa thông qua.
GDP nam 2023 tang 6,5%: Thach thuc... ky vong?!
TS Lê Đăng Doanh 
Dự phòng các kịch bản
- Năm 2023 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, liệu có khả thi khi dự báo kinh tế còn nhiều thách thức?
- Tình hình thế giới đã và sẽ biến động khó lường, khó dự báo: chiến tranh Ukraine diễn biến thế nào, đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây đứt gãy chuỗi giá trị, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều trở ngại trong khi chủ nghĩa dân tộc trong thương mại quốc tế nổi lên như một phương thức tự vệ… Theo đó, điều này đòi hỏi chúng ta phải kịp thời nhận định rõ những thay đổi tình hình và có quyết sách phù hợp, dự phòng các kịch bản khác nhau: giá dầu thô, lương thực biến động, kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái, nhiều nước điều chỉnh tỷ giá và lãi suất, sức mua ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống của nước ta giảm sút.
Bên cạnh đó, cuộc đối đầu Mỹ-Trung tạo cơ hội cho hàng dệt may tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, giá nông sản tăng cũng tạo cơ hội tăng giá của hàng nông sản của Việt Nam...
Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định Thương mại tự do (FTA), tạo điều kiện thuận lợi cho hàng xuất khẩu của nước ta. Hiện, các nước nhập khẩu đều đặt ra những yêu cầu cao về vệ sinh, an toàn thực phẩm, về chế độ lao động, bảo vệ môi trường mà các mặt hàng xuất của nước ta phải tuân theo. Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi sang kinh tế số vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với nước ta. Đổi mới cơ chế quản lý, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta là đòi hỏi cấp bách chúng ta cần đáp ứng.
Nông nghiệp đã đạt được những tiến bộ quan trong, xuất khẩu nông-lâm-thủy sản đạt kỷ lục, khai thông được nhiều thị trường mới, vận dụng kinh tế số trong nông nghiệp đạt nhiều tiến bộ, thúc đẩy chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
GDP nam 2023 tang 6,5%: Thach thuc... ky vong?!-Hinh-2
 
Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 mà Quốc hội đã thông qua tại phiên họp ngày 10/11 xác định các chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 – 6,0%…
- Theo ông, cần làm gì để vượt qua các rào cản kinh tế?
Dự kiến tăng trưởng GDP sẽ giảm bớt so với năm 2022, chỉ vào khoảng 6,5%, công ăn việc làm sẽ khó khăn hơn. Chính phủ cần tiếp tục có những gói trợ cấp cho doanh nghiệp và người lao động để duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống của người lao động.
Doanh nghiệp cần chuyển mạnh sang kinh tế số, vận dụng khoa học-công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Cần kịp thời trao đổi thẳng thắn với người lao động, động viên, chia sẻ thông tin với người lao động để tạo ra sự đồng thuận, cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức.
Cần đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thực sự các điều kiện kinh doanh (không cắt giảm hình thức, ghép ba điều kiện kinh doanh vào một thông tư, nói là cắt giảm mà không cắt giảm gì, không giảm bớt chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp), thực hiện công khai minh bạch, công bố lên mạng người nào chịu trách nhiệm giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp, bao giờ trả lời...
“Cái gì phù hợp với ngày hôm qua có thể không còn phù hợp cho ngày mai”.
Cần mở rộng gói tín dụng, thúc đẩy đầu tư công
- Nhiều nhóm giải pháp được đề ra cho năm 2023, trong đó kiên định ổn định kinh tế vĩ mô trên cơ sở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt, ông đánh giá thế nào?
Chính phủ đặt mục tiêu kép vừa tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô là một thách thức không nhỏ, song khả thi vì kinh tế nước ta còn những tiềm năng có thể được phát huy.
Cần tiếp tục mở rộng gói tín dụng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hồi sinh và thành lập doanh nghiệp mới. Số doanh nghiệp trên 1000 dân của nước ta còn rất thấp, Chính phủ, chính quyền các cấp cần tiếp tục cải cách, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới, nâng cấp các hộ kinh tế gia đình thành doanh nghiệp đăng ký theo Luật Doanh nghiệp, cắt giảm chi phí bôi trơn (chi phí phi chính thức), tiếp tục gói miễn, giảm thuế đối với một số ngành, lĩnh vực cần khuyến khích.
Các doanh nghiệp phải phân tích tình hình thị trường, tổ chức lại và tái cơ cấu sản xuất, đưa ra thị trường những sản phẩm và dịch vụ thích hợp. Cái gì phù hợp với ngày hôm qua có thể không còn phù hợp cho ngày mai.
- Đầu tư công sẽ được giải ngân rốt ráo hơn và vẫn là một trong những động lực tăng trưởng trong năm 2023. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công như một đòn bẩy để cải thiện kết cấu hạ tầng ( đường xá, cầu cống, mạng lưới Internet…), đầu tư vào giáo dục, đào tạo để cải thiện nguồn nhân lực.
Đầu tư công là động lực quan trọng vì đầu tư công sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, chất lượng logistics, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động hợp tác và tận dụng các cơ hội đầu tư công như mở ra xa lộ, bến cảng, sân bay mới. Đầu tư công cần chú trọng đến thúc đẩy vận dụng khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
GDP nam 2023 tang 6,5%: Thach thuc... ky vong?!-Hinh-3
 
Kỳ vọng 2023 là năm “Đổi Mới lần hai”
- Trong Nghị quyết của Quốc hội có yêu cầu nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa gắn với hiệu quả đầu tư công. Điều này có ý nghĩa thế nào, thưa ông?
Nguồn thu ngân sách cần được mở rộng ra những lĩnh vực chưa thu được đầy đủ như thu về đất đai về kinh tế số, thương mại điện tử…Trên cơ sở gia tăng nguồn thu có thể xem xét mở rộng các gói cứu trợ, cắt giảm thuế, phí, động viên người dân mở rộng kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài…

“Đầu tư công là động lực quan trọng, sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, logistics, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển”.

- Nhiều mục tiêu khác như bình quân thu nhập trên đầu người đạt 4.400 USD, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, vậy cơ sở nào để đạt được?
Cần cải cách thể chế, cắt giảm bộ máy hành chính trùng lắp, cắt giảm trợ cấp từ ngân sách cho tổ chức quần chúng, thực hiện công khai minh bạch thu chi ngân sách nhà nước. Thí dụ như đi công tác trong nước không cần chuyên cơ, hoàn toàn có thể sử dụng các chuyến bay thương mại, cắt giảm chi phí trang hoàng khẩu hiệu, băng rôn tốn kém, người đi xe máy không thể đọc khẩu hiệu trong môi trường giao thông quá đông đúc…
Cắt giảm chi phí ngân sách trung ương và địa phương chi cho tham quan khảo sát trong nước và ngoài nước kém hiệu quả, nghiêm cấm các hình thức huy động đóng góp của doanh nghiệp cho tiệc tùng, chiêu đãi của quan chức và các đoàn tham quan, khảo sát.
Cần vận dụng thông suốt Chính phủ điện tử, kinh tế số, công dân số, giảm bớt chi phí giấy tờ, thời gian và tiền bạc của dân và doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, phát động quần chúng tích cực tham gia góp ý kiến, tố giác tham nhũng, lạm dụng quyền lực, lợi ích nhóm, tạo sự chuyển biến về chất trong bộ máy hành chính nhà nước và chi tiêu ngân sách công..
- Là một chuyên gia kinh tế, ở góc độ cá nhân, ông có kỳ vọng gì về kinh tế Việt Nam trong năm 2023?
Hy vọng năm 2023 là năm Đổi Mới lần hai, năm chuyển mạnh sang kinh tế số, phát huy mạnh mẽ dân chủ, sáng tạo của người dân, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Thực hiện tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
>>> Mời độc giả xem thêm video Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm đồng chí Triệu Tài Vinh giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Nguồn: Truyền hình Nhân dân.


 

 

Hải Ninh (thực hiện)

>> xem thêm

Bình luận(0)