Tính đến 6h sáng nay (28/11), cơ sở y tế đã ghi nhận có 283 trường hợp đã nhập viện điều trị các triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm tại Vũng Tàu sau khi ăn bánh mì và xôi tại tiệm bánh mì Cô Ba (phường 7, TP Vũng Tàu). Các ca này nhập viện tại 2 cơ sở là Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro. Trong đó, nhập viện điều trị nội trú là 145 ca (45 trẻ em). Số ca nặng có tụt huyết áp hoặc sốc là 3 ca nhưng hiện đã ổn. Số ca ổn được cho về tiếp tục theo dõi là 135 ca.
Món ăn nghi ngờ là bánh mì trong đó có nhân thịt luộc, chà bông, bơ, pa tê, chả lụa, nước sốt, đồ chua, hành ngò...
|
Nhiều người dân sau khi ăn bánh mì tại tiệm C.B tại thành phố Vũng Tàu phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: TTXVN phát |
Sau khi xảy ra vụ việc, Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Vũng Tàu đã chỉ đạo quyết liệt để kiểm tra, xử lý vụ việc. Lãnh đạo Sở Y tế trực tiếp đến Bệnh viện Vũng Tàu thăm hỏi bệnh nhân, động viên cán bộ, nhân viên y tế. Đồng thời chỉ đạo bệnh viện tăng cường lực lượng tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân tích cực, chu đáo, không để bệnh diễn tiến nặng.
Về kiểm tra xác minh thực tế tại cửa hàng bánh mì, xôi Cô Ba, đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cùng các đơn vị liên quan ghi nhận tại thời điểm kiểm tra cơ sở chưa xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Chưa hết, cơ sở không có giấy xác nhận đủ sức khoẻ và danh sách xác nhận đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên; giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh. Cơ sở chỉ bán lẻ bánh mì thành phẩm cho khách mang đi, không phục vụ ăn tại chỗ, cơ sở không thuộc đối tượng lưu mẫu thức ăn theo quy định (tại thời điểm kiểm tra, cơ sở tạm ngưng chế biến).
Đoàn kiểm tra đã lấy mẫu thức ăn còn lại tại đây và mẫu bệnh phẩm được lấy tại bệnh viện để gửi Viện Y tế công cộng TP HCM xét nghiệm, kiểm nghiệm các chỉ tiêu về vi sinh.
Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở tạm ngưng kinh doanh dịch vụ ăn uống cho đến khi có kết luận về vụ việc. Cơ sở đã thống nhất với kết quả kiểm tra và chấp hành theo yêu cầu của đoàn kiểm tra.
UBND TP Vũng Tàu cũng đã họp khẩn, yêu cầu các phòng chuyên môn, phường xã rà soát, kiểm tra các nội dung liên quan đến đăng ký kinh doanh, an toàn thực phẩm và các điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các cơ sở liên quan. TP Vũng Tàu sẽ lên kế hoạch tổng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có công văn hỏa tốc yêu cầu Sở Y tế, công an tỉnh, TP Vũng Tàu theo chức năng, nhiệm vụ xác định rõ tính chất, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong năm 2024 số ca mắc ngộ độc thực phẩm tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có những vụ ngộ độc lên tới vài trăm người.
Đáng lo ngại là có vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc. Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, 5 năm trở lại đây trung bình mỗi năm ghi nhận 100 vụ ngộ độc thực phẩm.
Năm 2024 là 12 năm Luật An toàn thực phẩm được ban hành và đi vào thực thi, bên cạnh đó còn có nghị định 15 và thông tư của các bộ, ngành cùng tham gia quản lý thực phẩm. Tuy nhiên, ngộ độc thực phẩm vẫn diễn ra và lo ngại nhất là ở các khu công nghiệp đông người. Việc cung cấp suất ăn cho trường học vẫn có vấn đề. Các bữa cỗ kể cả ở thành thị lẫn nông thôn cũng vẫn đọng lại nỗi lo âu về ngộ độc thực phẩm.
Giới chuyên gia y tế cho biết thực phẩm kém vệ sinh là một trong những nguyên nhân chính gây ra những tác hại kinh hoàng, không chỉ là ngộ độc cấp tính có thể chết người ngay mà sự nhiễm các chất độc hại dưới ngưỡng, theo thời gian có thể gây ra các loại bệnh không biết trước, như ung thư, rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, vô sinh, kể cả quái thai.