Chiều 10/5, Bộ TN&MT đã thông tin chính thức về hơn 20.000 tấn gang xỉ từ Formosa Hà Tĩnh được chuyển về Thái Nguyên làm nguyên liệu tái chế.
|
Bộ TN&MT cho biết, gang xỉ của Formosa được coi là phế liệu làm nguyên liệu tái chế chứ không phải chất thải nguy hại. |
Vụ trưởng Vụ chất thải (Tổng cục Môi trường) Nguyễn Thượng Hiền khẳng định, gang xỉ khử lưu huỳnh của FHS được phân loại, lựa chọn làm nguyên liệu sản xuất gang thép được coi là phế liệu. Nếu gang xỉ này được thải ra ngoài môi trường thì mới được coi là chất thải.
Gang xỉ khử lưu huỳnh của FHS có chứa 71,6% là sắt được khuyến khích tái sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thép. Trong "Sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại" của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, gang xỉ nêu trên không có tên trong danh mục chất thải nguy hại.
Các loại chất thải rắn như như xỉ hạt lò cao, xỉ thép, tro bay, tro đáy, vật liệu chịu lửa, gang xỉ… của HFS sẽ ưu tiên tái sử dụng, thu hồi làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất của khu liên hiệp hoặc bán cho các ngành công nghiệp khác làm nguyên liệu.
Theo đề nghị của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh, Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên tiến hành lấy mẫu phế liệu gang xỉ làm nguyên liệu sản xuất của một số đơn vị thu mua để phân tích và đã xác định có độ kiềm (pH) cao.
"Nếu gang xỉ trên thải ra ngoài môi trường thì kết quả kiểm định độ pH của Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên xác định là chất thải nguy hại là phù hợp. Nhưng, đây là phế liệu dùng làm nguyên liệu sản xuất, không thải ra môi trường mà kết luận là chất thải nguy hại lại không phù hợp, dễ dẫn đến hiểu lầm" - ông Hiền nói.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Văn Thức thông tin: 3 đơn vị không đủ điều kiện giấy phép để xử lý gang xỉ tái chế tại Thái Nguyên sẽ được kiểm tra để xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với công ty TNHH đầu tư và phát triển MHD Việt Nam – đơn vị nhận chuyển giao gang xỉ từ FHS, Tổng cục Môi trường đã yêu cầu dừng thu gom, chuyển giao gang xỉ về Thái Nguyên; kiểm tra việc thu gom chuyển giao có đúng với văn bản ký kết hay không…