Cùng với đó, thành phố cũng quy hoạch lại hệ thống các bến xe khách, trong đó có dừng hoạt động 2 bến xe thuộc hàng lớn nhất Thủ đô vào năm 2020.
Đây là một trong những nội dung chính trong “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Sở Quy hoạch kiến trúc (QHKT) Hà Nội hoàn thành và đưa ra lấy ý kiến các sở ban ngành, Hiệp hội nghề nghiệp để thực hiện ngay trong năm nay.
Theo bản quy hoạch này, nội dung tổ chức, xây dựng lại hệ thống bến xe và các hạng mục phụ trợ nêu rõ, trên địa bàn Hà Nội đang có 9 bến xe khách liên tỉnh với tổng diện tích 17,9 ha. Trong đó, có các bến xe tại nằm trong khu vực nội thành như Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm.
|
Theo Quy hoạch mới, bến xe Giáp Bát sẽ được dừng hoạt động vào năm 2020. |
Ngoài ra Hà Nội còn có 3 bến xe nội tỉnh với diện tích 0,65 ha. Đánh giá về thực trạng các bến xe này, đơn vị xây dựng quy hoạch là Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng: “Cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu trong những kỳ lễ, tết. Ngoài ra, một số bến chưa đảm bảo quy mô, tiện nghi, một số bến còn nằm sâu trong nội thành gây cản trở giao thông”.
Từ thực tế trên, quy hoạch đưa ra nguyên tắc, các bến xe khách liên tỉnh từ nay đến năm 2030 sẽ được tổ chức, quy hoạch trên các trục đường hướng tâm, cửa ngõ và vành đai; tại các vị trí kết nối thuận tiện với giao thông công cộng…
Với các bến xe đang nằm sâu trong khu vực nội thành như Giáp Bát, Gia Lâm, quy hoạch nhấn mạnh đến năm 2020, các bến xe này sẽ được dừng hoạt động để chuyển thành bãi đỗ xe công cộng.
Nội dung này cũng diễn ra tương tự với bến xe Mỹ Đình, Nước Ngầm vào năm 2030. Cùng với đó, quy hoạch đưa ra lộ trình, đến năm 2030, thành phố sẽ xây dựng 7 bến xe mới, với tổng diện tích 73 ha. Mục đích, di chuyển các bến trong khu vực nội thành ra và phục vụ nhu cầu đi lại tốt hơn của người dân.
Cụ thể gồm các bến xe được xây mới: Nội Bài (xã Phú Cường, Sóc Sơn 10 ha), Đông Anh (xã Uy Nỗ, Đông Anh 5,3 ha); Cổ Bi (xã Cổ Bi, Gia Lâm 10 ha); bến xe Phùng (thị trấn Phùng, Đan Phượng 15 ha); Phía Tây (Hoài Đức 5 ha); Phía Nam (xã Ngọc Hồi, Thanh Trì 11 ha)…