Cụ thể, Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên cơ sở rà soát tình hình triển khai đầu tư các dự án giao thông thuộc mạng lưới hạ tầng giao thông khung cũng như dự báo tình trạng giao thông tại một số nút giao quan trọng gắn với các dự án giao thông trọng điểm đang triển khai, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất thành phố bổ sung danh mục một số dự án vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 để triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư.
Theo đó, với nhóm dự án đường vành đai, Sở GTVT đề xuất ưu tiên cho nghiên cứu triển khai ngay công tác chuẩn bị đầu tư đối với 3 dự án gồm:
Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) với quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỉ đồng.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 3 phía Bắc với chiều dài khoảng 14km, tổng mức đầu tư dự kiến 12.046 tỉ đồng nhằm khép kín đoạn còn lại của tuyến đường vành đai 3 phía Bắc.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hoàng Quốc Việt kéo dài đoạn từ Phạm Văn Đồng đến phố Trần Vỹ (bao gồm cả hầm chui qua đường Phạm Văn Đồng với quy mô hầm 4 làn xe), tổng mức đầu tư khoảng 850 tỉ đồng.
Tổng mức đầu tư 3 dự án trên là hơn 21.300 tỉ đồng.
|
Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng tuyến đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) có thể xử lý tình trạng ách tắc thường xuyên tại khu vực này? |
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự án mở rộng tuyến đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) được triển khai nhằm giảm áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, cũng như phát huy hiệu quả tuyến đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.
Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6 km, chạy qua các điểm sau: Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy.
Liên quan đến tuyến đường này, tháng 1/2023 TP Hà Nội thông xe dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở kết hợp với mở rộng theo quy hoạch.
Đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở có chiều dài hơn 5km, quy mô mặt cắt ngang 19m. Dự án được khởi công vào ngày 22/4/2018. Tổng mức đầu tư đoạn dưới thấp và trên cao xấp xỉ 10.000 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).
Từ khi tuyến đường Vành đai 2 từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở thông xe, tình trạng ùn tắc giao thông toàn tuyến cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tại khu vực nút giao Ngã Tư Sở với đường Láng thường xuyên ùn tắc dù ngành giao thông đã thí điểm nhiều phương án phân luồng trong năm 2023.
Toàn bộ tuyến Vành đai 2 Hà Nội theo quy hoạch có chiều dài hơn 43km, quy mô mặt cắt 50-72,5m; là tuyến giao thông nội đô chạy qua Vĩnh Tuy - Minh Khai - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - Láng - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Trường Sa - Nguyễn Văn Linh - Vĩnh Tuy, tạo thành vành đai khép kín.
Hiện đường vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao. Năm 2022, Sở Giao thông vận tải cũng đã đề xuất thành phố nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (tuyến vành đai 2), trong đó có phương án đường trên cao.
Hà Nội quy hoạch 7 tuyến vành đai với tổng chiều dài 285km, trong đó 5 tuyến vành đai chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến vành đai hỗ trợ (2,5 và 3,5). Tuy nhiên hiện nay chưa vành đai nào hoàn chỉnh. Vành đai 5 chưa triển khai; vành đai 4 đang làm và dự kiến hoàn thành năm 2027; vành đai 3,5 chưa hoàn thiện toàn tuyến do khó khăn giải phóng mặt bằng; vành đai 3 còn phía Bắc chưa thông đường; vành đai 2,5 mới làm một số đoạn; vành đai 2 chưa triển khai đường trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy; vành đai 1 vẫn chưa giải phóng được mặt bằng đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục.