Làng "xuất ngoại"
Làng “Xê un” (Seoul) nằm ở thôn Nhân Quang, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.
Hồi trước, nơi đây chỉ là một bãi đất trống toàn cát không có người, trong khi ở trung tâm xã biển Nhân Trạch thì chật kín. Vì vậy, chính quyền địa phương đã khuyến khích và cấp đất cho những đôi vợ chồng mới ra riêng đến ở. Gia đình anh Dương Quang Cường (47 tuổi) là một trong những người đầu tiên đến sinh sống tại đây từ năm 1998.
“Được một năm thì chính quyền địa phương kêu gọi người dân trong xã đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Thời thế khó khăn nên tôi đăng ký đi 5 năm, về quê xây được căn nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi”, anh Cường nói.
|
Một góc làng “Xê un". |
Thấy ai đi về cũng có vốn làm ăn, xây nhà to nên nhiều người trong làng cũng làm hồ sơ xin đi. Rồi những ngôi nhà cao tầng mọc lên càng nhiều, cứ nhà nào có người đi xuất khẩu lao động là to đẹp khang trang. Khoảng năm 2009 thì nhà cửa san sát, cái tên làng “Xê un” cũng từ đó mà ra.
Mặc dù vậy, hầu hết các nhà đều trong tình trạng "cửa đóng then cài" và rất khó bắt gặp đàn ông trong làng. Ông Phạm Văn Khiển, trưởng thôn Nhân Quang cho biết, cả thôn có gần 260 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu nhưng có đến gần 200 người đang đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, trong đó chủ yếu đi Hàn Quốc.
Những thanh niên còn lại, vì lý do sức khỏe không xuất ngoại được thì đều đi biển. Bởi vậy, người trong thôn hầu hết đều là người già, trung niên lớn tuổi, phụ nữ và trẻ em.
“Gia đình tôi cũng có 3 đứa con xuất ngoại, hàng tháng gửi tiền về cho vợ chồng tôi làm nhà, chăm cháu", ông Khiển nói.
|
Anh Dương Quang Cường là một trong những người đầu tiên đến sinh sống tại làng “xê un”. |
Vợ xuất ngoại thăm chồng mới… có con
Ở làng "Xê un", cảnh chồng xuất ngoại để vợ, ba mẹ ở nhà nuôi con, nuôi cháu không hiếm.
Chị Phạm Thị Hương (SN 1980) có chồng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, kể, vợ chồng chị lấy nhau được 3 tháng thì chồng xuất ngoại. Đến nay đã hơn 7 năm nhưng vợ chồng chị chỉ gặp nhau chủ yếu qua điện thoại.
Tính ra, sau 7 năm kết hôn, vợ chồng chị chỉ ở chung với nhau được 3 tháng. "Vì cuộc sống nên phải chấp nhận như vậy thôi, chẳng ai muốn cả, lâu lâu chị lại mua vé du lịch qua Hàn Quốc thăm chồng", chị Hương tâm sự.
Theo chị Hương, làng "Xê un" có rất nhiều trường hợp giống như gia đình chị. Có nhiều người đi biền biệt mười mấy năm, khi đi con còn học mẫu giáo đến lúc về con sắp học hết cấp 3 và chuẩn bị làm hồ sơ xuất ngoại.
|
Những ngôi nhà vẫn tiếp tục được xây dựng. |
Vợ chồng chị Trương Thị Thủy (SN 1976), lấy nhau được ít tháng thì anh đi nước ngoài. Đi mấy năm không được về nên vợ chồng anh chị mãi chưa có con. Năm 2013, chị cùng một số chị em trong xã mua vé máy bay xuất ngoại thăm chồng. Ở với nhau được một tuần thì chị về nước và không lâu sau đó thì sinh được một đứa con trai.
Có nhiều người lập gia đình rồi mới xuất ngoại, nhưng cũng có thanh niên đi khi vừa mới tốt nghiệp THPT. Mải làm ăn nên yêu và lập gia đình đều qua điện thoại, tranh thủ thời gian về cưới vợ rồi lại đi làm ăn nên muộn đường con cái.
Vì chồng đi nước ngoài nên việc xây dựng nhà cửa cũng một tay người phụ nữ quán xuyến, lo liệu. Giờ con cái học hết cấp 3, nhiều em cũng không có ý định học tiếp mà chuyển sang học tiếng để đi xuất khẩu lao động.
Đi xuất khẩu lao động cũng là một cách để đổi đời, có người may mắn trả được nợ, kiếm vốn về gần vợ gần con nhưng cũng có nhiều người đi lâu năm vẫn nợ nần chồng chất, thậm chí có người còn bỏ mạng nơi xứ người. Ở làng "Xê un", đằng sau mỗi ngôi nhà khang trang là một giấc mơ, và trong những giấc mơ ấy chứa biết bao mồ hôi nước mắt của những phận đời xa xứ.